Một kết thúc ấm áp tình người cho Henry Le
+ Nguồn ảnh: Internet.
Tôi vừa từ Bangkok (Thái Lan) về tới Saigon chiều tối Chủ nhật 28-10-2012, và khi ngồi viết những dòng này thì ở California (Hoa Kỳ) là sáng Chủ nhật – chỉ còn một ngày nữa là cháu Henry Le, một thanh niên người Việt vừa tự tử ngày 19-10-2012 vì bế tắc cuộc sống không có tương lai, sẽ được mọi người tới viếng rồi sau đó đưa đi hỏa táng theo ý nguyện của gia đình.
Cháu sẽ an nghỉ trong vòng tay ấm áp của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Người Việt mình tốt từ căn nguyên mà. Ai cũng thấm nhuần câu “Một con ngựa đau cả tàu không ăn có”. Mọi người đã chung tay góp sức lo cho đứa cháu đồng hương tội nghiệp và bất hạnh của mình được an nghỉ trong ấm áp. Thông tin từ ban vận động quyên góp cho biết tới ngày 23-10-2012 đã nhận được 17.529 USD, nghĩa là vượt qua mức chi phí dự tính là 10.000 USD. Như vậy sẽ còn dư chút đỉnh để chăm lo cho gia đình cháu.
Nhưng thiệt tình là tôi vẫn day dứt không nguôi. Giá như trước đó, Henry nhận được sự đùm bọc của cộng đồng thì cháu nó đã không phải tự kết liễu cuộc đời còn quá non trẻ của mình. Với 17.000 USD đó, nếu mỗi tháng tiếp sức cho cháu 100 USD, cháu có thể cầm cự được hơn 14 năm. Còn nếu nới tay hơn một chút, cho cháu 200 USD/tháng, cháu sẽ khỏe thân được 7 năm. Tôi nghĩ, với hoàn cảnh của cháu, chỉ cần khoản tiền như vậy hàng tháng là cháu còn có thể cảm thấy có thể sống trên đời rồi.
Vậy thì tại sao Henry Le, và những người cùng cảnh ngộ, không được tiếp sức ngay từ khi sự tiếp sức còn có giá trị? Tôi vẫn cho rằng cách làm từ thiện của chúng ta có vấn đề. Một là do thiếu thông tin (tức không có sự kết nối), ta không biết được những đối tượng nào đang cần mình tiếp sức. Hai là ta làm từ thiện dựa theo cảm tính nhất thời, chỉ khi nào cảm thấy bị sốc trước một sự kiện nào đó, tệ nhất là đã rồi, ta mới hốt hoảng mở lòng ra, coi như một cách để xoa dịu nỗi ân hận về sự muộn màng của mình. Ba là ta còn chuộng cách làm từ thiện theo phong trào, làm theo bề nổi. Bốn là hầu hết các tổ chức từ thiện chủ yếu trọng cái danh hơn là cái thực tế, họ dễ biến thành một “cơ quan từ thiện” mạng tính hành chính, sự vụ, và tệ nhất là kẻ ban ơn mưa móc. Chuyện khua chiêng gióng trống, nhờ các phương tiện truyền thông quảng bá, chẳng phải để thu hút sự chú ý của thêm nhiều người vào một sự kiện nào đó mà chung tay chia sẻ, thực chất mục đích chính là để vinh danh tổ chức từ thiện. Có thể tôi quá cực đoan và thiển cận. Nhưng rõ ràng nếu ta cứ làm từ thiện theo các kiểu như vậy, những trường hợp như Henry Le vẫn sẽ tiếp tục xảy ra.
Chỉ còn một ngày nữa là thân xác của Henry Le sẽ trở về cát bụi, chẳng còn hiện hữu trên thế gian này. Phần cháu thì đã xong một kiếp người – cho dù do chính cháu quyết định kết thúc nó, một cái quyết định gây nhiều tranh cãi. Chỉ còn lại những người như tôi vẫn mãi day dứt tự vấn mình – không chỉ tự vấn lòng mình mà còn tự vấn cả lương tâm của mình.
Xin cho tôi gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả những người hảo tâm đã chung tay lo liệu cho cháu Henry Le. Nghĩa tử là nghĩa tận. Cháu hãy an nghỉ nhé. Cầu mong cháu mau siêu thoát và nều có đầu thai thì sẽ có một kiếp sau tốt đẹp hơn – bù đắp cho 21 năm đầy bi kịch ở kiếp này.
Phạm Hồng Phước
(Saigon 28-10-2012)