Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Nữ quân nhân Mỹ chống chiến tranh Iraq đầu tiên ra tòa

 

Một tòa án quân sự tại căn cứ Fort Carson (bang Colorado) ngày 29-4-2013 đã bắt đầu xét xử người nữ quân nhân Mỹ đầu tiên trốn sang nước láng giềng Canada để tránh phải qua tham chiến ở Iraq nhiệm kỳ thứ hai.

Binh nhất (Pfc.) Kimberly Rivera, 30 tuổi, bị truy tố về tội đào ngũ (desertion), nếu bị kết tội có thể lãnh án tới 5 năm tù và bị tước bỏ mọi danh dự của quân đội.

Rivera là một tài xế thuộc Đội Chiến đấu của Lữ đoàn Bộ binh số 4 trong căn cứ Fort Carson. Năm 2006, chị phục vụ ở chiến trường Iraq và nói rằng trong thời gian ở đó, chị bị vỡ mộng về sứ mạng của Mỹ ở đất nước Arập Hồi giáo vùng Vịnh này. Năm 2007, trong thời gian nghỉ phép 2 tuần ở Mỹ, Rivera đã băng qua biên giới sang Canada sau khi được lệnh trở sang Iraq lần thứ nhì. Chị đã xin hưởng quy chế tị nạn nhưng bị nhà chức trách Canada từ chối. Sau đó, chị xin hưởng quy chế thường trú nhân (permanent residency), nhưng vẫn bị cơ quan nhập cư Canada bác đơn. Nhà chức trách Canada triệt người nữ quân nhân Mỹ bỏ ngũ này tới mức từ chối cho chị ở lại dựa trên lòng nhân đạo hay lòng trắc ẩn.

Năm 2009, Rivera nhận lệnh phải rời Canada hay bị trục xuất. Chị đã kháng cáo về lệnh này. Tới năm 2012, giờ đây đã là mẹ của 4 đứa con, chị lại nhận lệnh trục xuất. Ngay khi về tới Mỹ, Rivera đã bị bắt tại biên giới và đưa vào một nhà tù quân sự.

130429-rivera-1st female Iraq war resister-01

+ Chị Kimberly Rivera trong cuộc họp báo tại Toront (Canada) ngày 31-8-2012 sau khi có lệnh trục xuất. (Associated Press/The Canadian Pres, Aaron Vincent Elkaim)

Có 19.000 người ở Canada đã ký thỉnh nguyện thư trên Internet để phản đối lệnh trục xuất Rivera. Một số cuộc biểu tình cũng đã diễn ra tại một số thành phố Canada để kêu gọi chính phủ cho phép người mẹ này ở lại. Ngay cả Giám mục Desmond Tutu – người được giải Nobel Hòa bình và tổ chức Cực binh Mỹ vì Hòa bình (VFP) cũng phản đối việc trục xuất này.

Chiến dịch ủng hộ những người kháng cự chiến tranh (WRSC), một nhóm hoạt động của người Canada, hồi năm 2012 ước tính có khoảng 200 người kháng cự lại việc tham chiến ở Iraq đã từ Mỹ  chạy sang Canada.

Trước Rivera, có 2 đồng đội nam là Robin Long và Clifford Cornell đã bị Canada trục xuất. Sau khi về Mỹ, hồi năm 2008, Long đã bị tước mọi danh dự quân nhân và lãnh án 15 tháng tù trong nhà tù quân đội vì tội đào ngũ.

Vào năm 2008, Hạ viện Canada đã thông qua một đề nghi cho phép các quân nhân Mỹ đào ngũ được ở lại Canada. Tuy nhiên, chính phủ của đảng Bảo thủ (CP) đã không đồng ý.

Trong thời Chiến tranh Việt Nam, có tới 90.000 người Mỹ giành được quy chế tị nạn ở Canada, hầu hết là chạy sang nước này để trốn quân dịch. Nhiều người được hưởng quy chế thường trú nhân rồi sau đó trở thành công dân Canada. Nhưng đa số họ đã trở về Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Jimmy Carter hồi cuối thập niên 1970 ký lệnh ân xá cho các trường hợp như vậy.

Theo nhiều nhà chính trị ở Canada, mỗi thời mỗi khác, không thể áp dụng chính sách giống nhau. Thời Chiến tranh Việt Nam, thanh niên Mỹ bị bắt quân dịch để có quân đưa sang chiến trường Đông Nam Á này, còn bây giờ thì các công dân Mỹ gia nhập quân đội tự nguyện, có ký hợp đồng với nhiều chính sách ưu đãi. Quả thật là bây giờ quân đội Mỹ đưa ra quá nhiều “quà khuyến mãi” để dụ thanh niên – đặc biệt là những người không có việc làm, cuộc sống khó khăn và dân nhập cư – đăng lính để được hưởng chính sách mua nhà, có tiền học đại học và được nhập quốc tịch. Bởi vậy, chị Rivera ơi, nếu nói theo kiểu quân đội thì chị “đào ngũ” và “bất tuân thượng lịnh”, nhưng nếu nói về mặt dân sự thì chị “vi phạm giao kèo” và “cãi lời chủ”. Kiểu nào cũng kẹt ráo! Chỉ mong chị được chiếu cố để lãnh mức án nhè nhẹ rồi sau đó hiên ngang sống ở Mỹ với quyền công dân không phải lẩn trốn như ở Canada nữa.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 30-4-2013)