Thứ Bảy ngày 16 tháng 11 năm 2024

Nhật ký ghi vội: thứ Bảy 23-2-2013

 

1.

Hôm nay là 14 tháng Giêng. Ngày mai là Rằm tháng Giêng, rằm lớn nhất trong năm, còn được coi là ngày vía Phật tổ. Bởi vậy mới có thành ngữ: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng.”

Rằm tháng Giêng còn gọi là Tết Nguyên tiêu, Tết Ngươn tiêu hay Tết Thượng nguyên của người Hoa. Theo sách vở, Thượng nguyên không phải là một ngày lễ Phật. Ngày xưa nó là Tết Trạng nguyên, dịp nhà vua vời các ông Trạng lại để thết tiệc và mời vào vườn Thượng uyển thăm hoa, ngắm cảnh, làm thơ.

Với các Phật tử, rằm tháng Giêng là dịp lên chùa cúng sao giải hạn, ước nguyện điềm lành.

Còn đối với bá tánh nói chung, đặc biệt là với các thành viên Yamaha Club (câu lạc bộ già mà ham vui), rằm tháng Giêng là ngày khép lại một lễ hội Tết. Từ ngày 16 tháng Giêng, người ta bắt đầu countdown chờ… ăn Tết năm tới.

Nhân nói chuyện rằm, tôi nhớ tới chuyện ăn chay. Những người thân của tôi thì người theo đạo Phật, kẻ theo đạo Công giáo. Nói vậy để cho thấy rằng tôi chớ có này nọ. Trước nay tôi vẫn thấy vương vướng với cái vụ người ta ăn chay bằng những món ăn giả mặn. Họ mần thiệt khéo, món chay mà giống hệt những món mặn thiệt, đủ cả: thịt heo kho tàu, thịt bò lúc lắc, cá bông lau nấu canh chua, gà xé phay trộn gỏi,…. “Rằng ngon thì thiệt là ngon. Nhưng ăn như vậy có còn ăn chay?” Nếu dùng những món giả mặn như vậy mà ăn chay thì quả là “miệng ăn chay mà tâm ngả mặn”. Ăn chay chính hiệu lá bồ đề chỉ cần nước tương, tương hột, chao, tàu hũ, rau củ… là lòng thanh mà tâm tịnh. Còn những món chay giả mặn kia thực chất chỉ là những món ăn cho người ăn kiêng (vegetarian) không muốn ăn thịt. Với tâm thức đó, ăn những món chay giả mặn như vậy thiệt là “hẩu xực”. Thỉnh thoảng tôi vẫn “rửa ruột” tại những tiệm bán cơm chay như vậy! Quả thiệt là lâu lâu ăn một bữa cơm chay, người mình có cảm giác nhẹ nhàng hơn.

Tại tiệm cơm chay Thiện Tâm (Q.10)


2.

Một anh bạn đồng nghiệp của tôi vừa chia tay một cuộc tình tuy ngắn, nhưng cực kỳ hạnh phúc. Hai người đã có những ngày sống bên nhau trên cả tuyệt vời mà anh bạn nói rằng suốt đời không thể nào quên được.

Không phải là nhà tâm lý học và quả thiệt là tâm trạng tôi lúc này cũng đang chập cheng, tôi không hỏi lý do vì sao anh chị yêu nhau nồng nàn như vậy mà lại “đôi ngã chia ly”. Tôi cũng chẳng dại dột mà an ủi anh bạn bằng 2 câu thơ của nhà thơ Hồ Dzếnh rằng: “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề. Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở.”, biết đâu anh ta lại hỗng chê là tôi “sến” hay tệ hơn là rủa tôi càng khoét sâu nỗi đau của anh.

Tôi hiểu là anh bạn vẫn rất yêu người con gái đó. Anh ấy nói rằng mình đã được hồi sinh khi yêu cô ấy, rằng đời anh trở nên đáng sống hơn với tình yêu đó. Anh vẫn yêu và hy vọng một ngày nào đó cô ấy sẽ lại yêu anh. Lần này, cả hai đều đã suy nghĩ chín chắn hơn và có kinh nghiệm hơn, cuộc tình sẽ tuyệt vời và bền vững hơn.

Từ trải nghiệm của một người mần báo, tôi biết quá nhiều vụ ông Tạo trêu ngươi những kẻ yêu nhau say đắm. Ngay cả bác Nguyễn Du trong Truyền Kiều cũng càm ràm rằng: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.” Bất luận thế nào, tôi mừng vì anh bạn mình vẫn còn có “niềm tin và hy vọng” để mà sống!


3.

Sáng nay tôi về Vĩnh Long đi đám tang bà cụ của mấy đứa nhóc. Năm nay bà đã 103 tuổi và vài năm trở lại đây, bà đã lẫn, không còn nhận ra con cháu hay lộn người này thành kẻ khác. Mừng là bà đã ra đi thật thanh thản. Mừng là bà cụ ra đi khi con cháu còn có khả năng để lo hậu sự cho bà thật tươm tất.

Khi bà cụ 90 tuổi, con cháu không còn chúc tết bà sống lâu trăm tuổi, vì sao giống “trù ẻo” bà quá. Còn từ lúc bà đã qua ngưỡng 100 tuổi, câu chúc “bách niên giai lão” bị expired quá đát.

Giàng ơi, tôi mới chỉ sống già nửa tuổi của bà cụ mà nhiều khi giật mình không hiểu sao mình lại sống… giỏi như vậy? Ngày mai có thể là một ẩn số hấp dẫn khiến người ta háo hức sống tiếp coi mai nó ra sao. Ngày mai là một cực hình với những kẻ cứ phải hỏi “Que sera sera” (biết ra sao ngày mai)?

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 23-2-2013)

 

BÀI HÁT YÊU THÍCH

Yêu em dài lâu & Và tôi cũng yêu em. Sáng tác: Đức Huy. Ca sĩ: Cát Tiên.

(Ca khúc này tìm thấy trên Internet. Xin cảm ơn tác giả, ca sĩ và những người đang giữ bản quyền, xin vui lòng cho chúng tôi được thưởng thức tác phẩm tuyệt vời này.)