Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Ấn Độ: tình trạng tội phạm hại ngành du lịch

 

Không chỉ có người dân Ấn Độ mà cả ngành du lịch hái ra tiền ở đất nước Nam Á đông dân thứ nhì thế giới này cũng đang khốn đốn vì tình trạng tội phạm gia tăng gần đây.

Tình hình càng nghiêm trọng hơn với vụ hai vợ chồng du khách Thụy Sĩ bị một nhóm đàn ông tấn công khi đang cắm trại tại một khu rừng ở quận Datia (bang Madhya Pradesh) đêm 15-3-2013. Không chỉ đánh đập và cướp tài sản của nạn nhân, bọn tội phạm còn cưỡng hiếp tập thể người vợ 39 tuổi trước mặt người chồng bị trói vào gốc cây.

Ngày 17-3, cảnh sát loan báo đã bắt được 6 gã tham gia vụ tấn công này và đang truy nã thêm đồng bọn.

Tình hình nguy hiểm vì tội ác ở Ấn Độ đã được thế giới báo động đỏ sau khi xảy ra vụ hiếp dâm tập thể một nữ sinh viên 23 tuổi trên một chiếc xe buýt đang chạy ở thủ đô New Delhi đêm 16-12-2012. Cô sinh viên ngành y này và bạn trai đang trên đường về nhau sau khi xem phim. Do bị chấn thương quá nặng, nạn nhân đã chết mặc dù được đưa sang điều trị ở Singapore. Trên khắp Ấn Độ đã nổ ra làn sóng biểu tình phản đối bạo lực và chỉ trích nhà chức trách không có các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ người dân. Trong khi vụ án này đang tiếp tục xét xử, cảnh sát cho biết 1 trong 6 tên gây án đã treo cổ chết trong nhà tù hồi tuần qua.

Ngày 14-3, Chính phủ liên minh Ấn Độ cũng vừa hoàn tất dự thảo Luật Hình sự (Sửa đổi) 2013 trong đó tăng mức án cho tội hiếp dâm từ 7-10 năm hiện nay lên tối đa 20 năm tù. Kẻ gây án có thể lãnh án tử hình nếu như nạn nhân chết hay hôn mê. Luật mới cũng bổ sung vào danh sách các tội hình sự những hành vi mang tính tình dục như rình mò, theo dõi người khác phái, tạt acid và buôn bán phụ nữ. Nếu được Quốc hội thông qua, luật này sẽ thay thế sắc lệnh đã được ban hành hôm 3-2-2013 mà sẽ hết hiệu lực vào ngày 4-4-2013. Bà Sonia Gandhi, Chủ tịch đảng UPA, ngày 16-3 cho biết luật ngăn ngừa bạo lực chống phụ nữ sẽ được Ấn Độ thông qua trong thời gian ngắn sắp tới.

Theo số liệu của Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia Ấn Độ, tội phạm chống phụ nữ gia tăng 7,1% từ năm 2010. Trong năm 2011 đã ghi nhận hơn 24.000 vụ hiếp dâm. Bình quân cứ mỗi 20 phút có 1 phụ nữ bị hiếp dâm ở nước này. Trong số khoảng 77.000 trẻ em bị xâm hại mất tích hàng năm, đa số là nữ. Tuy nhiên, nhiều vụ hiếp dâm và những tội phạm tình dục khác vẫn bị nạn nhân và gia đình che giấu vì định kiến xã hội bảo thủ coi đó như điều sỉ nhục. Tỷ lệ kết án tội hiếp dâm và những tội khác chống phụ nữ ở Ấn Độ thuộc hàng thấp nhất thế giới.

Ngành du lịch Ấn Độ cho biết từ sau vụ hiếp dâm tập thể táo tợn hồi tháng 12-2012 tại New Delhi, du khách nước ngoài sợ đến Ấn Độ. Subhash Goyal, người đứng đầu Hiệp hội các nhà hoạt điộng du lịch Ấn Độ (IATO), nói rằng: “Những vụ việc như thế ảnh hưởng tiêu cực tới ngành du lịch. Thật là rất bất hạnh.” Theo số liệu thống kê của chính phủ, năm 2011 có khoảng 6,5 triệu du khách nước ngoài tới thăm Ấn Độ và đem lại cho nền kinh tế nước này khoảng 120 tỷ USD.  Hồi tháng 2-2013, chính phủ Thụy Sĩ đã đưa ra khuyến cáo du lịch cho công dân nước mình về tình trạng gia tăng các vụ hiếp dâm và tội phạm tình dục ở Ấn Độ. Sau vụ tấn công hai vợ chồng du khách Thụy Sĩ ngày 15-3, chắc chắn sẽ có thêm nhiều nước khác đưa Ấn Độ vào danh sách những điểm đến nguy hiểm. Sau khi xảy ra vụ án chấn động hồi tháng 12-2012 ở New Delhi, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã ra thông cáo nhấn mạnh: “Bạo hành chống phụ nữ không bao giờ được chấp nhận, không bao giờ được tha thứ.” Cơ quan LHQ về bình đẳng giới cũng kêu gọi chính quyền Ấn Độ “làm mọi việc trong quyền hạn của mình để có những cải tổ cơ bản, bảo đảm công lý và tăng cường các dịch vụ công cộng để làm cho cuộc sống của phụ nữ được an toàn và an ninh hơn.”

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 20-3-2013)

 

Thiếu niên ở Bhubaneswar (Ấn Độ) ngày 16-3-2013 biểu tình đòi treo cổ những kẻ xâm hại trẻ em và gây tội ác với phụ nữ.

Một cuộc biểu tình tại New Delhi yêu cầu nhà chức trách trừng phạt nghiêm khắc các tội phạm tình dục.