Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Liên hiệp quốc chuẩn bị một sứ mạng hòa bình mới ở châu Phi

 

Pháp và các đồng minh châu Phi sau khi đưa quân vào Mali ngăn chặn được phiến quân và tổ chức khủng bố Hối giáo al-Qaeda chiếm nước Tây Phi này giờ đây muốn có một lực lượng được vũ trang mạnh hơn để có đủ khả năng chống lại bất cứ nguy cơ phiến loạn Hồi giáo nào ở đây. Và lực lượng đó nằm trong sứ mạng gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.

Pháp đã bắt đầu can thiệp quân sự, ném bom rồi đưa quân vào Mali – cựu thuộc địa cùa mình – từ trung tuần tháng 1-2013 để giúp bảo vệ thủ đô Bamako và giành lại phần lãnh thổ phía bắc đang nằm trong tay phiến quân. Sau đó, tổ chức các nước Tây Phi ECOWAS gồm 15 nước cũng đã đưa quân vào giúp chính phủ Mali và hoạt động bên cạnh lực lượng đặc nhiệm Pháp.

Cho tới nay, liên quân quốc tế đã gây nhiều thiệt hại nặng và làm suy yếu lực lượng phiến quân ở Mali.

Bản đồ hoạt động của hệ thống khủng bố quốc tế Hồi giáo al-Qaeda ở châu Phi.

 

Hiện nay, LHQ đang xem xét việc thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình đông tới 10.000 quân để làm nhiệm vụ ở Mali trước khi nước này tiến hành bầu cử tổng thống và nghị viện vào tháng 7-2013. Đây quả là một cuộc chạy đua với thời gian. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon dự kiến sẽ trình kế hoạch này cho Hội đồng Bảo an LHQ vào cuối tháng 3-2013 để cơ quan duy nhất có quyền triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ này có thể bỏ phiếu vào giữa tháng 4-2013. Sau đó phải mất ít nhất 2 tháng chuẩn bị. Trong tuần này, Phó chỉ huy sứ mạng gìn giữ hòa bình LHQ Edmond Mulet sẽ tới Bamako để xem xét tình hình thực tế. Giới ngoại giao cho rằng lực lượng LHQ này sẽ do Pháp chỉ huy.

Với đặc điểm tình hình ở Mali và khu vực Tây Phi này, lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ sẽ phải là một lực lượng phản ứng nhanh, được trang bị vũ khí hùng hậu và được rộng quyền hơn, như có thể nổ súng vào kẻ địch mà không phải chờ tới khi bị tấn công trước – một giới hạn của hầu hết các lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ khác trên thế giới. Hiện nay, LHQ đang có một lực lượng như vậy ở CHDC Congo.

Pháp khẳng định: phiến quân kết hợp với khủng bố al-Qaeda ở Mali đe dọa an ninh của Tây Phi và châu Âu. Đây là nơi hoạt động của chi nhánh al-Qaeda tại Bắc Phi (AQMI). Romano Prodi, đặc phái viên LHQ ở khu vực, cho biết: các nước láng giềng của Mali cũng đang lo sợ bạo lực khủng bố sẽ lan qua nước mình.

Có tin nói rằng từ tháng 4-2013, Pháp sẽ bắt đầu rút một số trong 4.000 quân đang tham chiến ở Mali, chuyển giao nhiệm vụ lại cho lực lượng liên quân châu Phi AFISMA. Các nhà lãnh đạo châu Phi yêu cầu Pháp cần rút quân dần dần. Trong chuyến thăm Senegal, Tổng thống Dioncounda Traore của Mali tuyên bố: “Pháp sẽ rút đi một khi có thể. Rõ ràng là Pháp đã cam kết đồng hành cùng chúng tôi cho tới khi nào vẫn còn cần thiết.”

Hiện nay liên quân AFISMA có khoảng 6.000 quân, chủ yếu từ các nước Tây Phi, trong đó có hơn 2.000 lính Chad. Ngoài trừ lính Chad sát cánh cùng quân Pháp chiến đấu ở miền bắc, hầu hết các đội quân châu Phi khác vẫn đang triển khai ở miền nam, tránh xa khu vực chiến sự.

Giới bình luận quốc tế nói rằng lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở Mali sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn và nguy hiểm. Phiến quân có thể hoạt động theo kiểu du kích với các cuộc tấn công liều chết và đánh rồi rút trên khắp Mali. Vì thế, có nhiều khả năng lính Chad vốn dạn dày chiến đấu sẽ là nòng cốt của lực lượng LHQ, giống như lính Burundi đang chiến đấu với các lực lượng Hồi giáo quá khích ở Somalia.

Một vấn đề quan trọng là nguồn tài chính cho lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ mới ở Mali. Hồi tháng 2-2013, cộng đồng quốc tế đã hứa đóng góp khoảng 450 triệu USD cho hoạt động của quân đội Mali và liên quân châu Phi, nhưng cho tới nay vẫn chưa có tiền. Gánh nặng đang đè lên các nước góp quân vào AFISMA.

Hiện nay, LHQ đang có 8 sứ mạng gìn giữ hòa bình ở châu Phi.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 13-3-2013)

Lính Pháp trên xe bọc thép rời thủ đô Bamako của Mali tiến về miền bắc để mở đầu chiến dịch Serval ngày 15-1-2013. (ISSOUF SANOGO/AFP/Getty Images)

Lính Mali tại một trạm kiểm soát trên đường Gao bên ngoài thành phố Sevarem cách thủ đô Mali 385 dặm về hướng bắc hồi tháng 1-2013.

Lính Mali cỡi xe gắn máy trên đường phố Merkala. (Eric Feferberg, AFP, Getty Images , Postmedia News)

Lính Chad đang sát cánh cùng quân Pháp chống khủng bố Hồi giáo ở Mali.

 

VIDEO CLIPS

French and Malian troops.

Mali war – French Army Operation Serval