Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Lần đầu tiên một giáo hoàng rửa chân cho phụ nữ


Vào ngày thứ Năm Tuần Thánh – Holy Thursday (28-3-2013), Giáo hoàng Francis đã bắt đầu Tam Nhật Phục sinh đầu tiên của mình với cương vị người đứng đầu Giáo hội Công giáo 1,2 tỷ người trên toàn cầu. Và ngài tiếp tục gây ngạc nhiên cho mọi người khi phá vỡ thêm những “boong-ke” (bunker) truyền thống lâu đời của Giáo hội trần gian. Hôm nay là việc ngài làm nghi thức rửa chân và hôn chân 2 nữ phạm nhân tại một trại giáo dưỡng vị thành niên ở Rome. Chưa từng có một giáo hoàng nào trước đây rửa chân cho một phụ nữ trong lễ Rửa chân – nhắc nhớ lại sự kiện Chúa Jesus rửa chân cho các môn đệ trước khi ngài chịu đóng đinh trên cây thập giá để chuộc tội cho loài người. Luật Giáo hội trước nay cũng chỉ tiến hành nghi thức rửa chân cho nam giới.

Nhưng luật là của con người, do chính con người đặt ra cho con người thực thi. Vì thế, ngay cho dù là Giáo luật thì bởi con người đặt ra, con người có thể hiệu chỉnh hay thậm chí bãi bỏ. Huống chi theo Kinh Thánh, Chúa Jesus ngày xưa còn để cho một người “phụ nữ tội lỗi” rửa chân mình, ngồi ăn cùng bàn với cô gái mại dâm. Một chân lý giản đơn nhưng vẫn có những người cố tình không hiểu: cho dù là nam hay nữ, cho dù sang hay hèn, cho dù làm bất cứ nghề nghiệp hay công việc gì, người ta vẫn là con người do Thiên chúa tạo dựng và là con cái của Thiên chúa. Nó nằm trong một trong những tín lý của đạo Thiên chúa: kính Chúa, yêu người.

Và như một tín hiệu giao hòa, cùng chung sống trên một hành tinh, Giáo hoàng Francis đã rửa chân và hôn chân 2 tín đồ Hồi giáo.

Ngày thứ Năm Tuần Thánh năm nay, Giáo hoàng Francis đã tới làm lễ và cử hành nghi thức rửa chân tại trại giáo dưỡng trẻ vị thành niên Casal del Marmo ở Rome. Ngài đã nói với các phạm nhân trẻ, tuổi từ 14 tới 21, có cả những tín đồ Hồi giáo và Chính Thống giáo phương Đông, cả những người nhập cư trái phép từ châu Phi, rằng: “Đây là một biểu tượng, một dấu hiệu. Việc rửa chân cho các bạn có nghĩa tôi là người phục vụ của các bạn. Hãy giúp đỡ người khác. Đây là điều Chúa Jesus đã dạy chúng ta. Đây là việc làm của tôi. Và tôi làm nó với trái tim của mình. Tôi làm điều này với trái tim vì nó là bổn phận của tôi. Là một giáo sĩ và giám mục. tôi phải là người phục vụ của các bạn.”

Trong một video do chính Tòa thánh Vatican phát hành, vị Giáo hoàng 76 tuổi quỳ trên sàn đá và đổ nước từ một cái bình bạc lên chân của 12 phạm nhân trẻ: da đen, da trắng, nam, nữ, và có cả chân có dấu xăm. Sau khi dùng khăn lông lau khô chân họ, ngài cúi xuống hôn chân từng người.

Các Giáo hoàng tiền nhiệm cử hành nghi thức thứ Năm Tuần Thánh tại nhà thờ lớn St. John Lateran ở Rome, chọn 12 giáo sĩ để tượng trưng cho 12 vị tông đồ mà Chúa Jesus từng rửa chân cho trong bữa Tiệc ly (Last Supper) cách đây gần 2.000 năm.

Trưóc đây, khi còn làm Tổng giám mục Buenos Aires (Argentina), cựu Hồng y Jorge Mario Bergoglio (nay là Giáo hoàng Francis) vẫn cử hành nghi thức rửa chân trong các nhà tù, bệnh viện hay nhà tế bần – đó là một phần trong sứ mạng mục vụ của ngài đối với những người nghèo nhất và bị cách ly nhất trong xã hội. Ngài thường rửa chân cả cho phụ nữ. Có tấm ảnh chụp cảnh Hồng y Bergoglio rửa chân cho một phụ nữ đang bồng đứa con sơ sinh.

Sẵn chuyện này, người ta có thể hỏi rằng liệu Giáo hoàng Francis sẽ chấp thận việc truyền chức linh mục cho các nữ tu – một trong những điều tranh cãi vẫn bế tắc lâu nay trong Giáo hội? Trong cuốn sách “Trên Thiên đàng và Trái đất” (“On Heaven and Earth) xuất bản năm 2011, ngài – hồi đó là Hồng y Bergoglio – nói rằng có những lý do vững chắc về thần học cho việc tại sao chức linh mục chỉ được dành riêng cho nam giới: “Bởi vì Chúa Jesus là một người đàn ông.”

Sau khi lảm lễ tại trại giáo dưỡng, Giáo hoàng Francis đã chúc mừng từng phạm nhân và tận tay trao cho mỗi người một quả trứng Phục sinh. Ngài nói với họ: “Đừng có mất hy vọng. Có hiểu không? Với hy vọng, các bạn có thể luôn tiến bước.” Một nam thanh niên thắc mắc vì sao ngài lại tới thăm họ hôm nay. Giáo hoàng trả lời rằng điều này “giúp tôi được khiêm nhu, điều mà một giám mục phải như vậy”. Ngài nói thêm: hành động này “đến từ trái tim của tôi. Mà những gì từ trái tim đều không có lời giải thích.”

Ngay từ sau khi được cuộc Mật nghị của các hồng y bầu làm giáo hoàng ngày 13-3-2013, kế tục Giáo hoàng Benedict XVI (người từ chức vì lý do sức khỏe ngày 28-2-2013), Giáo hoàng Francis đã liên tục gây ngạc nhiên khi phả những làn gió mới khiêm nhu và nghèo khó vào sinh hoạt của Tòa thánh Vatican vốn nổi tiếng là bảo thủ và ngập tràn những nghi thức lộng lẫy. Trong lễ tấn phong sáng 19-3-2013, ngài đã không dùng chiếc xe limousine sang trọng có trang bị kính chống đạn, mà đứng trên một chiếc xe jeep mui trần để ra mắt công chúng. Thay vì dùng chiếc nhẫn Giáo hoàng đúc bằng vàng, ngài chọn chiếc nhẫn bằng bạc mạ vàng.

Với ai khác thì người ta có thể nghi ngờ về động cơ của những hành động “phá cách” như thế, còn với Giáo hoàng Francis, ngài vẫn sống theo cách đó từ trước tới giờ ở quê nhà Argentina. Với dáng vẻ đơn sơ, hành xử khiêm nhu, cách nói dí dỏm, nụ cười hóm hỉnh luôn nở trên môi, Giáo hoàng Francis tỏ rõ mình là một “người cha hiền” gần gũi hơn là một “đức thánh cha” cao vòi vọi. Nhưng chắc chắn trong thời gian đầu, ngài sẽ làm khó chịu không ít thế lực bảo thủ trong và ngoài Vatican. Tôi xin lặp lại lời ngài vừa nói sáng 28-3-2013: “Những gì từ trái tim đều không có lời giải thích.”

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 29-3-2013)

VIDEO CLIPS:

Pope washes feet of prisoners