Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

No bụng và no mắt ở Đà Nẵng đêm đầu tiên

131016-phphuoc-danang-microsoft-052_resize

 

5 giờ sáng hôm qua 16-10-2013, tôi đã cẩn thận input 2 chén cơm nguội cá lóc kho trước khi ra sân bay. Lên máy bay được mấy em tiếp viên áo dài đỏ đưa cho một chai nước tinh khiết Aquafina 355ml nhỏ nhắn quá, anh không vui. 9g10 tới sân bay Đà Nẵng thì trong bụng tôi dường như trống vắng. Anh bạn Microsoft đón đoàn nhà báo mời mọi người lên lầu, ga đi, để uống cà phê trong khi chờ đoàn nhà báo ở Hà Nội bị delay 2 tiếng vào, sau đó mới đi ăn trưa.

Hỗng phải chỉ có tôi mà mọi người đều đói bụng nên thay vì uống cà phê, mỗi người phải chèn bụng lại. Tôi kêu một tô mì quảng và một lon Coke. Tô mì quảng nhỏ xíu xiu, bụng tôi vốn slim như người mẫu Congo mà ăn còn có cảm giác như cọp ăn bù mắt, ăn xong, lắc lắc mấy cái là coi như “chưa hề có cuộc ăn thêm”. Xong thì nàng Tú Uyên ở Thời báo Kinh tế Việt Nam “quyên góp” bổ đồng mỗi đầu người 80.000 đồng chi phí bao tử.

Buổi trưa, mọi người ăn tại nhà hàng bánh tráng thịt heo Trần trên đường Lê Duẩn. Thực đơn Microsoft chiêu đãi gồm 3 món: món chính là bánh tráng cuốn thịt heo luộc, transfer bằng một chén bánh bèo nhỏ như chén nước mắm, cuối cùng chốt lại với một tô mì quảng lớn gấp đôi và chất lượng ở level cao hơn tô ở sân bay.

Bánh tráng cuốn ở đây chỉ khác các nơi khác ở cái món bánh tráng mì quảng. Anh bạn Tấn Ba ở báo Saigon Giải phóng vốn quê ở vùng bày cho mọi người cách ăn. Bánh tráng bình thường (dẻo như bánh tráng phơi sương Trảng Bàng) được cắt thành hình vuông. Bánh tráng mì quảng (gọi vậy vì nó là loại bánh tráng mà người ta tráng lên rồi xắt thành sợi làm mì quảng) dạng tươi được cắt thành hình chữ nhật, xếp thành chồng lên dĩa (mỗi cái rời nhau nhờ được tráng một lớp dầu phộng phơn phớt). Khách ăn lấy một chàng bánh tráng dẻo, úp lên trên chồng bánh tráng mì quảng, canh sao cho nàng bánh tráng tươi nằm ở giữa rồi dùng tay miết đều xuống một đầu cho nàng bên dưới dình vào chàng bên trên. Khi gỡ ra, chàng và nàng đã dính vào nhau như sam. Người ăn lấy rau sống bỏ lên rồi gắp một miếng thịt heo nạc luộc xắt mỏng dài hay một miếng thịt heo hai đầu da (loại thịt heo ở lưng con heo phía trên, được xắt sao cho thịt ở giữa và hai bên đều có da), cho thêm ít bánh đa nướng dòn được bẻ vụn. Xong xuôi quấn lại thành cuốn. Nước chấm chính là món mắm nêm được pha chế đặc biệt. Nhưng do nàng Tú Uyên từng một lần ăn xong lên cơn đau ruột thừa phải đi mổ cảnh báo, nên ai cảm thấy bụng mình không “vững chắc” thì chớ hề dám đụng vô món chấm này. Tụi tôi kêu nước mắm ớt chua ngọt thông thường chấm cho nó an lành.

Khu khách sạn Furama Resort nằm bên bờ biển Đà Nẵng trên đường Trường Sa, quận Ngũ Hành Sơn. Đây là một khách sạn 5 sao, rộng mênh mông, được trang trí theo phong cách người Chăm với những nhân viên phục vụ mặc trang phục lai kiểu Chăm. Phía sau lobby là khoảng không gian rộng nhìn ra biển đang cuộn sóng lớn bạc trắng, có cái sân rộng với hai hàng chum vại kiểu Chăm.

Ban đầu, Microsoft Media Day mang tên “Giao lưu báo chí và trải nghiệm hệ điều hành Windows mới” này có kế hoạch tổ chức tại khu Golden Sand Resort & Spa Hội An ở bãi biển Cửa Đại (Hội An), nhưng do nơi đó bị trận bão số 11 đêm 14 sáng 15-10 quật tả tơi, Microsoft Việt Nam bèn dời về Furama Resort.

Tôi ở chung phòng với bạn Lâm Khoa bên kênh truyền hình kỹ thuật số Saigon Channel. Phòng nằm ở tầng trệt, có cửa chính mở ra khu vườn xanh um tùm cây cối. Điều bất tiện là khách sạn này tuy ở Việt Nam lại dùng loại ổ cắm điện theo chuẩn Anh (giống Singapore) với 3 chấu hình chữ nhật nằm ngang. Báo hại tôi chật vật lắm mới tìm được cái ổ mà các khách trước đây đã nong cho lớn ra để cắm cái phích chấu tròn vào mà xài tạm. Xưa nay có ai đi lại trong nước mà lại mang theo adapter đổi đầu cắm điện đâu. Furama kỳ cục kẹo à nghen.

Không biết có phải do hậu quả của bão không mà ở trong phòng khách sạn, sóng điện thoại 3G và sóng Wi-Fi rất yếu và chập chờn. Để up 28 tấm ảnh lên Facebook, tôi mất… 3 tiếng đồng hồ. Muốn gọi điện hay xài 3G thì phải mở cửa phòng ra ngoài hiên mới có sóng. Buồn hơi bị nặng, vì dân làm báo thời nay, ngủ đâu cũng được, chỉ cần có Wi-Fi ngon lành để làm việc là khoái nhất rồi.

Buổi tối, Welcome Dinner diễn ra tại nhà hàng Samdi trên đường Phan Châu Trinh. Đó là một biệt thự nhiều tầng xây như lâu đài với trang trí nội thất hoàn toàn bằng gỗ chạm trổ cầu kỳ theo các phong cách Đông và Tây (tôi thì cho rằng có thêm cả Nam và Bắc nữa). Bữa ăn nhiều món Việt Nam và ai đó hỗng rõ. Nhưng phong cách và chất lượng phục vụ thì kém xa Saigon, chỉ hơn Hà Nội chút đỉnh.

Nhà hàng có một chàng đàn piano và một nàng kéo violin đệm cho khách ăn thêm ngon miệng. Nhưng gây xôn xao nhất là 2 màn múa vũ điệu lai Champa của 2 cô gái trẻ. Chỉ có điều, thay vì mặc đồ vũ nữ Champa truyền thống, họ lại mặc những bộ đồ “mát mắt” bằng vải kim tuyến. Nhưng thôi, có ai quan tâm tới điệu nhạc và các động tác múa đâu, chỉ có đôi mắt các chàng là làm việc hết công suất suốt màn múa. Vậy là tối nay no bụng, no mắt rồi, về khách sạn, mấy chàng nhà báo ngủ được hay không là chuyện hên xui – hồn ai nấy giữ giữa Đà Nẵng vừa phục hồi một phần sau cơn bão đang cần những tấm lòng chia sẻ từ phương xa.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Đà Nẵng 17-10-2013)

131016-phphuoc-danang-microsoft-023_resize

131016-phphuoc-danang-microsoft-026_resize

131016-phphuoc-danang-microsoft-049_resize

131016-phphuoc-danang-microsoft-053_resize

131016-phphuoc-danang-microsoft-054_resize

131016-phphuoc-danang-microsoft-055_resize

131016-phphuoc-danang-microsoft-058_resize

131016-phphuoc-danang-microsoft-061_resize

131016-phphuoc-danang-microsoft-065_resize