Cuộc chiến kiểm soát súng ở Mỹ đang nóng lên
Ngay từ những ngày đầu năm 2013, cuộc chiến giữa hai phe: kiểm soát súng và tự do sở hữu súng ở Mỹ đang trở nên gay gắt hơn. Hơn 3 tuần đã trôi qua sau vụ thảm sát xả súng giết chết 20 học sinh lớp 1 và 6 cô giáo của trường tiểu học Sandy Hook (thành phố Newtown, bang Connecticut) ngày 14-12-2012, những người ủng hộ kiểm soát súng vẫn còn sôi sục khí thế, trong khi phe sở hữu súng sau thời gian đầu tạm ẩn mình cho qua sóng gió đã bắt đầu phản ứng lại.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phân công Phó Tổng thống Joe Biden phụ trách một lực lượng đặc nhiệm mở rộng trong chính phủ chuyên về nạn bạo lực có liên quan tới súng đạn, ông muốn các dự án kiểm soát súng phải đặt trên bàn mình vào cuối tháng này. Người ta hy vọng rằng tranh thủ thời điểm vừa tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 2, ông Obama sẽ đưa ra quyết định của mình về cuộc tranh chấp dai dẳng và gay gắt giữa hai phe ủng hộ và phản đối súng.
Ông Biden nổi tiếng là một người ủng hộ kiểm soát súng trong suốt 30 năm ở Thượng viện Mỹ. Trong lịch làm việc của mình, ngày 9-1, ông tiếp các nhóm nạn nhân của bạo lực súng đạn và các tổ chức an toàn súng đạn. Ngày hôm sau, ông gặp các nhóm bảo vệ quyền sở hữu súng, trong đó có Hiệp hội Súng trường Quốc gia (NRA) cực mạnh, và những nhóm chơi súng thể thao. Những cuộc gặp này cũng có mặt cả đại diện của giới giải trí và ngành công nghiệp video game, cả hai vốn bị quy phải chịu một phần trách nhiệm do các phim ảnh và trò chơi bạo lực súng đạn.
Giới phân tích chính trị Mỹ cho rằng Tổng thống Obama đang gặp nhiều khó khăn hơn trong những nỗ lực kiểm soát súng đạn. Thượng nghị sĩ Dân chủ mới được bầu Heidi Heitkamp của bang North Dakota đã “đâm sau lưng đồng đội” khi nhận xét rằng một số đề xuất kiểm soát súng của tổng thống là “quá đáng”. Một số thượng nghị sĩ Dân chủ khác ở những bang của người Cộng hòa trong khi chỉ còn chưa tới 2 năm nữa là tới kỳ tái cử có lẽ không dám công khai đối đầu với NRA. Vì thế, có nhiều khả năng các đề xuất kiểm soát súng của ông Obama không kiếm đủ số phiếu thông qua tại Thượng viện cho dù do đảng Dân chủ nắm đa số. Còn Hạ viện thì đang do đảng Cộng hòa kiểm soát, mà đảng này xưa nay là “đảng của những người Mỹ mê súng đạn”.
Nhưng người ta cũng hy vọng là Tổng thống Obama sẽ khai thác được thế mạnh chưa từng có là “lòng dân” sau hàng loạt vụ thảm sát hàng loạt bằng súng gần đây. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới đây của đài truyền hình CNN cho thấy: 94% số người Mỹ được hỏi ủng hộ biện pháp kiểm tra nhân thân và lịch sử của người mua súng, trong khi 61% ủng hộ việc cấm các loại súng tấn công bán tự động và các loại băng đạn dung lượng lớn.
Một liên minh các thị trưởng cũng vừa tung ra một quảng cáo truyền hình với sự xuất hiện của bà Roxanna Green, mẹ của bé gái 9 tuổi Christina-Taylor Green bị giết trong vụ thảm sát ở Phoenix năm 2011. Trên truyền hình, người mẹ mất con này đã hỏi các nghị sĩ: “Khi nào các vị mới có được can đảm để chống lại sự vận động hành lang (của phe ủng hộ sở hữu súng)? Con của ai sẽ phải chết kế tiếp đây?”
Tại một cuộc họp báo mới đây ở New York, bà Roxanna Green (thứ 2 từ trái qua) có con gái bị bắn chết năm 2011 và ông Chris Foye (giữa) có con trai bị bắn chết năm 2009 đã kêu gọi kiểm soát súng đạn nghiêm khắc hơn.
Nổi bật nhất trong cuộc chiến súng đạn ở Mỹ lúc này là nữ hạ nghị sĩ Gabrielle Giffords của bang Arizona và chồng là phi hành gia vũ trụ Mark Kelly. Ngày 8-1-2013, trên báo USA Today, đôi vợ chồng này đã công bố việc thành lập tổ chức mới là Những người Mỹ vì các giải pháp có trách nhiệm (Americans for Responsible Solutions, ARS) nhằm thúc đẩy việc kiểm soát súng đạn chặt chẽ hơn. ARS sẽ là đối trọng lại tổ chức NRA vốn rất hùng mạnh. Nữ dân biểu Giffords là một biểu tượng cho phong trào kiểm soát súng đạn sau khi bà bị một kẻ ám sát bắn vào đầu rồi xả súng giết 6 người và bắn bị thương 12 người khác tại bãi đậu xe ở thành phố Phoenix ngày 8-1-2011.
Nữ hạ nghị sĩ Gabrielle Giffords của bang Arizona và chồng là phi hành gia vũ trụ Mark Kelly
Trong bài “The Case for More Guns (and More Gun Control)” trên tạp chí The Atlantic (12-2012), tác giả Jeffrey Goldberg cho biết: hiện nay ước có khoảng 280 triệu tới 300 triệu khẩu súng trong tay tư nhân ở Mỹ, cả hợp pháp lẫn trái phép. Mỗi năm có hơn 4 triệu khẩu súng mới được đưa ra thị trường. Theo kết quả thăm dò của Viện Gallup năm 2011, có 47% người lớn Mỹ đang giữ ít nhất 1 khẩu súng trong nhà hay cơ sở của mình. Nhưng chỉ có 26% số người Mỹ được hỏi trong cuộc thăm dò đó ủng hộ việc cấm súng ngắn (handgun). Súng đạn gây ra 30.000 cái chết mỗi năm ở Mỹ, hơn một nửa là tự sát. Trong năm 2010, có 606 người, trong đó có 62 trẻ em dưới tuổi, chết vì tai nạn súng.
Theo các số liệu do Chiến dịch Brady để đề phòng bạo lực súng (the Brady Campaign and Brady Center to Prevent Gun Violence) được đài truyền hình CNN cung cấp:
– Một cuộc nghiên cứu năm 2009 cho biết: người sở hữu súng có khả năng bị bắn trong một vụ tấn công cao hơn 4,5 lần so với người tay không.
– Chỉ có khoảng 13% số vụ trộm ở Mỹ xảy ra khi chủ nhà ở nhà.
– Có sẵn súng trong nhà làm tăng khả năng sử dụng nó trong tự tử thành công tới 22 lần, tự tử được cứu 11 lần, tấn công tội phạm hay giết người 7 lần, vô ý bắn chết hay bị thương 4 lần khi tự vệ.
– Tỷ lệ số gia đình Mỹ có súng giảm từ 54% hồi năm 1977 xuống còn 32% năm 2010. Trong khi đó, số súng bình quân trên mỗi người sở hữu tăng từ 4,1% năm 1994 tới 6,9% năm 2004.
Mỹ không thể cấm sở hữu súng, khi điều này đã được ghi vào hiến pháp từ ban đầu và trở thành một thứ văn hóa quốc gia, cộng với một nền kỹ nghệ súng đạn hùng mạnh nhất thế giới. Vì thế, người ta chỉ có thể nói tới các biện pháp để kiểm soát súng chặt chẽ hơn. Tổ chức mới ARS của nghị sĩ Giffords cũng chỉ yêu cầu “bảo vệ quyền sở hữu súng một cách có trách nhiệm”. Mà nội việc này cũng quá gian nan rồi.
Một cửa hàng bán súngb ở Mỹ. (Nguồn các ảnh trong bài: Internet)
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 10-1-2013)
VIDEO CLIPS
Demand a Plan – Roxanna Green
Rep. Gabby Giffords’ Exclusive Interview with Diane Sawyer.