Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Úc vất vả đối phó với bi kịch thuyền nhân châu Á

1303-people-smuggling-australia

Nhiều máy bay, tàu chiến và tàu chở hàng của Úc hôm 9-6-2013 đã tham gia một cuộc tìm kiếm cứu nạn quy mô lớn ngoài khơi nước này sau khi một chiếc tàu buôn lậu người chở 55 người, trong đó có phụ nữ và trẻ em, bị chìm. Có 13 nạn nhân được xác nhận đã chết.

Con tàu bất hạnh này được nhìn thấy lần cuối cùng ngày 5-6 ở cách đảo Christmas Island của Úc khoảng 28 dặm rồi sau đó mất tích. Đảo này nằm ở rìa biên giới tây bắc nước Úc, gần với Indonesia.

Bộ trưởng Nội vụ Úc Jason Clare cho biết đã huy động 15 tàu và 10 máy bay tham gia cuộc tìm cứu. Ngày 5-6, máy bay tuần tra biên giới của Úc phát hiện con tàu này đang tiến về lãnh hải Úc, ghi nhận trên tàu có khoảng 55 người, phần lớn là đàn ông. Ngày 6-6, tàu chiến HMAS Warramunga đã được cử tới ngăn chặn con tàu buôn lậu người nhưng không tim thấy nó. Máy bay Úc đã tham gia tìm kiếm và tới ngày 7-6 mới phát hiện một thân tàu bị chìm.

Cho tới tối 9-6, lực lượng tìm cứu đã tìm thấy 13 xác chết. Bộ trưởng Clare nói rằng: “Đây là một bi kịch khủng khiếp mới nhắc nhở mọi người về sự nguy hiểm của những cuộc vượt biên bằng đường biển như thế này.”

Trong thời gian qua, số lượng thuyền nhân châu Á, chủ yếu là từ Myanmar, Iraq, Afghanistan và Sri Lanka vượt biển nhập cảnh trái phép vào Úc tăng vọt. Các thuyền nhân này vượt biên sang Indonesia và được các tổ chức buôn lậu người ở nước láng giềng Úc này dùng tàu thuyền đưa vào Úc. Số lượng người vượt biên bằng đường biển vào Úc hiện đạt mức kỷ lục, dự đoán sẽ lên tới 25.000 người trong vòng 12 tháng (tính tới ngày 30-6) bất chấp việc chính phủ nước này đã có những chính sách “bất lợi” hòng ngăn chặn làn sóng thuyền nhân mới ở Thái Bình Dương.

Phó Đô đốc David Johnston, tư lệnh lực lượng biên phòng Úc, cho biết khi máy bay phát hiện con tàu này không có dấu hiệu nào cho thấy nó đang gặp nguy hiểm. Nhưng khi tàu chiến Úc tới nơi vào ngày hôm sau thì thấy những chiếc áo phao và mảnh gỗ nổi trên mặt biển. Ông cũng nói thêm rằng hải quân Indonesia có lẽ đã biết về tai nạn này nhưng họ phải đối phó với nhiều tàu khác đang tiếp cận lãnh hải nước này. Ngay chính tàu chiến Úc HMAS Warramunga sau khi không tìm thấy con tàu mà họ được phái tới ngăn chặn cũng đã phải chuyển hướng đi tiếp cứu một con tàu chở người vượt biên khác vừa gọi điện cầu cứu cảnh sát Úc. Con tàu chở khoảng 70 người ở cách đảo Christmas Island 110 dặm sau đó đã được đưa tới đảo này.

Hàng trăm thuyền nhân đã chết trong những tai nạn chìm tàu trên đường tới Úc trong những năm gần đây. Vụ mới đây nhất xảy ra hồi tháng 3-2013 khi một con tàu chở 95 người bị chìm, giết chết 2 người, trong đó có 1 trẻ nhỏ. Một con tàu khác biến mất không tìm thấy dấu vềt ở Eo biển Sunda hồi tháng 4-2013 với 72 người trên tàu. Có lẽ có thêm một tai nạn nữa hồi tháng 5-2013 khi người ta tìm được 28 chiếc áo phao trôi giạt vào quần đảo Cocos ở Ấn Độ Dương.

Mặc dù nguy hiểm, nhưng những thuyền nhân châu Á vẫn tiếp tục đổ vào Úc, hầu hết vì lý do kinh tế. Ngay hôm 9-6, trong khi đang tích cực tìm cứu chiếc tàu bị chìm ở ngoài khơi đảo Christmas Island, nhà chức trách Úc cho biết có 3 con tàu khác chở 275 người đã tới Úc.

Trong khi đó, theo báo The Age (10-6-2013), một số người ở Úc đã yêu cầu mở cuộc điều tra về sự phản ứng quá chậm chạp của lực lượng biên phòng Úc khiến con tàu chở thuyền nhân bị chìm trước khi được tiếp cứu.

Thuyền nhân là một vấn đề chính trị nhạy cảm mà giới bình luận quốc tế cho rằng sẽ nóng lên trong cuộc bầu cử ở Úc vào tháng 9-2013. Phe đối lập bảo thủ đã hứa khi thắng cử sẽ áp dụng những biện pháp cứng rắn mới, bao gồm cả việc kéo các con tàu buôn lậu người ra khỏi lãnh hải Úc.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Úc Bob Carr cho biết điều này sẽ vấp phải sự phản đối của nước láng giềng Indonesia, nơi xuất phát chủ yếu của các con tàu buôn lậu người vào Úc. Đại sứ Indonesia ở Úc Nadjib Riphat Kesoema bác bỏ bất cứ sự hợp tác nào với chính phủ Úc để đưa các thuyền nhân trở lại Indonesia. Nhưng phía Úc nói rằng họ không cần một sự thỏa thuận chính thức nào với nước láng giềng vì đơn giản là họ trả các con tàu Indonesia về các cảng của Indonesia.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 11-6-2013)

+ PHOTO: Tàu hải quân Úc và một tàu buôn lậu người từ Indonesia tới đảo Christmas Island hồi tháng 3-2013.