Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Linh hồn của thầy thuốc


 

Người ta phong tặng cho các thầy thuốc “5 chữ vàng” là “Lương y như từ mẫu” với ý nghĩa chính danh “thầy thuốc như mẹ hiền”. Nhưng vẫn có những thành viên áo blouse trắng đã làm cho 5 chữ này thành nghĩa đáng buồn: “thầy thuốc như bỏ mẹ”. Ai cũng biết đó là những con sâu làm rầu nồi canh, ngặt một nỗi do nhiều nguyên nhân, cái nồi canh ngành y đó ngày càng nhiều “con sâu”. Tôi có vô số những chứng cứ cay đắng và chua lè. Nhưng bữa nay là ngày để xã hội tôn vinh và ghi ơn các thầy thuốc chân chính, ta không nên làm vẩn đục không khí vui vẻ và đầy ơn nghĩa này.

Người thầy thuốc Việt Nam ngoài việc phải giữ lời thề Hippocrates và những quy ước đạo đức nghề nghiệp, còn phải sống xứng đáng là hậu duệ chân truyền của danh y Hải Thượng Lãn Ông.

Trong nhóm bạn 3P thân như anh em của tôi có 1 P (nickname là 114) hiện là phó một khoa nội tiêu hóa của Bệnh viện Chợ Rẫy. Bạn không bao giờ kê toa theo kiểu “bao vây”, cho thiệt nhiều loại thuốc không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang để vừa dễ trị dứt ngay bịnh, vừa hưởng được nhiều hoa hồng của các nhà phân phối thuốc. Bạn không bao giờ gỡ bao bì nhãn thuốc hay cho các loại thuốc kém chất lượng. Tiền thuốc cũng được bạn tính với giá vừa phải, chủ yếu hưởng hoa hồng của hãng dược. Còn P thứ hai (nickname 115) là giám đốc một công ty phân phối thuốc đã hỗ trợ cách hành nghề y “hơi bị được” của bạn mình bằng cách cung cấp thuốc tốt và giá chính gốc. Cái gã P còn lại (nickname 113) này thì ngồi hưởng sái: khi bịnh được P114 khám và P115 kiếm thuốc cho.

Đành rằng thầy thuốc là một nghề “vàng ròng” trong xã hội, nhất là với những người giỏi tay nghề – mát tay và có “chỗ ngồi” tốt, nhưng bản chất nghề y vẫn là một cái nghiệp và một thiên chức.

Người thầy thuốc đồng hành cùng con người từ lúc mới tượng hình trong bụng mẹ, rồi 9 tháng sau hớn hở trao hài nhi mẹ tròn con vuông cho sản phụ, sau đó tiếp tục chăm sóc và bảo vệ sức khỏe suốt cả cuộc đới tới tận ngày bất lực mà buồn rầu ghi vào bệnh án: “Tử lúc…”

Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, xã hội luôn dành sự trọng vọng cho người làm ngành y. Không ít thầy thuốc đã trở thành cha mẹ thứ hai của người bệnh do đã cứu được mạng người cầm bằng mấp mé bàn tay Thần chết.

Ở phương Tây, người ta quan niệm rằng “linh hồn của ngành y” (the soul of medicine) là trái tim, nói rộng ra là cả tấm lòng.

Không có ngành nghề nào mà tốn nhiều thời gian đào tạo như bác sĩ. Ở Việt Nam, bác sĩ đa khoa chính quy phải học 6-7 năm. Còn ở Mỹ, để trở thành bác sĩ có thể khám và điều trị cho bệnh nhân, người ta phải học ít nhất là 10 năm. Đó là chưa kể học chuyên khoa, học cao học và tiến sĩ. Sau đó là cả một đời học hỏi và tích lũy tri thức, kinh nghiệm liên tục. Bác sĩ mà ngừng học hỏi là sẽ nhanh chóng lụt nghề. Mà nghiệt ngã ở chỗ, làm nhiều nghề khác, nếu có sai sót làm hư hỏng thì cũng chỉ là mất một sản phẩm, thậm chí một công trình; còn bác sĩ mà sai sót có thể trực tiếp cướp mất một mạng người.

Y khoa cũng là ngành học tốn kém nhất. Ở Mỹ, bác sĩ nào mới ra trường cũng nợ chính phủ như chúa chổm và phải kéo cày trả nợ mệt nghỉ. Chẳng hạn, mức học phí trung bình ở trường đại học Y khoảng trên dưới 50.000 USD/năm, chưa kể chi phí sinh hoạt cá nhân. Nhưng bù lại, thu nhập của ngành y lại cao hơn nhiều ngành nghề khác. Ở Saigon vào thời điểm đầu năm 2013 này, tiền công khám bệnh ngoài giờ của bác sĩ trung bình khoảng 100.000 đồng/người bệnh. Đó là chưa tính tiền bán thuốc (gồm tiền lời và hoa hồng do hãng thuốc chi). Mỗi chiều sau giờ làm ở bệnh viện, bác sĩ chỉ cần “câu” chừng 10 “con cá” là cũng rủng rỉnh rồi.

Đôi lúc tôi tưng tửng nghĩ rằng: cho dù là y đức, lòng nhân từ hay đơn giản là hành nghề, chính thầy thuốc mới là người cố gắng và khát khao để cứu sống bệnh nhân nhất. Hai mục đích đầu là thiêng liêng rồi. Nói ở khía cạnh hành nghề, bệnh nhân là khách hàng, nếu để họ chết thì thầy thuốc vừa giảm uy tín, vừa mất khách hàng! Nhưng bất luận vì sao, miễn người bệnh được cứu chữa bình phục là hạnh phúc cho tất cả!

Ngày Tết hay Ngày Thầy thuốc, tôi chỉ chúc các bạn ngành y của mình luôn mạnh khỏe, vui vẻ, may mắn, thành công và mát tay. Tôi không bao giờ chúc họ làm ăn phát đạt.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 27-2-2013)

+ Nguồn minh họa: Internet. Thanks.