Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Ai Cập, liệu có thêm một Mubarak thứ hai?

 

 

Ai Cập hiện đang sống lại cái không khí của những ngày cách mạng Mùa Xuân Arập chống Tổng thống độc tài cố cựu Hosni Mubarak dẫn tới việc ông này phải từ chức hồi tháng 2-2011 sau 30 năm cầm quyền. Mục tiêu lần này là Tổng thống Hồi giáo Mohammed Morsi, người vừa được bầu lên hồi tháng 6-2012.

Ngày 27-11-2012, hơn 200.000 người đã chen chúc chật cứng Quảng trường Tahrir ở thủ đô Cairo hò reo đòi ông Morsi phải từ chức. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất cho tới nay trong làn sóng chống lại ông này. Lực lượng chống Tổng thống Morsi tuyên bố họ không muốn lại có thêm một nhà độc tài nữa.

Ông Morsi thuộc phong trào Huynh đệ Hồi giáo (MB) cứng rắn đã lên cầm quyền giữa lúc người dân Ai Cập và cả thế giới Hồi giáo Arập đang say sưa với khí thế cách mạng dân chủ Hồi giáo sau nhiều chục năm sống dưới tay những nhà cầm quyền độc tài, tham quyền cố vị. Thật ra, việc ông trở thành vị tổng thống Ai Cập đầu tiên được bầu một cách dân chủ cũng chẳng phải suôn sẻ. Ông chỉ được 51,73% số phiếu bầu (ứng cử viên Ahmed Shafik, Thủ tướng cuối cùng dưới trào Mubarak, được 48,3% số phiếu). Ông Morsi đã tranh cử với tư cách chủ tịch của đảng Tự do và Công lý (FJP) do MB thành lập hồi tháng 4-2011. Trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái, đảng FJP giành được tới 47,2% số ghế trong Hạ viện.

Lực lượng đối lập tố cáo ông Morsi và phong trào MB đã lợi dụng chiến thắng trong bầu cử để thâu tóm và độc chiếm quyền lực, loại bỏ các đối thủ chính trị và mưu toan thông qua một hiến pháp mới biến Ai Cập thành một nhà nước Hồi giáo. Họ nói rằng: sau khi đắc cử, Tổng thống Morsi tập trung vào việc thực hiện các mưu toan chính trị này mà ít quan tâm tới các vấn đề quốc kế dân sinh, vực dậy nền kinh tế và ổn định tình hình an ninh.

Giọt nước tràn ly vào ngày 22-11, khi Tổng thống Morsi ban hành sắc lệnh trao cho Tổng thống quyền tối thượng, có thể thực hiện bất cứ biện pháp nào để bảo vệ thành quả cách mạng; đồng thời không cho phép các tòa án (đặc biệt là Tòa án Hiến pháp) can thiệp vào quá trình soạn thảo hiến pháp mới mà chắc chắn sẽ chịu nhiều chi phối bởi luật Hồi giáo. Tổng thống Morsi có thế mạnh là MB và các đồng minh Hồi giáo của nó đang nắm đa số ở Quốc hội.

Làn sóng biểu tình chống Tổng thống Morsi và phong trào MB đã nổ ra khắp Ai Cập. Những kẻ quá khích đã tấn công, đập phá văn phòng của MB ở nhiều nơi. Đến nay đã có một số người chết và hơn 400 người bị thương. MB khuyến cáo rằng nếu như phe chống đối huy động 200.000 – 300.000 người, họ sẽ biểu dương lực lượng với hàng triệu người ủng hộ. Trước nay, MB được coi là tổ chức chính trị lớn nhất và được tổ chức tốt nhất ở Ai Cập.

Mỹ cũng đã phản ứng trước tình hình bất ổn ở Ai Cập. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã điện đàm với Ngoại trưởng Ai Cập Mohamed Kamel Amr và kêu gọi Tổng thống Morsi đàm phán với lực lượng đối lập. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đe dọa Mỹ sẽ hủy bỏ khoản viện trợ tài chính – quân sự hơn 1 tỉ USD cho Ai Cập nếu ông Morsi không chịu thu hồi sắc lệnh đặc quyền đó. Thực tế, ngay sau khi lực lượng Hồi giáo thắng thế trong các cuộc bầu cử hậu Mubarak, Washington đã không yên tâm rồi. Phong trào MB vốn đeo đuổi mục tiêu áp dụng luật lệ Hồi giáo ở Ai Cập. Vì thế, khi Tổng thống Morsi liên tiếp có một loạt hành động thâu tóm quyền lực về tay mình, triệt tiêu hay giới hạn dân chủ và sự kiểm soát của các cơ chế công pháp, Mỹ càng như ngồi trên đống lửa. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney kêu gọi những người biểu tình hãy có cách hành xử hòa bình. Ông nói với các nhà báo tại Washington: “Tình trạng bế tắc hiến pháp hiện nay là chuyện nội bộ của Ai Cập nên chỉ có thể giải quyết bởi nhân dân Ai Cập thông qua đối thoại dân chủ hòa bình.”

Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) cho biết sắc lệnh mới cho Tổng thống Morsi nhiều quyền lực hơn bộ máy quân sự cầm quyền lâm thời điều hành đất nước sau khi ông Mubarak bị lật đổ.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói với báo chí rằng ông sẽ động viên Tổng thống Morsi giải quyết vấn đề này qua đối thoại.

Tòa án hành chính tối cao Ai Cập cho biết sẽ xem xét 12 đơn kiện phản đối sắc lệnh của Tổng thống Morsi.

Trước tình hình bất lợi đó, Tổng thống Morsi có vẻ muốn hạ nhiệt. Ông nhấn mạnh rằng sắc lệnh chỉ áp dụng với “các quyền lực tối cao” của tổng thống và chỉ mang tính tạm thời, cho tới khi hiến pháp mới được thông qua và cuộc bầu cử quốc hội mới được tiến hành (dự kiến sẽ vào nửa đầu năm 2013). Phong trào MB cũng loan báo sẽ không thực hiện kế hoạch tuần hành biểu dương lực lượng ở Cairo. Đây cũng là điều người ta lo ngại vì có thể dẫn tới sự đối đầu trực tiếp giữa hai phe, thậm chí xảy ra xô xát.

Rõ ràng, công chúng Ai Cập đã tỉnh thức. Các nhà bình luận quốc tế cho rằng trong các cuộc bầu cử dân chủ mới, ông Morsi và phong trào MB sẽ khó lòng có được nhiều phiếu như trước đây. Trong khi đó, với những gì đang diễn ra ở Lybia và Ai Cập, cũng như ở một số nước Arập khác, cuộc cách mạng Mùa Xuân Arập ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Trò chơi dân chủ chưa bao giờ dễ chơi!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 30-11-2012)

Tổng thống Morsi.

TIN CẬP NHẬT:

Ngày thứ Sáu 29-11-2012, chỉ sau 19 giờ thảo luận (nhanh hơn người ta tưởng), Quốc hội Ai Cập do những người Hồi giáo thuộc phe của Tổng thống Mohammed Morsi chiếm đa số đã thông qua bản dự thảo Hiến pháp mới gồm 234 điều, quy định về quyền của tổng thống, vị thế của Hồi giáo, vai trò của quân đội và nhân quyền. Tổng thống Morsi nói trên truyền hình quốc gia rằng bạn dự thảo này phản ánh sự tự do mới của Ai Cập. “Không có chỗ cho độc tài”. Chủ tịch Quốc hội Hossam el-Gheriyani tuyên bố: “Đây là một hiến pháp có tính cách mạng”. Nhiệm kỳ của một tổng thống được giới hạn ở mức 8 năm (Tổng thống Mubarak cầm quyết tới 30 năm). Có một sự tham chiếu mới của luật Hồi giáo đối với hệ thống cầm quyền, nhưng được giữ nguyên theo cách nói của hiến pháp cũ, đó là “các nguyên tắc của luật Hồi giáo Sharia” là nguồn chính của lập pháp. Dự kiến Tổng thống Morsi phê chuẩn quyết định của Quốc hội trong ngày 1-12 và sau đó có 15 ngày để trưng cầu ý dân đối với bản dự thảo hiến pháp. Chỉ sau khi hiến pháp mới được thông qua thì cuộc bầu cử quốc hội mới mới được tiến hành. Phe đối lập chỉ trích đây là hành vi “bắt người dân làm con tin”, buộc họ phải thông qua hiến pháp mới nếu muốn bầu lại quốc hội.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua dự thảo hiến pháp mới, người dân Ai Cập ngày 30-11 lại kéo biểu tình phản đối bản dự thảo này.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CUỘC BIỂU TÌNH CỦA HƠN 200.000 NGƯỜI AI CẬP TẠI CAIRO NGÀY 27-11-2012.

Xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát.

Những ké quá khích ném đá cảnh sát.

Những người biểu tình đang cấp cứu người bị thương do xô xát với cảnh sát.

Nguồn ảnh: Internet.

VIDEO:

VIDEO: