Thứ Tư ngày 25 tháng 12 năm 2024

Một phút hoài cổ: It’s “cầu tỏm”

 

Xin nói trước tôi chớ hề có ý định cổ súy cho cái sự tồn tại của một dạng WC truyền thống của miền Tây Nam bộ này, cho dù tôi mang ơn nó đã gắn bó với tôi và “support” tôi suốt thời niên thiếu ở cái rún Đồng Tháp Mười “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh” nước lụt thường niên.

Hồi trước 1975, dân miền Tây gọi đây là cầu cá vồ – gọi chính danh cái giống cá nuôi bên dưới những chiếc WC lộ thiên này. Có người ngày nay giải thích cá tra, cá ba sa, cá vồ đều thuộc họ Pangasiidae gọi chung là cá da trơn (catfish). Nhưng bà con đồng bằng sông Cửu Long hồi xưa quen với khái niệm: cá tra và cá vồ đều là một, thứ cá sống ngoài sông rạch thiên nhiên gọi là cá tra, thứ cá nuôi trong ao bằng chất thải của con người gọi là cá vồ.

Hồi đó, ở mỗi khu dân cư trong thị xã, thị trấn thường có vài ba cái ao nuôi cá vồ trước là phục vụ cho nhu cầu “output” của cư dân địa phương, sau là một kế sinh nhai nuôi thủy sản của chủ ao. Còn ở nông thôn thì hầu như nhà nào cũng có một cái cầu cá không ở trong ao nhà thì cũng trên sông rạch bên cạnh nhà.

Trước 1975, nhà tôi ở khu Thành Công (trên đường Lý Thường Kiệt từ chợ Kiến Tường ra sân bay). Khu này có 2 ao cá vồ ở gần mé con sông chạy vô Thận Cần. Mỗi ao có nhiều chiếc cầu cá, có những chụm cầu cá 3-4 cái nằm chung một giàn, xài chung một cây cầu vô, chỉ ngăn cách nhau bằng một vách ván mỏng hay vách lá, bên này có thể nghe rõ mọi “âm thanh” lớn nhỏ từ “bạn cầu” bên kia. Chẳng có khu nam nữ riêng gì đâu. Khi có điều kiện và ý tứ thì “khách” nam và nữ ngồi cách nhau một cái ngăn cầu, còn khi ngặt nghèo thì cứ “chung vách” chẳng nề hà chi, kể cả cái sự thiệt đầy tính khoa học thường thức là “mặt nước còn có tính năng của một tấm gương phản chiếu”.

Ai từng “trải nghiệm” cầu cá vồ chắc cả đời không quên được cái cảm giác nhẹ lâng lâng giữa cảnh bên trên là mây trời, phía dưới là sông nước, gió lùa mát rười rượi, phóng khoáng biết chừng nào, nếu không ngứa miệng vọt ra một câu vọng cổ thì cũng ư ử mấy vần thơ. Mỗi khi có một đợt “ném bom”, hàng trăm con cá tập trung lại quẫy xôn xao sóng sánh nước với những âm thanh rào rào khó tả. Người xưa ví cái sự “output” này là một trong “tứ khoái” của con người (ba cái kia lần lượt là ăn, ngủ và “chẳng nọ thì kia”). Hồi đó, hưởng “đệ tứ khoái” ở trên cầu cá vồ vẫn “văn minh hiện đại” hơn là chạy ra ngoài đồng (có lẽ vì vậy mà hồi đó có cái từ “đi đồng” để chỉ cái cách “giảm cân” này; và thậm chí có cả câu thành ngữ chỉ cái sự thoải mái đó “nhất quận công, nhì ỉa đồng”).

Buổi sáng do người đông nên bà con mình xếp thành hàng dài trên bờ chờ tới phiên “giảm nhẹ cái nỗi lòng”. Họ làm quen nhau, họ tám chuyện với nhau rôm rả sau một đêm thoát chết vì bom đạn chiến tranh.

Đã có biết bao chuyện hỉ nộ ái ố chung quanh cái cầu cá vồ. Chính người viết bài này từng chứng kiến những câu chuyện tình phát sinh từ những chuyến “tham quan” cầu cá vồ, những đôi tình nhân hẹn hò gặp nhau tại cầu cá vồ,… bi kịch nhất là có một thai phụ sinh rớt con ngay cầu cá vồ (may mà có người kịp nhảy xuống vớt đứa bé lên).

Có ai đã từng trải nghiệm cái vụ đi cầu tõm lắc lư con tàu đi giữa biển không? Hồi đầu năm 1975, lúc đó mới 18 tuổi, tôi có mặt trên một con tàu vận tải (dương vận hạm hay hải vận hạm chi đó) của Hải quân Saigon chở dân lánh nạn chiến tranh từ miền Trung vô Saigon. Do hành khách đông như nêm cối, tàu phải cho gắn thêm vài cái nhà vệ sinh dã chiến dạng “cầu tõm” bắc bên hông tàu. Thú thiệt, là dân miền Tây quá quen với cầu cá vồ mà gặp thứ cầu tõm giữa biển này, tôi cũng phải hết hồn. Trong khi xếp hàng chờ tới phiên, bụng “dào dạt cảm giác muốn tuôn trào”, tới chừng bước vô cầu tõm này trong tình trạng lắc lư chao đảo theo sóng biển, nhìn xuống dưới lồng lộng biểu sâu, sợ tới… “táo bón”. Cho tới nay, tôi vẫn còn ám ảnh với tình cảnh một anh chàng sĩ quan ăn mặc đỏm đáng đứng xếp hàng trước mình. Càng nhích gần tới chiếc cầu tõm, anh càng nhăn nhó khổ sở lắm. Tới chừng vô được nhà cầu, mọi chuyện đã “too late”, anh ta cặm cụi lấy dao lam rọc bỏ cái quần lót cho tan tác dưới biển khơi.

Sau 1975, chính quyền mới dùng cái tên “cầu tõm” để chỉ cầu cá vồ. Có lẽ cái tên này xuất xứ từ cái “âm thanh” phát ra từ loại WC này. Cái tên nghe dân giã như vậy thiệt ra cũng chính xác, vì hầu hết loại WC này không phải ở các ao đìa nuôi cá vồ – mà là dọc mé sông rạch. Hồi năm 1995, Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị 200/TTg về xóa bỏ cầu tiêu trên sông và cầu tiêu cá vồ ở đồng bằng sông Cửu Long vì lý do vệ sinh môi trường sống và mỹ quan thiên nhiên. Nhiều địa phương đã tiến hành dẹp bỏ loại WC này, cả bằng vận động lẫn biện pháp mạnh. Nhưng thực tế cuộc sống và điều kiện địa phương luôn có tiếng nói và cách làm của nó. Cuộc khảo sát trong tháng 10 và 11-2003 do dự án cung cấp nước sạch và vệ sinh của Quỹ AusAID (Úc) thực hiện ở một số xã thuộc Nam bộ cho thấy số hộ đi tiêu ngoài đồng hay trên sông do không có cầu tiêu vẫn còn cao, và cầu cá vồ vẫn chiếm đa số trong số những hộ có cầu. Khi được phỏng vấn, đa số người dân lúc đó nói họ sẵn sàng “làm theo Nhà nước” nhưng vấn đề sau đó là “xả ra” ở đâu? Tất cả những hộ đã dẹp bỏ cầu cá vồ, cầu trên sông rạch cho biết “từ hôm đó tới nay chúng tôi toàn đi ngoài đồng”. Họ xác nhận việc dẹp bỏ cầu cá đã làm môi trường dơ hơn trước rất nhiều. Nghĩa là cái dơ chuyển từ nơi này, hình thái này qua nơi khác, hình thái khác, rốt cục môi trường dơ vẫn hoàn dơ.

Trong cuộc chiến cạnh tranh trên thương trường quốc tế vừa qua, những người chống cá da trơn của Việt Nam ở Mỹ và châu Âu từng đưa cái vụ “cá da trơn Việt Nam được nuôi bằng phân người” vào hồ sơ kiện tụng của họ.

Hồi trước, người nuôi cá vồ kỹ hơn bây giờ. Trước khi đến độ bán cá, họ đóng cửa các cầu cá vồ chừng một tuần và liên tục xả nước sông vô để cái lọc hết những chất dơ ra. Họ chấp nhận làm như vậy cá sẽ bị mất cân.

Nói gì thì nói, ngay tới bây giờ, đi về đồng bằng sông Cửu Long, người ta vẫn còn nhìn thấy những chiếc cầu tõm đang “tích cực phục vụ con người”. Chúng vẫn cần mẫn theo sau những chiếc ghe thương hồ, ghe chở hàng dọc ngang sông rạch. Nghe nói loại hình WC đặc trưng miền Tây này đã có bề dày hơn nửa thế kỷ lịch sử.

Hôm 23 tháng Chạp Nhâm Thìn, khi về Thạnh Hóa (Long An) đi tảo mộ, tôi vẫn tiếp tục gật đầu chào tới mỏi cổ “người bạn hơn 40 năm” là những chiếc cầu tõm trên ao, trên sông rạch. Tôi hiểu rằng theo quy luật phát triển và tiến hóa, loại hình WC này sẽ dần dần mai một. Nhưng tôi cũng thực tế rằng ngày ấy còn xa…

Tôi chép lại đây một bài thơ Mật (không phải thơ Đường) mần hồi năm 2011 gọi là để nhớ một thời “trên mây, dưới nước”.

Chạy ra sông

Chiều tà hấp tấp chạy ra sông

Bụng chợt quặn đau ruột với lòng

Trống trải nên lo người lãng tử

Chở che đành cậy bụi tầm vông

Nhẹ tênh cái bụng giờ thương nhớ

Nặng trĩu cõi lòng mãi ngóng trông

Tứ khoái hiền nhân như tục tử

Đời không thể thiếu, biết hay không?

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 5-2-2013)

BỐ CÁO CỰC KỲ QUAN TRỌNG:

Ảnh chỉ mang tính minh họa và trình diễn!