Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Tản mạn nhân Ngày của Mẹ

130512-happy-mothers-day

Hôm nay Chủ nhật 12-5-2013 là Ngày của Mẹ hay Ngày Hiền mẫu (Mother’s Day), ngày mà người dân nhiều nước trên thế giới dành để bày tỏ lòng tôn kính, hiếu thảo với người đã mang nặng đẻ đau ra mình.

Ngày của Mẹ tuy được nhiều nước tổ chức nhưng không mang tính toàn cầu vì mỗi nước chọn ngày mừng riêng của mình, phổ biến nhất là trong tháng 3 hay tháng 5 dương lịch. Ở một số nước, Ngày của Mẹ hiện nay gắn với những truyền thống cũ của những ngày lễ mừng mẹ và tình mẫu tử có từ hàng ngàn năm, như lễ hội Cybele của người Hy Lạp, Hilaria của người La Mã, Chủ nhật mừng mẹ (Mothering Sunday) của người Thiên chúa giáo,…

Ngày của Mẹ mà chúng ta mừng hôm nay mới du nhập từ Mỹ vào Việt Nam những năm gần đây (trước 1975 hỗng có) cùng với nhiều lễ hội khác (thậm chí cả Halloween). Một phần do thời mở cửa hội nhập quốc tế dẫn tới giao lưu văn hóa với thế giới bên ngoài, nhưng theo tôi nghĩ, nguyên nhân chính là mối quan hệ ngày càng mật thiết và dễ dàng giữa người trong nước với những thân nhân ở nước ngoài.

Ngày của Mẹ ở Việt Nam là ăn theo Mother’s Day của Mỹ, mừng vào ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 5. Đây là ngày có nhiều nước và vùng lãnh thổ cùng mừng mẹ nhất (như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Úc, Đức, Ý, Hà Lan, Áo, Thụy Sĩ, Taiwan, Hong Kong, Bỉ, Đan Mạch, Ấn Độ, Trung Quốc, hầu hết các nước Đông Nam Á,…)

Người Mỹ cũng chỉ mới có ngày mang tên Mother’s Day hồi đầu thế kỷ 20 và không dính dáng gì tới những truyền thống mừng mẹ khác. Hồi cuối thế kỷ 19, Mỹ cũng có một số ngày mừng kính mẹ, nhưng không phổ cập. Ngày Mother’s Day bắt đầu vào năm 1908 khi chị Anna Jarvis ở Grafton (Tây Virginia) tưởng niệm mẹ mình. Sau đó, chị bắt đầu vận động để ngày Mother’s Day được công nhận ở Mỹ. Năm 1912, Jarvis đăng ký bản quyền 2 cái tên “”second Sunday in May” (Chủ nhật thứ hai của tháng 5) và “Mother’s Day” (Ngày của Mẹ), đồng thời thành lập Hội Quốc tế Ngày của mẹ (Mother’s Day International Association). Chị đã thành công vào năm 1914, nhưng sau đó đã thất vọng não nề khi ngày lễ này bị thương mại hóa vào thập niên 1920. Ngày Mother’s Day do Jarvis khởi xướng đã được chấp nhận ở những nước khác và cho tới nay được mừng trên khắp thế giới. Đôi khi người ta viết tên của ngày này là “Mothers’ Day” hay “Mothers Day”. Theo truyền thống, vào ngày này, người ta tặng quà, thiệp hay tưởng nhớ tới mẹ, bà và người được coi như mẹ mình.

130512-mothersday-01

Những nước và vùng lãnh thổ mừng Mother’s Day vào Chủ nhật thứ hai của tháng 5.

Do Mỹ không có ngày phụ nữ và cũng không mừng ngày 8-3, Mother’s Day cũng được coi như ngày tôn vinh phụ nữ ở nước này. Còn ở Việt Nam ta, giờ đây người mẹ được tôn vinh mỗi năm ít nhất là 4 lần: ngày Phụ nữ quốc tế (8-3), Ngày của Mẹ (tháng 5), Vu Lan (Rằm tháng 7 âm lịch), ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10)…

Trong hai đấng sinh thành, mẹ là người gần gũi con nhất. Sau khi người cha làm xong thiên chức truyền giống, mọi phần còn lại của quá trình tạo ra một con người hoàn toàn ở nơi người mẹ. Mẹ mang nặng con trong bụng mình trên dưới 9 tháng, đẻ đau xé thịt cho con chào đời rồi dùng chính dòng sữa của mình nuôi con lớn lên. Với bản tính của người phụ nữ, hướng nội, và cùng con tượng hình và lớn lên trong bụng rồi trong vòng tay của mình, mẹ là người tâm sự với con, gắn bó với con, hiểu con hơn cả. Tình yêu của mẹ dành cho con là tình yêu máu thịt dành cho núm ruột của mình.

Theo tôi, không có thể và càng không nên có sự so sánh tình yêu con giữa cha và mẹ – đây đâu có phải là một cuộc chiến ai thắng ai. Mỗi người tùy theo tính cách của mình mà yêu thương con một cách khác nhau – nhưng những cha hiền, mẹ hiền đều là những người duy nhất trên đời có thể hy sinh chính mạng sống mình vì con. Người cha với bản tính hướng ngoại và mang trọng trách cuộc đời phân công là phải tả xung hữu đột bên ngoài để nuôi sống và bảo vệ gia đình mình. Ông không có điều kiện và nhiều thời gian ở bên con. Rồi những vất vả, vùi dập ngoài cuộc đời làm người cha thiếu điều muốn tẩu hỏa nhập ma, khi về với gia đình đã mệt nhoài, đôi khi còn cáu gắt, thậm chí “xả xú-páp” lên vợ con. Vì thế người cha dễ mang điều tiếng là kẻ khô khan, khó chịu, ít gần gũi để rồi bị suy diễn mà chụp cho cái mũ sombrero là ít thương con. Có thể ở xã hội Âu Mỹ có khác chút ít, còn ở phương Đông, dù là gỗ lim hay cây tràm, người cha vẫn là cột cái của gia đình, là cột buồm của chiếc thuyền gia đình.

Người đời có câu “Mồ côi cha, ăn cơm với cá; mồ côi mẹ, liếm lá ngoài đường”, theo tôi không phải là để chê người cha ít thương con hơn mẹ, mà chủ yếu để thể hiện cái cách nuôi con “thiếu trình độ và kinh nghiệm” của người cha mà thôi.

Ngay cả câu nói của dân gian “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” cũng chẳng phải là sự sắp hạng, mà chỉ để nói lên cái tính chất công lao của những bậc sinh thành, dưỡng dục đó với chúng ta.

Bởi lẽ đó, tôi khoái cái câu thơ thư pháp của ai đó rằng:

“Thương cha xuôi ngưọc giữa dòng

Mẹ yêu tất tả gánh gồng nuôi con.”

Tôi không còn hạnh phúc được có mẹ cùng sống với mình trên đời này tới nay được gần 4 năm. Nhưng mẹ luôn như ở bên tôi mọi lúc mọi nơi, chỉ có khác là tôi không còn được nhìn thấy bà mà chỉ là cảm nhận được bà. Cho tới tận hôm nay, tôi vẫn không nghĩ là bà mất mà chỉ là bà đi xa đâu đó. Ngày nào tôi cũng lẩn quẩn bên bàn thờ của bà, nhìn ngắm ảnh mẹ, thưa trình với bà, chào hỏi bà, thậm chí có lúc còn phởn lên nheo mắt, trề môi chọc ghẹo bà như hồi bà còn sinh thời. Những lúc nhớ bà quá, tôi ôm chặt lấy bàn thờ hít như thấy có mùi hơi da thịt của bà vẫn còn đó. Một cái ghì thật chặt chất chứa đầy tình yêu và tâm trạng!

Tôi biết mình sẽ phải sống suốt quãng đời còn lại với sự dày vò, hối hận. Bởi khi mẹ còn sinh thời, tôi đã không biết trân trọng những năm tháng mà Thượng để đã ban tặng bà cho tôi. Tôi không hề coi đó là tầm thường, nhưng là bình thường. Vì thế, tôi mải mê lao vào công việc, bỏ bê bà. Mỗi lần tôi ra khỏi nhà là bà đều lọm khọm lê bước chân ra tận cửa tiễn tôi với lời nài nỉ “nhớ sớm về với mợ”. Thời gian gần ra đi, nhiều lần bà níu chặt lấy cánh tay tôi bịn rịn không muốn xa rời con, hình như bà sợ rằng bà không thể đợi được tới lúc tôi về.

Khi mẹ còn sinh thời, bà bị xếp vào hàng thứ XX trong số những người phụ nữ tôi yêu. Chợt tới khi bà ra đi rồi, tôi mới vỡ lẽ ra bà là người phụ nữ mà tôi yêu nhất trên trần gian này, yêu nhất trong kiếp này. Tôi ân hận vì mình đã không chăm sóc bà tốt hơn, nhất là trong những năm tháng cuối đời bà. Đó là nỗi ân hận và lỗi lầm không thể sửa chữa.

Vì thế, tôi luôn nhắc các bạn bè mình còn may mắn đang có cha mẹ sống với họ rằng hãy đừng để phạm sai lầm như tôi mà phải ân hận cả đời. Hãy luôn biết trân quý những thời gian cha mẹ còn đang được Thượng đế cho ở bên mình. Khi cha mẹ khuất bóng rồi, có giỗ quảy, cúng kiến gì cũng bằng thừa.

Tôi vẫn còn lưu giữ những video quay lúc mẹ còn khỏe với tiếng cười như trẻ thơ của bà. Vì vậy, tôi rất đồng cảm với hai câu thơ của nhà thơ Trần Trung Đạo:

“Ví mà con đổi thời gian được

Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.”

Tôi xin chép lại bài thơ đầu tiên tôi làm cho mẹ nhân ngày giỗ đầu tiên của bà:

Một năm không có mẹ

Hôm nay giỗ mẹ lần đầu
Một năm vắng mẹ nỗi sầu nặng thêm.
Đồng hồ vẫn gõ nhịp đêm
Đâu rồi tiếng mẹ đêm đêm hỏi giờ.
Mẹ nay di ảnh bàn thờ
Âm dương cách biệt vẫn ngờ chiêm bao.
Nhiều khi con muốn thét gào
Cho bung thương nhớ đang cào ruột gan.
Hiểu ra thì đã muộn màng
Người con yêu nhất trần gian: mẹ hiền!
Cả đời mẹ gánh ưu phiền
Cho con ngẩng mặt làm duyên với đời.
Con đi khắp bốn phương trời
Bỏ bê mẹ sống như người không con!
Con giờ nhớ mẹ sớm hôm
Muốn ôm lấy mẹ đành ôm bàn thờ.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon, Ngày của Mẹ 12-5-2013)