Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Số 7 ám ảnh ngành hàng không

140722-flight-mh17-shut-down-ukraine-34

 

Số 7 trong tiếng Hán đọc là “thất”. Từ nguyên thủy đã là chuyện mất mát (thất thoát), thua lỗ (thất bại) rồi.

Nàng Thúy Kiều trong kiệt tác Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du trong một lần thấy quan nha ập tới “”Đầy sân gươm tuốt sáng lòa” khiến nàng hoảng sợ tới mức “Thất kinh nàng chửa biết là làm sao”. “Thất kinh” cho dù hiểu với nghĩa văn chương hay nghĩa “trời thần” cũng là chuyện chẳng hay ho chút nào.

Nghi thức cúng tế người qua đời của tín hữu Phật giáo cũng dựa vào chu kỳ 7 ngày, gọi là “cúng thất”. Người ta tin rằng người quá cố có thể vãng sinh hay đi đầu thai ngay sau khi qua đời, hoặc trong vòng 7 ngày hay tối đa 7 tuần lễ. Để trợ giúp cho hương linh người quá cố, những người thân còn trên dương gian phải hộ niệm, tiếp sức cho người đó bằng các nghi thúc tụng kinh, cầu nguyện, phóng sanh, thi ân và cúng dường theo các chu kỳ 7 ngày. Lần cúng cuối cùng gọi là Chung thất diễn ra vào ngày cuối cùng của tuần thứ 7 (7 x 7 = 49 ngày).

Bạn có nhìn thấy cái con số 7 kia không? Người ở nông thôn à lên sao nó giống cái lưỡi hái, lưỡi liềm vậy ta! Kẻ yếu bóng vía, hay gặp ác mộng thì run lên nghe ớn lạnh sống lưng: Oh my God, sao nó giống cái “lưỡi hái tử thần” thế kia! Thiệt sự thì họ nào có gặp “thần chết” bao giờ đâu mà biết Sir ấy có cầm chiếc lưỡi hái đi “hái” mạng người, chủ yếu coi phim ảnh thôi mà chết khiếp như vậy.

Tôi thì nhìn số 7 sao giống cây cuốc mà hồi giữa thập niên 1970 mình từng giộp phồng rồi chai sần bàn tay vì cầm nó đi cuốc đất làm ruộng.

Nói chung, cái con số 7 chớ có hên, có đẹp chút nào, ít nhất thì như hiểu biết và trải nghiệm của tôi.

Bởi vậy, khi nhìn thấy con số 7 xuất hiện trong một loạt các tai nạn máy bay nghiêm trọng từ đầu năm 2014 tới nay trên thế giới, người ta đã càng thêm ám ảnh với con số 7. Đành rằng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi, nhưng cái mà bộ hết con số rồi sao lại chọn con số 7 vậy há! Tính nhát ma thiên hạ hả?

Ngày 8-3-2014, chuyến bay số MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines chở 239 người đã biến mất bí ẩn sau khi vừa rời sân bay Kuala Lumpur bay đi Bắc Kinh. Cho tới nay, bất chấp cuộc tìm kiếm lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới, chiếc máy bay Boeing 777-200ER này vẫn bị mất tích không một dấu vết, như thể bị rơi vào một cái lỗ đen vũ trụ nào đó trong phim khoa học giả tưởng.

Chiếc trực thăng Mi 171 mang số hiệu 01 của Trung đoàn 916 thuộc Sư đoàn Không quân 371 rơi tại Thạch Thất (Hà Nội) ngày 7-7-2014 trong một chuyến bay huấn luyện nhảy dù làm 19 quân nhân chết và 2 người bị thương.

Chiều 17-7-2014, chuyến bay MH17 của hãng Malaysia Airlines chở 298 người đã bị bắn rơi khi đang bay qua không phận miền đông Ukraine, chỉ 4 giờ sau khi cất cánh từ Amsterdam (Hà Lan) để bay về Kuala Lumpur. Chiếc máy bay Boeing 777-200ER này đã bay chuyến đầu tiên vào ngày 17-7-1997 và kết thúc cuộc đời đúng 17 năm sau vào ngày 17-7-2014.

Vậy còn chuyến bay GE222 của hãng hàng không Đài Loan TransAsia Airways bị rơi trên đảo Penghu tối 23-7-2014 giết chết 48 người và làm bị thương 15 người (có 10 người sống sót trên chuyến bay và 5 người dưới đất), chắc chỉ có số 7 là tháng 7 thôi hén? Chớ có vội mừng. Đây là loại máy bay 2 động cơ phản lực cánh quạt ATR-72-500 do Pháp và Ý chế tạo được trang bị động cơ  Pratt & Whitney Canada PW127. Chiều hôm đó, giờ khởi hành chính thức của chuyến bay này là 16g. Nhưng do bị bão, nên giờ bay bị đình hoãn, mãi tới 17g43ph, nó mới cất cánh bay chuyến cuối cùng.

Sáng 25-7-2014, đúng 7 ngày sau vụ chuyến bay MH17 bị bắn rơi ở Ukraine, chuyến bay AH5017 của hãng hàng không Air Algerie (Algeria) bị rơi vì bão cát dữ dội ở miền bắc Mali. Không ai trong số 116 người trên máy bay sống sót. Chỉ khoảng 50 phút sau khi cất cánh từ sân bay Ouagadougou (Burkina Faso) để bay tới Algers (Algeria), chuyến bay đã bị mất liên lạc. Đây là chiếc máy bay MD-83 do hãng McDonnell Douglas (nay thuộc hãng Boeing) Mỹ chế tạo vào năm 1996 (đã được 18 năm).

Vào khoảng 4g57ph chiều 25-7, một chiếc trực thăng ALH-370 của Không quân Ấn Độ đã rơi xuống làng Ahirwa của quận Sitapur cách thủ phủ Lucknow của bang Uttar Pradesh khoảng 70km. Tai nạn làm tất cả 7 người trên máy bay chết.

Chẳng lẽ từ nay người ta cho cái số 7 “lên đường”, thay bằng “6 bis” giống như khi kiêng kỵ cái số 13? Kính mời hành khách an tâm lên chuyến bay XX566Bis tại Gate 6+1….. 

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 26-7-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.