Hụt uống trà ăn mì gói với Công chúa Anh
Nếu như không có chữ nếu thì sáng nay tôi đã có cuộc hẹn hò uống trà cùng công chúa Hoàng gia Anh trên vỉa hè bên ngoài Điện Buckingham rồi. Đi Mỹ uống cà phê, còn qua Anh thì uống trà. Anh là một trong những nước có lượng trà tiêu thụ bình quân đầu người cao nhất thế giới, tới 1,9kg/năm. Như trong bất cứ chuyến đi nước ngoài nào, tôi cũng thủ sẵn mấy gói mì ăn liền Việt Nam nên cũng tính mời Hoàng gia Anh thưởng thức (quanh năm suốt tháng họ ăn sơn hào hải vị, nay thử món “mần đá” chắc sẽ thấy lạ và ngon). Ngặt một nỗi là tôi đang phải chia động từ tiếng Anh với cái mệnh đề IF trêu ngươi.
Nguyên ngày hôm qua (19-6-2013), tôi và anh Nguyễn Văn Vinh (báo Doanh nhân Saigon Cuối tuần) hai tay bạn già phải ở trong tư thế ứng trực valy sẵn sàng. Hễ có visa từ tòa đại sứ Anh ở Bangkok chuyển về là hai anh em co giò phóng ra sân bay Tân Sơn Nhất vù sang Doha (Qatar) rồi bay băng qua Trung Đông tới London. Theo lịch, 7 giờ sáng (giờ London), mấy anh em tôi có thể hít không khí sương mù đặc sản London. Tới 7 giờ tối sẽ dự buổi Unpacked (ra mắt) các sản phẩm công nghệ thông tin mới thuộc thương hiệu mới Samsung ATIV (tên gọi dành cho các dòng sản phẩm Samsung chạy hệ điều hành Windows 8).
Cho tới cuối giờ làm việc chiều qua mà visa vẫn nghìn trùng xa cách thì coi như game over rồi. Tội nghiệp nàng Hương Mai, phụ trách PR của Samsung Vina, và nàng Trang, phụ trách ngành sản phẩm IT của Savina, đã huy động hết mọi cách để tăng tốc xử lý visa cho tới tận giờ chót. Nhưng cho dù sử dụng thiết bị mạnh nhất hiện nay của Samsung, sóng từ tổng hành dinh Samsung bên Korea hay từ Samsung Vina ở Saigon cũng chẳng thể phủ sóng được tới tòa đại sứ Anh tận Bangkok. Ừ nhỉ, sao ta không nhờ vả Samsung Thailand hén, dù gì họ cũng là thổ địa!
Hỗng biết anh Vinh sao chớ tôi đã quăng dép xin keo rồi và có linh cảm sẽ bị “lỡ hẹn cùng Hoàng gia Anh chuyến này”. Hôm ở tòa đại sứ Anh tại Hà Nội, tôi nhìn thấy biển thông báo cho biết thời gian xử lý visa ít nhất là 17 ngày làm việc. Trong khi đó, anh Vinh phỏng vấn ngày 7-6, còn tôi do đi Mỹ về muộn nên tới 10-6 mới phỏng vấn. Thôi thì tự an ủi mình rằng để coi mặt mũi cái visa Anh nó ra làm sao!
Từ 2 năm nay, việc cấp visa đi Anh cho công dân Việt Nam đã được chuyển từ tòa đại sứ Anh ở Hà Nội sang tập trung ở tòa đại sứ Anh ở Bangkok (có lời giải thích là để tiết kiệm chi phí). Bộ phận tiếp nhận đơn xin visa ở Hà Nội chỉ làm nhiệm vụ sàng lọc ban đầu, nhận toàn bộ hồ sơ và thu lệ phí (mỗi người hơn 2,6 triệu đồng) rồi chuyển hết sang Bangkok giải quyết. Sau khi được duyệt và dán visa xong, passport của người xin mới được chuyển trở lại Hà Nội.
Bạn Hương Mai nói rằng tại các vị Samsung ở Hàn Quốc cứ đinh ninh việc xin visa ở Việt Nam rất dễ dàng và nhanh chóng như các nước trong khu vực. Xin nói rõ là cái khó khăn, gian nan trong việc xin visa là do phía các đại sứ quán nước ngoài thôi. Nhưng nếu như quy trình cấp visa diễn ra ngay ở Việt Nam thì Samsung Vina có thể tác động được.
Khi đi tới những nước và lãnh thổ mà công dân Việt Nam cần có visa mới vô được (như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Taiwan, Hong Kong,…), tôi thường được các bạn ở nước khác hỏi coi việc xin visa ở Việt Nam có khó không. Tôi chỉ biết trả lời: hên xui!
Tôi từng trải nghiệm một lần gieo neo về visa rồi. Hồi cuối tháng 9-2005, tôi và một số anh em đồng nghiệp ở Việt Nam được hãng Epson (Nhật Bản) mời dự một chuyến Media Tour giới thiệu sản phẩm mới ở Hong Kong. Hồi đó xin visa đi Hong Kong cực kỳ gian nan, phải làm cả bộ hồ sơ cá nhân và chứng minh khả năng tài chính (tới mức Công ty Đồng Nam – nhà phân phối sản phẩm Epson ở Việt Nam phải cho tụi tôi mượn tiền mở tài khoản tiết kiệm 6 tháng ở ngân hàng đủ mức quy định cho có giấy chứng nhận), rồi nộp hồ sơ tại Tổng lãnh sự quán China tại TP.HCM. Quy trình xét duyệt bình thường kéo dài 1 tháng, nhưng không có gì bảo đảm sẽ được duyệt. Ngày 28-9 bay rồi, nhưng sáng 27-9 vẫn chưa thấy tin tức gì từ Hong Kong. Các bạn Epson ở Hong Kong tích cực tác động và tới tối báo tin visa đã được duyệt cấp. Sáng 28-9, Đồng Nam cử người tới TLS quán China hỏi, họ nói là chưa nhận được bản fax từ Hong Kong. Anh Nguyễn Trung Hưng, Giám đốc Đồng Nam, thông báo cho các nhà báo Việt Nam chuẩn bị hành lý sẵn sàng, hễ có thông báo là lập tức ra tập trung ở sân bay để nhận hộ chiếu và bay luôn. Anh Yunyong của Epson Thailand phụ trách thị trường Việt Nam từ Hong Kong liên tục hối thúc, nói anh Hưng phải bằng mọi cách – kể cả thuê máy bay riêng – chở đoàn nhà báo Việt Nam qua. Mãi tới xế chiều, anh Hưng la làng chói lọi: “Đã có visa”. Vậy là mọi người phóng ra sân bay.
Chưa hết lận đận đâu. Do khi xin visa Hong Kong chỉ là dạng “single” (một lần), nên các nhà báo Việt Nam đành “trơ mỏ”, không thể tham gia chương trình tham quan Macau. Dù năn nỉ hết nước miếng, nhà chức trách Hong Kong vẫn khăng khăng rằng nếu mấy ông đi Macau thì cứ từ đó mà về thẳng Việt Nam, không trở lại Hong Kong được đâu. Anh Hưng có quốc tịch Mỹ thì không hề gì, nhưng anh đâu thể bỏ đoàn ở lại. Vậy là trong khi tất cả đồng nghiệp các nước khác vi vu sang Macau, đoàn Việt Nam ở lại Hong Kong. Báo hại ban tổ chức phải tốn kém gầy một độ mới cho riêng đoàn nhà báo Việt Nam là đi chơi Hong Kong Disneyland.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon – lẽ ra đang ở London, 20-6-2013)
Từ trái qua: Anh Yunyong, anh Nguyễn Trung Hưng, PHP, bạn Tú Uyên và một bạn nhà báo ở Hà Nội tại sự kiện của EPSON ở Hong Kong 2005.
Giữa đường phố Hong Kong thang 9-2005.
Tại Hong Kong Disneyland 9-2005.