Thứ Năm ngày 26 tháng 12 năm 2024

Ấn Độ giúp nông dân đương đầu với biến đổi khí hậu

 

Những người nông dân Ấn Độ có thể không biết gì nhiều về sự biến đổi khí hậu mà các nhà khoa học và chính khách trên toàn cầu đang đau đầu tìm cách giải quyết. Nhưng họ biết rất rõ về những sự thay đổi thời tiết bất thường trực tiếp ảnh hưởng tới công việc trồng trọt, chăn nuôi của mình.

Thật ra, thời tiết thay đổi bất thường chính là một trong những hệ lụy của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Chẳng hạn như nắng nóng hơn, mưa ít đi, lạnh giá hơn, bão tố nổi lên nhiều hơn và nặng nề hơn,…

Là một nước Nam Á có số dân đông thứ nhì hành tinh (hơn 1,2 tỷ người), nền nông nghiệp Ấn Độ có một vị trí quan trọng. Hiện nay, nông nghiệp chiếm 18% trong tổng GDP của Ấn Độ, công nghiệp chiếm 26,3% và dịch vụ chiếm 55,6%. Có tới 70% số dân sông ở vùng nông thôn. Tuy tỉ trọng trong GDP thấp, nhưng nông nghiệp Ấn Độ phải nuôi sống hơn 1 tỷ người.

Lo ngại tình trạng biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng tới sản lượng nông nghiệp, Ấn Độ đang thử nghiệm những giải pháp cấp bách mới để giúp người nông dân có thể đương đầu với những sự thay đổi bất thường của thời tiết.

Giống như cha mình, nông dân Venkatappah sống bằng công việc trồng lúa và rau trên 2 mẫu Anh ruộng tại làng Nagenahalli, cách thành phố Bangalore khoảng 3 giờ xe. Công việc trồng trọt trên vùng đất dốc, nhiều đá và khô trong những năm gần đây trở nên khắc nghiệt hơn khi mưa ít đi. Lượng mưa năm ngoái đã tệ, mùa hè vừa qua càng tệ hại hơn. Mưa trút xuống ồ ạt trong vài ngày rồi nắng hạn suốt thời gian dài.

Tuy nhiên, năm nay, Venkatappah đang hy vọng vào dự án mới của nhà nước giúp ông có thể thay đổi tình cảnh. Với sự trợ giúp của các cán bộ chuyên môn, ông đào những cái hồ ở vùng đất cao để lưu trữ nước mưa, đào mương chung quanh đám ruộng của mình để tháo nước khi cần, thay đổi cơ cấu cây trồng để giảm bớt nguy cơ.

Một nông dân trồng bắp cải ở ngoại ô thành phố Agartala, thủ phủ bang Tripura (đông bắc Ấn Độ).

Nhiều sáng kiến mới đang được chính phủ Ấn Độ thử nghiệm để giúp các nông dân như Venkatappah có thể đương đầu với những thay đổi thời tiết. Có quy mô lớn nhất là Sáng kiến quốc gia cho nền nông nghiệp kiên cường trước khí hậu (National Initiative for Climate Resilient Agriculture, NICRA) trị giá 63 triệu USD. Sáng kiến này được triển khai ở 130 làng, giống như làng Nagenahalli của Venkatappah. Nó cung cấp nguồn nước, cải tạo đất đai, sử dụng giống cây trồng tốt hơn, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác tốt các dữ liệi về thời tiết và cây trồng. Sreenath Dixit, một nhà khoa học và điều phối viên của chương trình NICRA, cho biết: “Mục đích của chương trình là đưa ra một mô hình giúp giảm thiểu các bất trắc cho người nông dân” ở các khu vực dễ bị hạn hán hay lũ lụt.

Tổ chức Watershed Organization Trust cũng đang điều hành một chương trình thích nghi với khí hậu ở 53 làng thuộc miền Tây và Trung của Ấn Độ.

Tình trạng gia tăng nhiệt độ và mưa bất ổn có ảnh hưởng nặng nề nhất đối với nông dân ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, nơi đa số người dân vẫn còn sống bằng nghề nông và hầu hết nông dân phụ thuộc vào nước mưa để tưới cho mùa màng. Các nông dân cá thể, đặc biệt là nông dân nhỏ, có nguy cơ nặng nhất vì họ thiếu các nguồn lực để đối phó với tình trạng hạn hay lũ bất thường.

Thực tế là lĩnh vực nông nghiệp trước nay vẫn tương đối ít được quan tâm tới trong các thỏa thuận về khí hậu quốc tế. Chủ yếu người ta tập trung vào tình trạng các chất khí thải gây hiệu ứng nhà kính – nguồn gốc của tình trạng biến đổi khí hậu. Các nỗ lực của các nhà khoa học và chính khách quốc tế đều nhằm kéo giảm lượng khí thải có hại cho môi trường này. Theo Nhóm Tư vấn về Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế CGIAR do Liên Hiệp Quốc tài trợ, chỉ có 4,5% trong tổng số 3.380 dự án làm dịu nhẹ ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu được triển khai năm 2011 trong khuôn khổ Cơ cấu Phát triển Sạch (CDM) là có liên quan tới nông nghiệp. Bruce Campbell, người đứng đầu chương trình nghiên cứu về biến đổi khí hậu của CGIAR, nói rằng: “Nông nghiệp vẫn còn được coi như một tiết mục nhỏ trên sân khấu khí hậu.” Nhưng chính nông nghiệp mới là diễn viên chính trong vở diễn an ninh lương thực toàn cầu.

(Nguồn ảnh trong bài: Internet. Thanks.)

Ở Ấn Độ, sản lượng lương thực phải tăng 30-50% trong 20 năm tới mới có thể đáp ứng được tốc độ gia tăng số dân. Nhưng chỉ cần nhiệt độ khí hậu tăng thêm 1 độ C  là có thể kéo giảm tốc độ gia tăng sản lượng lúa mì và đậu nành, trong khi lượng mưa giảm sẽ làm giảm sản lượng lúa gạo. Suhas Wani, một nhà khoa học cao cấp của Viện Nghiên cứu Mùa màng Quốc tế cho vùng Nhiệt đới bán sa mạc (ICRIST), nhấn mạnh: “Nếu không có sự can thiệp, sẽ khó mà giải quyết được khoảng trống sụt giảm sản lượng lương thực do biến đổi khí hậu gây ra.”

Các biện pháp cũ trước nay có thể giúp người nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài thì các nhà khoa học và các nhà làm chính sách cần phải hợp tác với nhau tìm ra những giải pháp mới. Các nhà chuyên môn nói rằng: Để xử lý các thách thức khí hậu, khoa học phải tham gia. Chính giới khoa học là những người nói cho nông dân biết điều gì sẽ xảy ra trong năm tới và họ sẽ phải trồng loại cây nào hay trồng trọt ra sao để thích hợp với điều kiện thời tiết mới? Dự án NICRA đã dựa trên dữ liệu về thời tiết và mùa màng ở địa phương của Cơ quan Khí tượng Ấn Độ để cung cấp tư vấn cho 41 làng. Các nhà tư vấn đã tìm cách tốt nhất để kết hợp giữa công nghệ hiện đại và kinh nghiệm lâu năm theo hệ sinh thái ở từng địa phương.

Có rất nhiều khía cạnh phải giải quyết để giúp nông dân có thể sống sót được trong tình trạng thời tiết thay đổi bất thường. Nhưng tất cả phải được xuất phát trước hết và chủ yếu từ các nguồn lực của chính phủ và quốc tế.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 17-12-2012)

VIDEO: Indian Farmer and what he is capable of doing.

VIDEO: Rajiv Dixit water harvesting technique.

VIDEO: Women Master Art of Farming.