Thứ Năm ngày 16 tháng 1 năm 2025

Tản mạn ngày mùng Ba Tết Quý Tị 2013

 

Ủa vậy là hết Tết rồi sao ta? Mãi tới mùng Ba mới bén mùi Tết mà Tết lại vội bye-bye với lời hẹn see you again vào Tết Giáp Ngọ 2014. Ngày mai lại bắt đầu chu kỳ countdown mới dài cổ ngóng chờ Tết lần tới.

Tết đến khi tôi chẳng thèm nhìn

Tết đi lúc tôi thèm ăn Tết

Cây mai mùng Ba Tết Quý Tị ở nhà tôi.

Cuộc đời luôn là một chuỗi dài những sự mâu thuẫn. Biết mần răng khi triết học phương Tây nói rằng mâu thuẫn chính là một động lực để phát triển – phi mâu thuẫn, bất tồn tại (ý trời, bày đặt xổ nho chùm tự trồng).

Thôi, hỗng thèm trèo cao vói không tới, với level của mình, tôi khoái hiểu cái sự mâu thuẫn theo kiểu chiết tự. Mâu là loại vũ khí dài để đâm, còn thuẫn là cái khiên. Khi bước vào cái guồng máy chợ đời khốc liệt như chiến trường Afghanistan, tôi tay mâu, tay thuẫn, tả xung hữu đột mà tồn tại và tiến lên. Nhưng nếu để mâu thuẫn với chính mình, lại có nghĩa là tự sát!

Sáng nay ở nhà thờ Bắc Hà, sau thánh lễ thánh hóa công ăn việc làm truyền thống của ngày mùng Ba Tết, người ta xuống tầng trệt và nhìn thấy một cỗ quan tài nằm chờ sẵn trước thang máy để làm lễ an táng. Người nằm trong đó là một ông bố có một đứa con trai chống gậy tre tuổi chừng 12-13 và một cô con gái tuổi 15-16. Người vợ trẻ xỉu trên ghế đang được người thân cấp cứu với lời kêu gọi: “Tỉnh dậy mà còn lo cho mấy đứa nhỏ!” Tự nhiên tôi lan man cám cảnh cho thân phận của con người. Cho dù làm vương, làm tướng hay là kẻ cùng đinh thì cuối cùng vẫn không tránh được cái chết. Vậy thì sân si, ăn thua đủ với nhau mà làm gì. Sao không dành hết thời gian “sống gởi” này để làm cho mình và cho tha nhân cùng hạnh phúc? Tôi luôn cố gắng sống như thể ngày mai mình chết. Nhưng không phải để sống cuồng, sống vội mà là luôn trong tư thế sẵn sàng. Xưa nay tôi luôn tâm đắc với câu ngạn ngữ phương Tây: “Việc gì có thể làm được hôm nay, chớ để ngày mai”. Bởi lẽ giản đơn “que sera sera” biết ra sao ngày mai.

Hôm qua, khi tôi post lên Facebook cuộc gặp mặt với ông bạn già Lương Minh quê Vĩnh Long, anh Phạm Hy Hưng (báo Saigon Tiếp Thị) đang vi vu ở miền trung la làng: “Tui cũng người Vĩnh Long nè!” Tôi bèn cà khịa: “Dân Vĩnh Long cho dù sống tứ tán, bốn phương tám hướng nhưng cuối cùng vẫn về đoàn tụ theo diện ông bà ở đường… Vĩnh Viễn.”

Buổi sáng chạy xe trên đường Nguyễn Chí Thanh, đoạn từ Ngã Sáu Chợ Lớn tới công viên Hòa Bình, tôi thấy mấy nàng “kiều nữ” chạy xe gắn máy dập dìu ngược xuôi. Trong hai ngày mùng Một và mùng Hai, tôi vẫn thấy các nàng hành nghề. Không hiểu tết nhất có ông anh nào chẳng kiêng kị mà đi mua “hàng” chăng? Tôi chợt nhớ tới cái truyện ngắn “Ngựa người và người ngựa” của nhà văn Nguyễn Công Hoan viết hồi năm 1931 mà đắng nghét cổ họng. Tôi nói thiệt bụng, xin chớ có suy diễn, xưa nay tôi chưa hề có ác cảm với những người phải làm cái nghề mạt hạng này. Hồi còn nhỏ xíu, sống ở tỉnh Kiến Tường giữa vùng Đồng Tháp Mười, tôi đã phải chứng kiến cảnh những chị sống trong xóm bán thân cho lính kiếm sống. Mặc dù đây là một trong những nghề lâu đời nhất (có nhà nghiên cứu nói rằng mại dâm được sinh ra từ chính nạn buôn bán nô lệ), nhưng tôi nghĩ đó là cái nghiệp thì đúng hơn. Nếu không bị số phận xô đẩy, cuộc đời dập vùi, chẳng ai tự nguyện chọn cái nghề này hết.

Mà sao mùng Ba Tết tự nhiên tôi ăn phải cái giống gì mà lại lan man toàn chuyện buồn? Phải chăng do tâm trạng?

Sáng nay cúng tiễn ông bà sau mấy ngày mời về cùng ăn tết với con cháu. Vốn là một người lo xa, ngày nào cũng lo lắng chẳng biết ở bên kia nửa vòng Trái đất phu nhân Michelle và “relative” của bà sáng ăn gì, tối ngủ ra sao, tôi chập cheng với ý nghĩ: bữa nay các ngã đường “bên dưới” chắc kẹt xe dữ lắm. Khi rước ông bà về thì người ta rải ra mấy ngày, còn lúc tiễn đưa thì tập trung vào ngày mùng Ba. Đứa em trai của tôi thắc mắc: “Sao mình không mua chiếc smartphone hàng mã gởi cho mẹ để mẹ có cái mà chat, mà SMS, mà gọi cho anh em mình?” Tôi như sáng ra: “Biết đâu mẹ cũng đang có nhu câu vô Facebook, ta nên đăng ký luốn dịch vụ 3G hén!”

Hôm qua tôi đã tiết lộ rằng ngày mùng Ba mình sẽ mặc áo màu đỏ, sau áo hồng mùng Một và áo xanh mùng Hai. Bữa nay thực thi thôi. Chẳng hề điệu đàng, chảnh chọe chi đâu. Cỗ máy của tôi chỉ chạy xăng nguyên chất chớ hỗng phải xăng pha nhớt. Đây chỉ là những màu phong thủy hạp với mạng Sơn hạ Hỏa của tôi mà thôi. Có ai đó nói rằng khi không còn tự tin vào chính mình và thế giới chung quanh mình, người ta phải dựa vào một thế lực “ở trên tất cả”. Nếu không thì chẳng còn động lực gì để mà tồn tại! Lại mâu thuẫn nữa rồi, sao tôi tự chán tôi ghê!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon Mùng Ba Tết Quý Tị, 12-2-2013)