Thứ Tư ngày 25 tháng 12 năm 2024

Hân hoan báo tin: Chính thức được phép… bịnh

 

Ra UBND phường lấy thẻ bảo hiểm y tế từ hôm 25-1-2013, tôi bắt đầu sống trong tâm trạng hồi hộp cho tới khi đồng hồ báo đã hết ngày 31-1, qua ngày 1-2-2013. Bởi lẽ thẻ BHYT của tôi chỉ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-2-2013.

Thẻ BHYT ở cơ quan thì cứ 3 tháng tới 6 tháng lại phải đổi thẻ một lần, mất công (tôi đã “su” được một xấp thẻ luôn). Bữa nọ “eureka” (hình như tiếng Việt dịch là “giác ngộ”) rằng có thể mua BHYT ở địa phương cư trú có giá trị 1 năm, tôi đã xách hộ khẩu và CMND ra phường mua luôn, phí 567.000 đồng/năm. Đợi 1 tháng mới có thẻ. Vậy thì cũng tiện và cho an tâm.

Trước nay, ngoài thẻ BHYT theo luật định, tôi cũng có mấy cái hợp động bảo vệ sức khỏe của hãng bảo hiểm. Nhưng thú thiệt mua chỉ cốt tự mình ếm bùa mình cho nó vững bụng thôi chớ ai mong có dịp… sử dụng tới. Hơn nữa, kinh nghiệm bá tánh cho thấy khi “dụ” khách mua bảo hiểm, các tư vấn viên bảo hiểm “cực kỳ dễ thương và dễ chịu”, giở đủ chiêu để “mà mắt, bùi tai” khách ký cho bằng được, tới chừng có chuyện thì lấy được tiền bảo hiểm mới là “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.

Những người ở “cõi trên” (trong gia phả của họ ghi là “thượng lưu”) lắm bạc nhiều tiền đâu thèm quan tâm chi tới ba cái vụ BHYT này. Còn dân “cõi giữa” hay “cõi dưới” thì có được cái BHYT “đồng chi trả” cũng an tâm lắm. Chớ bây giờ các loại chi phí bệnh viện chính thức đều tăng vọt lên rồi, nếu mình không biết lợi dụng cái nguyên lý bảo hiểm “lấy của số đông tốt đẹp chi cho số ít xui rủi” thì mệt ngất ngư. Dạo sau này, để đối phó với tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội riêng phần doanh nghiệp chịu là 17% lương, nhất là khi tình hình làm ăn sa sút, ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động để người lao động “tự xử” các khoản bảo hiểm. Vì thế, ta có thân, thân đó lại là “chính chủ” thì ta phải tự lo thôi. Do phí BHYT “ăn theo” mức lương tối thiểu nên trong năm 2012 là 567.000 đồng. Kệ nó, ráng cắn răng gồng một phát cho nó vững bụng, an lòng cả năm. Ngoài hình thức cá nhân, BHYT tự nguyện còn có hình thức bảo hiểm gia đình với mức đóng theo lũy tiến lùi, giảm dần cho người thứ 2 trở đi. Bảo hiểm Xã hội TPHCM cho biết tính đến cuối năm 2012, toàn thành phố có 721.390 người tham gia BHYT tự nguyện, trong đó có 28.130 người là dân tạm trú.

Giàng ơi, có BHYT rồi, khi xui rủi được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh, không phải chuyện nhỏ như con thỏ đâu à nghen!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 1-2-2013)