Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Thuốc lá, thấy mà… (ghét) ghê!

+ Photo: Quầy bán thuốc lá trong cửa hàng Duty Free ở sân bay Taipei.

Hôm rồi lơn tơn ghé vào một cửa hàng Duty Free ở sân bay quốc tế Taipei (Taiwan), đang đê mê hỉnh mũi hít ké tá lả mùi hương từ các lọ nước hoa thì tôi bỗng giật nẩy cả người, giống như Trư Bát Giới bị cái đại ca Tề Thiên nện cho một hèo thiết bảng văng ra khỏi động Bàn Tơ vậy đó. Đập ngay vào mắt tôi tới nảy đom đóm là la liệt những hình ảnh ghê người in trên các cây thuốc lá ở quầy kế bên.

Những hàm răng đen xì xiêu vẹo, những lá gan bị xơ, những lá phổi mục nát, những thai nhi chết yểu, những bàn chân lở lói,… tất cả đều do những chứng bệnh có liên quan tới thuốc lá.

Theo luật định của nhiều nước (tham gia hiệp ước chống thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới – WHO), những hình ảnh cảnh báo tác hại của thuốc lá phải được in hay dán trên cây thuốc và từng gói thuốc kèm theo dòng khuyến cáo “hút thuốc có hại cho sức khỏe” cùng số hotline của cơ quan tư vấn cho người muốn bỏ hút thuốc. Kích thước của những hình ảnh “rợn người” này tùy theo từng nước, thấp nhất là 20% diện tích một mặt của gói thuốc hay cây thuốc. Riêng ở New Zealand, hình này phải chiếm ít nhất 30% diện tích mặt trước và 90% diện tích mặt sau của bao bì thuốc lá.

Quy cách đóng gói thuốc cũng được quy định chặt chẽ. hầu hết là gói 20 điếu. Ở Úc, hầu hết là gói 25 điếu, kế đó là gói 20 điếu; một số gói có 30, 40 hay 50 điếu. Ở Canada, hầu hết gói thuốc có 25 điếu, nhưng loại 20 điếu cũng “hảo hảo”. Ở Anh, gói thuốc thường có 20 điếu, nhưng các thương hiệu quen thuộc cũng có loại gói 10 điếu; trong khi các máy bán hàng tự động bán gói thuốc y cỡ nhưng chỉ chứa 16 hay 18 điếu. Còn ở Mỹ, số điếu thuốc trong một gói thuốc phải ít nhất là 20 điếu; có những thương hiệu như Export As đóng gói 25 điếu. Có dạo, loại nửa gói 10 điếu hay 14 điếu cũng được dân Mỹ khoái.

Hồi trung tuần tháng 8-2012, Tòa án Tối cao Úc đã ra phán quyết bác bỏ đơn kiện của các hãng thuốc lá chống lại luật mới của chính phủ quy định không in thương hiệu trên các bao bì thuốc lá. Luật mới sẽ buộc thuốc lá phải được đóng gói trong các vỏ bao màu xanh ô-liu không in tên thương mại mà thay vào đó là những hình ảnh cảnh báo nguy cơ sức khỏe. Lẽ ra, luật này đã có hiệu lực vào tháng 12-2011 nhưng bị trì hoãn thực thi sau khi các công ty thuốc lá lớn, trong đó có British American Tobacco, Philip Morris, Imperial Tobacco và Japan Tobacco, phản đối mạnh mẽ. Với phán quyết không có quyền kháng cáo này của Tòa án Tối cao Úc, kể từ ngày 1-12-2012, các hãng thuốc lá phải dùng bao bì hợp chuẩn với thương hiệu được in nhỏ bên dưới hình cảnh báo.

Bao bì thuốc lá mới ở Úc.

Hình ảnh khuyến cáo trên bao bì thuốc lá ở Campuchia.

Ở Việt Nam, label khuyến cáo chỉ dùng chữ.

Ở xứ ta, dạo trước trên gói thuốc chỉ in một dòng khuyến cáo tác hại của thuốc lá “càng khó đọc càng tốt”. Sau này, quy định là dán nhãn khuyến cáo – nhưng chỉ dùng chữ – với kích thước khoảng 1/3 mặt gói thuốc. Có điều, chắc hẳn bởi tại vì do người Việt ta ai cũng biết chữ và giàu chữ nghĩa nên chỉ cần “dùng chữ” mà thôi, không xài các hình ảnh “thấy mà ghê” như phần lớn các nước. (Ngay cả ở Campuchia láng giềng từ năm 2009, các hãng thuốc lá cũng phải dán trên bao bì thuốc lá những hình ảnh “thấy là muốn bỏ ngay tô hủ tíu Nam Vang”). Và bởi người mình tràn trề văn hóa nên “nói ngọt lọt tới xương” chỉ cần dùng câu khuyến cáo rất chi là lịch sự: “Hút thuốc có thể gây ung thư phổi”. Xin lưu ý, chữ “có thể” theo tiếng Anh (can) có nghĩa là “có khả năng”; còn trong tiếng Việt thì hàm nghĩa “hên xui”, “trời kêu ai nấy dạ”, có thể có, có thể không (may be). Có lẽ sợ ngộ nhận nên nhiều nước không dùng chữ “can” trong lời khuyến cáo mà ghi “rành mạch” là “Smoking causes…” (hút thuốc gây ra…), “Smoking seriously harms…” (hút thuốc gây hại nghiêm trọng…), “Cigarettes hurt…” (thuốc lá gây hại…)

Viết tới đây, mỏi tay quá, khô cổ quá, lạt miệng quá,… cho tôi đi hút một ngao… Coca Cola nhé!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 18-10-2012)

Mời bạn xem hai video clip cảnh báo tác hại của thuốc lá do chính phủ Úc thực hiện dưới dạng quảng cáo thương mại. (Những hình ảnh có thể gây sốc, xin cân nhắc trước khi xem tiếp.)