Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Làm nhà báo ở Mexico thật là dễ… chết!

110911-mexico-protest-kill-journalists 

Nhà báo nào ở Mexico mà viết bài điều tra về các hoạt động buôn lậu ma túy, bắt cóc và tống tiền coi như tự điền tên mình vào danh sách tử thần của các tập đoàn ma túy khét tiếng. Nhưng họ đã sinh nghề thì phải chấp nhận tử nghiệp.

Các nhà báo phải tự bảo vệ mình là chính, nhất là khi bộ máy công lực ở địa phương, từ cảnh sát tới quan tòa, được tin là đã bị các tập toàn ma túy khống chế hay bán mình cho chúng.

Theo thống kê của tổ chức Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ) có trụ sở tại New York (Mỹ), từ năm 1992 tới nay có 25 nhà báo bị sát hại ở Mexico.

Còn theo Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Mexico (NHR), từ năm 2000 tới nay có tới 84 nhà báo đã bị giết chết, và 20 nhà báo khác mất tích từ năm 2005. Không chỉ có nhà báo mà từ năm 2005 tới nay có 39 vụ tấn công các văn phòng báo chí.

Điều cay đắng là theo NHR Mexico, có tới 91% số vụ tấn công báo chí cho tới nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm.

Mexico xưa nay nổi danh thế giới với các cartel ma túy được trang bị vũ khí hùng hậu và giết người không nhát tay. Cuộc chiến tranh chống các tập đoàn ma túy do Tổng thống nhiệm kỳ trước Felipe Calderon phát động ngay sau khi ông nhậm chức vào cuối năm 2006 được coi là cuộc chiến chống ma túy đẫm máu nhất trong lịch sử. Tính tới nay có khoảng 70.000 người bị giết chết trong các vụ bạo lực có liên quan tới ma túy. Liên tục xảy ra những vụ đọ súng giữa lực lượng an ninh và bọn tội phạm, những vụ trả thù của bọn tội phạm ma túy và những vụ tranh giành địa bàn giữa các băng đảng ma túy.

Không khó để hiểu vì sao các nhà báo trở thành một trong những mục tiêu chính của các cartel ma túy. Bản thân cái nghề của nhà báo chuyên tìm mọi cách để khui ra những chuyện mà người khác tìm mọi cách che giấu cũng đã là bản án tử hình rồi. Đặc biệt ở Mexico, các vụ trả thù luôn là cực kỳ tàn bạo.

Báo Huffington Post cho biết: hồi năm 2011, một tờ báo ở Mexico đã phải ngưng loạt phóng sự điều tra của mình lại sau khi các văn phòng của báo bị ném lưu đạn 2 lần. Một nhà báo bị giết rồi nhét vào trong một bao đựng rác. Một nhà báo khác bị bắt cóc rồi giết chết. Ba nhà báo khác sau khi bị tra tấn đã bị chặt chân tay rồi nhét vào trong những bao đựng rác. Vậy mà báo Huffington Post nói rằng đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Có vô số câu chuyện bi thương và khủng khiếp khác về cái chết của những nhà báo chống buôn lậu ma túy ở Mexico.

Bên cạnh đó có những tấm gương nhà báo yêu nghề và dũng cảm. Một trong số đó là nữ nhà báo Sandra Rodriguez ở Juarez. Chị tâm sự: sau khi một số đồng nghiệp trong tờ báo của mình bị sát hại, “chúng tôi trở nên giận dữ hơn là sợ hãi”. Thay vì co rúm lại, Rodriguez đã nỗ lực gấp bội lần, bắt đầu điều tra về một số tội ác xảy ra chung quanh chị. Rodriguez nói: “Tôi không muốn bất cứ nhà báo nước ngoài nào kể cho tôi nghe câu chuyện của thành phố tôi.”

Báo New York Daily News (6-5-2013) cho biết: theo cuộc khảo sát gần đây nhất của tổ chức Các nhà báo không biên giới (RWB), Mexico hiện xếp thứ 4 trong số các nước chết chóc nhất đối với các nhà báo (sau Syria, Somalia và Pakistan). Anthony Coulson, cựu nhân viên cơ quan bài trừ ma túy Mỹ DEA ở bang Arizona tiếp giáp Mexico nói về nghề báo ở Mexico: “Không có hy vọng thật sự ở đó cho các nhà báo. Tình hình đang càng tệ hơn.”

Vào năm 2012, thế giới chấn động trước hình ảnh hai cái xác tả tơi của một đôi nam nữ bị treo tòng teng từ trên một cây cầu vượt cho khách bộ hành ở thành phố Nuevo Laredo của Mexico giáp bang Texas của Mỹ. Phía trên 2 nạn nhân xấu số là một tấm biển ghi: “Điều này sẽ xảy ra với tất cả những kẻ đang post những điều buồn cười trên Internet. Tốt hơn hết là tụi bay hãy chú ý. Tao sắp chộp được bọn mày đây.”

Cũng trong năm này, ai mà không lạnh xương sống khi nhìn thấy cảnh các cảnh sát ở Veracruz đang vớt từ con kênh đào lên những chiếc túi nilông loại đựng rác màu đen chứa những mảnh xác bị phân thây của hai phóng viên nhiếp ảnh Gabriel Huge và Guillermo Luna.

Hồi thượng tuần tháng 5-2013, Jose Gerardo Padillo Blanquet, người giới thiệu chương trình phát thanh và truyền hình cho đài Radio Grande de Coahuila đã mất tích tại Saltillo, thủ phủ của bang Coahuila do cartel ma túy bạo lực nhất nước Los Zetas kiểm soát. Đài này đã nhận được vô số lời đe dọa cho các chuyên đề về ma túy của mình. Cùng thời gian đó cũng tại thành phố Saltillo, người ta tìm thấy xác bị chặt thành từng mảnh của phóng viên nhiếp ảnh 22 tuổi Daniel Alejandro Martinez chỉ mới về làm cho báo Vanguardia bị quăng ngay giữa một con đường tấp nập xe cộ.

Ngay cả những “nhà báo nhân dân” là những blogger và những người xài Twitter, Facebook,… cũng không an toàn nếu như post những gì có liên quan tới bọn tội phạm ma túy.

Ở Mexico lâu nay diễn ra một sự chuyển làn trong truyền thông về ma túy. Khi các nhà báo và chủ báo tìm cách né đưa tin về các cartel ma túy vì sợ những vụ trả thù đẫm máu, những người dùng mạng xã hội đã nhập cuộc lấp vào chỗ trống, cố gắng thông tin cho mọi người về các tội ác của bọn tội phạm ma túy.

Ai sơ suất để bị lộ tung tích là coi như lãnh án tử. Hồi tháng 2-2013, trên YouTube xuất hiện một video clip cảnh hành quyết một người sử dụng mạng xã hội dám chọc giận bọn tội phạm ma túy. Một thanh niên mặc bộ đồ đen quỳ gối nói về trang Facebook “Valor Por Tamaulipas” (Lòng can đảm cho Tamaulipas) chuyên cập nhật các thông tin an ninh của bang Tamaulipas nằm bên bờ Vịnh Mexico tiếp giáp với bang Texas (Mỹ). Anh khuyến cáo mọi người dùng mạng xã hội: “Xin kềm chế đừng post bất cứ thông tin nào. Nếu không, đây là cái giá mà bạn sẽ phải trả.” Anh này vừa dứt lời liền bị một gã bịt mặt xuất hiện bắn vào đầu.

Một trang blog nổi tiếng khác là Blog del Narco cũng đang gặp nguy hiểm.

Hồi cuối tháng 4-2012, người ta tìm thấy xác bị đánh đập và bóp cổ tới chết của nữ nhà báo Regina Martinez trong phòng tắm nhà chị ở thành phố Xalapa. Chị thường viết về buôn lậu ma túy trên tạp chí thời sự Procesco.

Carlos Lauria thuộc tổ chức CPJ nói rằng: “Người ta đang chuyển hướng sang các dạng truyền thông xã hội bởi vì tại nhiều vùng trên khắp Mexico, bọn tội phạm có tổ chức đã kiểm soát hoàn toàn lãnh địa. Đây là một cuộc chiến tranh đang đánh nhau trên các đường phố và một cuộc chiến tranh cho thông tin. Người dân sợ hãi. Và các nhà báo cũng như vậy.”

Tình hình dường như đang rẽ sang một bước ngoặt mới, khi người thân của các nhà báo cũng trở thành mục tiêu của các bọn tội phạm ma túy.

Ngày 4-5-2013, hai người con trai của một đôi vợ chồng nhà báo nổi tiếng đã bị bắn chết tại thành phố Chihuahua, thủ phủ bang Chihuahua ở biên giới phía bắc của Mexico. Vào khoảng 4 giờ sáng, trong khi đang lái xe về nhà, hai anh em Diego Alejandro Paramo, 23 tuổi, và Alfredo David Paramo, 21 tuổi, đã bị một nhóm tay súng đi trên một chiếc xe hơi truy đuổi. Khi bị bắt kịp tại một giao lộ, hai anh em đã bị bắn chết.

Hai anh em có cha là nhà báo tài chính nổi tiếng David Paramo của đài truyền hình TV Azteca và mẹ là Martha Gonzalez Nicholson, biên tập viên của báo địa phương Peso de Chihuahua.

Quả là tình hình đang ngày càng tệ hơn. Cuộc chiến chống các cartel ma túy do Tổng thống Calderon gây ra quá nhiều đổ máu, chết chóc nhưng giống như đánh không gục nổi con mãng xà khiến nó vùng vẫy càng dữ dằn hơn. Người ta nói rằng các cartel ma túy ngày càng lộng hành hơn và tàn bạo hơn. Khi lên cầm quyền với nhiệm kỳ 6 năm hồi tháng 12-2012, tân Tổng thống Enrique Pena Nieto mới 46 tuổi đã tuyên bố không tập trung vào các tập đoàn ma túy như người tiền nhiệm mà dồn hết sức vào bọn bắt cóc và tống tiền. Nhà chức trách bang và địa phương cũng không còn được phép làm việc trực tiếp với các cơ quan Mỹ như FBI và DEA. Tuy nhiên, thực tế là các bọn bắt cóc, tống tiền này cũng chính là các cartel ma túy. Bạo lực chết chóc vẫn tiếp tục. Chỉ trong 4 tháng đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Pena Nieto, có thêm 4.200 người chết vì bạo lực.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 6-5-2013)

Nguồn các ảnh: Internet. Thanks.

120615-Mexican journalist Victor Baez-killed-01

Thân nhân và đồng nghiệp của nhà báo Victor Baez trong lễ an táng anh tại Xalapa (bang Veracruz) hồi giữa tháng 6-2012.

120429-Mexican journalist Regina Martinez-killed-02

Các nhà báo và sinh viên tuần hành phản đối việc sát hại nữ nhà báo Regina Martinez tại Xalapa (bang Veracruz) hồi giữa tháng 4-2012.

 2012-mexico-murders-bodies of photographers Gabriel Huge and Guillermo Luna in Veracruz

Cảnh sát ở Veracruz đang vớt từ con kênh đào lên những chiếc túi nilông đựng những mảnh xác bị phân thây của hai phóng viên nhiếp ảnh Gabriel Huge và Guillermo Luna.

2012-mexico-murders-nuevo-laredo

Hai cái xác tả tơi của một đôi nam nữ bị treo tòng teng từ trên một cây cầu vượt cho khách bộ hành ở thành phố Nuevo Laredo để cảnh cáo những người dùng mạng xã hội.

120429-Mexican journalist Regina Martinez-killed-01

Nữ nhà báo Regina Martinez tại Xalapa (bang Veracruz) bị sát hại hồi giữa tháng 4-2012.

110805-Mexican poet and journalist Javier Sicilia

Nhà báo và nhà thơ Javier Sicilia (giữa) có con trai là Juan Francisco Sicilia, 24 tuổi, bị sát hại ngày 27-3-2011. Ông đang tham gia cuộc tuần hành chống bạo lực ma túy tại thủ đô Mexico City.