NGAO DU COLORADO: Trở lại Denver, thành phố cao một dặm
Sau 2g20ph bay vượt chặng đường dài hơn 2.000km từ San Francisco (bang California) trên Bờ Tây Hoa Kỳ, tôi đã đặt chân xuống sân bay quốc tế Denver (DEN) của bang Colorado nằm trong nhóm bang miền núi (Mountain States) gần chính giữa Hoa Kỳ lúc 19g50ph ngày thứ Sáu 13-9-2013. (Sẽ có người nhíu mày vì con số quá nhạy cảm ở phương Tây: thứ Sáu 13).
Ở sân bay quốc tế San Francisco (SFO), làm thủ tục check-in xong vào tới gate là đã 2 giờ, tôi ngồi chờ chuyến bay UA 1674 của hãng hàng không United Airlines lúc 14g06ph để bay đi Denver. Ngồi ở cổng 73 chờ mãi đã tới 15g40ph – quá giờ boarding theo boarding-pass ghi mà vẫn không thấy động tĩnh gì, tôi nghi nghi bèn lại cổng 73 thấy mọi người đang xếp hàng cho chuyến bay đi thành phố Pittsburgh (bang Pennsylvania), chuyến bay lúc 16g25ph. Sao kỳ vậy ta, tôi vội lại quầy hỏi và được biết một tin động trời: chuyến bay của tôi đã đổi sang cổng 76B. Mấy hành khách khác thấy vậy cũng tới hỏi. Lúc đó, trên loa mới thông báo vụ đổi cổng. Báo hại tôi rảo chân nhanh hết mức có thể được – chạy hết nổi à nghen – về hướng cổng 76B ở cách đó khá xa. Đồng hồ chỉ còn 15 phút nữa là máy bay cất cánh, mà theo quy định thì cổng sẽ đóng trước giờ cất cánh 10 phút. Dễ trễ quá chừng. Nhưng may phước là chuyến bay bị delay, hộc tốc chạy tới để thở dốc đứng chờ, mãi tới 16g30ph mới bay (giờ Denver sớm hơn giờ San Francisco 1 tiếng).
Tới sân bay Denver, máy bay chờ ráp cổng đường ống khá lâu. Báo hại những hành khách tới Denver phải nối chuyến (continuous flight) phải hộc tốc mà chạy tới cổng. Biết bị trễ nên ngay lúc đang ráp cổng, tiếp viên đã đọc danh sách các cổng cho từng chuyến bay nối chuyến để giúp hành khách khỏi mất công tìm kiếm.
Thành phố Denver hơn 600.000 dân tự hào với cái nickname “Mile-High city” (thành phố cao 1 dặm) vì nó nằm trên cao độ đúng 1 dặm (1.609,3m) so với mực nước biển. Ở đây không khí khô và loãng, áp suất cao vì thế con người dễ khô khốc, phải luôn uống nhiều nước. Điều khó chịu với du khách là trong những ngày đầu chưa quen, cuốc bộ rất mau đuối sức và tai dễ bị ù như khi máy bay lên xuống hay như đi thang máy tốc độ nhanh. Ai dễ chảy máu cam thì là một nỗi đoạn trường.
Sân bay Denver (DEN) mới xây rộng minh mông trải trên diện tích 140km vuông, là sân bay lớn nhất nước Mỹ và lớn thứ nhì thế giới (sau sân bay quốc tế King Fahd ở Dammam, Saudi Arabia). Đường băng 16R/34L là runway dài nhất nước Mỹ. Năm 2012, DEN là sân bay đông khách thứ 11 thế giới, với hơn 53 triệu hành khách qua lại. Hành khách tới đây sau khi xuống máy bay (và làm thủ tục nhập cảnh nếu từ nước ngoài tới) sẽ đi xe điện ngầm miễn phí tới khu nhận hành lý nằm ngay sát cửa ra vào sân bay. Hệ thống xe điện ngầm ở đây rất tuyệt, phát âm thanh báo hiệu tới trạm bằng những điệu nhạc vui tươi, chạy nhanh và luân chuyển nhanh, đưa khách tới tất cả các cổng.
Trong sân bay có một điểm đánh giày cho khách với những ghế nệm bọc da sang trọng. Các nhà vệ sinh được thiết kế làm nơi tránh lốc xoáy (tornado shelter), vì thế mọi người vào đây cứ an tâm mà “hát karaoke”.
Nhưng điều làm tôi chú ý nhất ở chỗ sân bay Denver có lẽ là sân bay duy nhất trên thế giới ngoài Việt Nam ưu ái với người Việt. Hồi cuối tháng 5-2013, khi tới đây, tôi thấy trên tường ga đến có vẽ một bức tranh lớn thể hiện tính chất cộng đồng đa dân tộc, đa văn hóa với hình ảnh người của nhiều dân tộc khác nhau, trong đó có một cô gái Việt áo dài nón lá ở vị trí nổi bật. Lần này trở lại Denver, tôi phát hiện ở ngay ga đầu tiên của tàu điện ngầm bên cạnh pho tượng John L. Jack Swigert Jr., phi hành gia của Colorado, có một tấm panel chào mừng khách tới đây. Trong số 9 thứ tiếng thể hiện lời welcome, có tiếng Việt với câu “Chào mừng bạn” được bỏ dấu nghiêm chỉnh.
Thầy cô Hữu Thành – Kim Thọ và anh chị đồng môn Công Phong – Cẩm Vân đợi sẵn ở ngay nơi lấy hành lý. Sau đó, cả 5 thầy trò cùng về nhà thầy cô, đi 2 xe, cách sân bay chừng 30 phút. Đêm Denver giăng giăng đèn. Trời vừa mưa nên đường loang loáng nước. Thầy cô cho biết 4 ngày qua, Denver chịu một trận bão quần tới quần lui không thoát được các rặng núi chung quanh nên trời không thấy ánh mặt trời. Chiều nay có lẽ để đón tôi tới, trời cho chút nắng. Vậy là đỡ mang tiếng là Kiến Đen đi tới đâu mang theo thiên tai tới đó.
Gia đình THKT ở Denver. Từ trái qua: thầy Hữu Thành, cô Kim Thọ, chị Cẩm Vân, anh Công Phong và PHP.
Cô Thọ lập tức vào bếp hâm lại bữa cơm tối. Vì biết tôi sau gần 1 tuần ở Đức và 4 ngày ở San Francisco chỉ ăn chủ yếu đồ Tây nên cô tốn nhiều công sức nấu bữa cơm Việt với hai món canh chua cá catfish và cá catfish kho trong ơ sứ. Cô nói có một bà bạn nấu ăn ở nhà hàng truyền bí kíp cho cô nên nấu toàn bằng gia vị có ở Mỹ mà rất đậm đà hương vị Việt. Hai món ăn ngon thiệt là ngon. Thầy Thành càm ràm, chỉ khi nào có khách, thầy mới được “ăn ké” những món ăn Việt “hoành tráng” như vầy. Thầy đùa thôi vì nhà chỉ có hai thầy cô, nấu thì cũng chỉ ăn chút ít. Ở Mỹ mà nấu món Việt cho ra tấm ra món là cả một kỳ công của những người nội trợ đảm đang. Giới trẻ thì thường chuộng món Mỹ cho nhanh, tiện và hòa đồng cùng bạn bè.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Denver, Colorado 13-9-2013)
Hình ảnh thiếu nữ Việt áo dài nón lá trong bức tranh cộng đồng đa dân tộc trên tường sân bay Denver.
Nhà vệ sinh cũng là nơi tránh lốc xoáy (tornado).
Nơi đánh giày ở sân bay.
Cô Kim Thọ (phải) và chị Cẩm Vân chuẩn bị bữa tối.
Bữa tối có hai món đặc sản Việt do cô Kim Thọ tốn nhiều công sức nấu: cá kho ơ sứ và canh chua cá catfish.