Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Bạo lực cực hữu bài ngoại làm đen tối thêm cuộc khủng hoảng Hy Lap


Từ lâu nay, Hy Lạp luôn là một điểm nóng trên bản đồ thời sự quốc tế với cuộc khủng hoảng nợ nần tới mức có nguy cơ khiến nước này phải phá sản. Khu vực đồng euro châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phải bơm tiền vào cứu Hy Lạp để ngăn chặn một nguy cơ hiệu ứng domino lan rộng sang hàng loạt nước khác.

Tình hình xã hội Hy Lạp căng thẳng và rối ren với làn sóng biểu tình chống đối chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ, chống sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, cũng như vì những bức bách của đời sống quá sa sút, tỳ lệ thất nghiệp tăng vọt (1 phần 4 lực lượng lao động đã mất việc với hơn 50% tuổi trẻ bị thất nghiệp). Và bộ mặt Hy Lạp lại càng thêm đen tối hơn với tình trạng bạo lực cực hữu tân phát xít bài ngoại đang gia tăng. Nhiều người Hy Lạp đổ lỗi cho làn sóng người nhập cư, nhất là những người nhập cư lậu, trở thành gánh nặng của nước này và giành công ăn việc làm của người bản xứ. Là một cửa ngõ vào châu Âu, Hy Lạp đang có hàng trăm ngàn người nhập cư lậu.

Những vụ tấn công chống người nước ngoài da màu liên tục xảy ra ngay tại thủ đô Athens. Các nạn nhân bị bọn côn đồ tấn công bằng dao, chai vỡ, gậy gỗ và thanh sắt. Điều đáng sợ là các vụ tấn công này đều giống nhau ở chỗ rất bạo lực máu lạnh.

Trong cả năm qua, các nhóm cực hữu đã cảnh cáo bùng nổ làn sóng bạo lực bài ngoại. Chúng càng lộng hành hơn khi trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5 và 6-2012, do bất mãn trước tình hình đời sống quá khó khăn, cử tri Hy Lạp đã bỏ phiếu cho đảng cực hữu Bình minh Vàng (Golden Dawn). Với 7% phiếu bầu, đảng này đã chiếm được 18 ghế trong Quốc hội 300 ghế. Cho dù chỉ là thiểu số, nhưng việc phe cực hữu có được tiếng nói trong nghị viện quốc gia là một điều làm người ta quan ngại. Đảng này đã tranh cử với lời hứa “dọn sạch mùi hôi thối” ở Hy Lạp và đưa ra khẩu hiệu hành động “máu, danh dự, Bình minh Vàng”. Nó không giấu giếm quan điểm của mình về dân nhập cư: tất cả những kẻ sống phi pháp ở nước này đều phải bị trục xuất. Đảng này kêu gọi gài mìn và cho binh lính tuần tra các đường biên giới, cũng như trừng phạt những người bản xứ nào thuê mướn hay cho dân nhập cư lậu thuê nhà. Trong những cuộc thăm dò dư luận gần đây, tỷ lệ ủng hộ đảng Bình minh Vàng tăng từ 7,5% hồi tháng 6-2012 lên 9% – 12% hiện nay.

Do thân phận sống bất hợp pháp, nhiều nạn nhân bị tấn công không dám cung cấp cho bác sĩ chi tiết những gì xảy ra với mình vì sợ bị chuyển cho cảnh sát. Chỉ có những người bị thương quá nặng mới được những tổ chức nhân đạo đưa tới bệnh viện. Nikitas Kanakis, Chủ tịch chi nhánh tổ chức Các bác sĩ Thế giới (DW) của Hy Lạp, cho biết: “Ngày nào chúng tôi cũng phải tiếp nhận những nạn nhân bạo lực bài ngoại.” Tổ chức này đang điều hành một bệnh viện và nhà thuốc dành cho những người không có bảo hiểm tại Athens.

Các tổ chức nhân đạo đã ghi nhận được 87 vụ tấn công cực hữu chống người nhập cư da màu xảy ra trong 9 tháng đầu năm 2012. Số lượng thực tế lên tới hàng trăm vì nhiều nạn nhân không trình báo.

Frances William, người đứng đầu cộng đồng người Tanzania chỉ khoảng 250 người, nói rằng mọi người đang sống trong sự sợ hãi, thậm chí không dám đi ra ngoài sang nhà bên cạnh mua bánh mì. 7 tuần trước, trung tâm văn hóa của cộng đồng này đã bị những gã cơ bắp mặc áo thun đen tấn công đập phá.

Từ cuối tháng 8-2012, chính phủ liên minh do phe bảo thủ đứng đầu bắt đầu tập trung vào vấn đề nhập cư lậu. Cho tới đầu tháng 11-2012, nhà chức trách đã bắt giữ hơn 48.480 người, trong đó bỏ tù 3.672 người nhập cư lậu.

Các nhóm cực hữu Hy Lạp giờ đây còn đe dọa tấn công luôn những người phản đối quan điểm cực hữu của chúng. Giới quan sát cảnh báo rằng các thế lực cực hữu Hy Lạp đang muốn chi phối những lĩnh vực khác trong cuộc sống xã hội.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 14-11-2012)

Những thành viên của đảng cực hữu Bình minh Vàng ở Athens với những biểu tượng tân phát xít.

Thủ lĩnh của đảng cực hữu Bình minh Vàng.

Malik Abdulbasset, một chủ tiệm người gốc Ai Cập, ở Athens, nói mình là một mục tiêu của bọn cực hữu bài ngoại.