Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

“Sát thủ thuốc lá” ở Ấn Độ

130620-india-anti-smoking-01 

Bình quân mỗi ngày có khoảng 2.500 người Ấn Độ chết vì các chứng bệnh có liên quan tới thuốc lá. Theo các chuyên gia của Tổ chức Xóa sổ Thuốc lá Quốc gia (NOTE), số nạn nhân thương vong vì khói thuốc lá cao như vậy một phần là do việc tán dương hành động hút thuốc và các chiến dịch quảng cáo ngày càng tinh vi của các hãng thuốc lá.

Mới đây đã xảy ra một tình trạng dở khóc dở cười vì thuốc lá. Khi được tặng giải thưởng Dũng cảm Quốc gia Godfrey Philips hồi tháng 5-2013, chị Usha Vishwakarma, nhà sáng lập Red Brigade (Binh đoàn Đỏ) – một tổ chức chống nạn quấy rối tình dục của thành phố Lucknow không hề biết rằng mình bị lợi dụng vào một trò quảng bá của ngành công nghiệp thuốc lá Ấn Độ. Chị nói mình đã cảm thấy rất tự hào cho tổ chức của mình khi nhận giải thưởng kèm tấm chi phiếu gần 1.000 USD từ một diễn viên điện ảnh Bollywood nổi tiếng và một bộ trưởng hàng đầu. Còn bây giờ thì chị đang được bạn bè thúc giục trả lại giải thưởng đó. Vishwakarma tâm sự: “Tôi không hề biết Godfrey Philips là một hãng thuốc lá. Nếu biết, tôi đã không nhận giải rồi.”

130620-india-anti-smoking-02

Chuyện rắc rối này xảy ra khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà vận động chống hút thuốc tìm cách thu hút sự quan tâm của công chúng đối với sự nguy hại của các quảng cáo, khuyến mãi và bảo trợ đến từ các hãng thuốc lá. Các nhà chuyên môn nói rằng các hãng thuốc lá đang tìm cách lợi dụng hình ảnh của các tổ chức và nhân vật có uy tín trong xã hội để làm sạch hình ảnh của mình. Họ nhấn mạnh rằng các sản phẩm thuốc lá vẫn là nhấn tố nguy hiểm chính cho các loại bệnh không lây nhiễm vốn gây ra tới 2 phần 3 số cái chết có liên quan tới sức khỏe.

Godfrey Philips India Ltd. là hãng sản xuất thuốc lá hiệu Marlboro ở Ấn Độ, Đây là công ty thuốc lá lớn thứ hai ở đất nước đông dân thứ nhì thế giới này. Từ năm 1990 tới 2003, hãng dùng thương hiệu thuốc lá Red & White đặt cho giải thưởng dũng cảm hàng năm. Từ năm 2004, trước sự phản ứng của công chúng, nhất là đối với việc quảng cáo thuốc lá, hãng đổi tên giải thành giải thưởng Dũng cảm Quốc gia Godfrey Philips.

Trong một báo cáo hồi năm 2004, WHO đã vạch rõ ý đồ của các nhà sản xuất thuốc là trong việc lợi dụng các biểu tượng, điển hình xã hội trong các chiến dịch quảng cáo của mình. Năm trước đó, Hiệp định Khung về Kiếm soát thuốc lá (FCTC) của WHO đã ra đời, là một hiệp ước về sức khỏe toàn cầu đầu tiên, kêu gọi các nước cấm quảng cáo và bảo trợ của các hãng thuốc lá, kể cả các hình thức quảng cáo gián tiếp. Ấn Đô là một trong 175 nước tới nay đã phê chuẩn hiệp ước này. Năm 2010, một tòa án ở bang Karnataka đã chiếu theo FCTC để ngăn chặn cơ quan Tobacco Board của nhà nước bảo trợ một hội nghị của các nhà sản xuất thuốc lá toàn cầu tại thành phố Bangalore.

Trong khi đó, tại hội nghị thượng đỉnh Rio+ 20 hồi năm ngoái, việc Liên hiệp quốc trao giải thưởng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cho Công ty Thuốc lá Ấn Độ (ITC) đã gây phản ứng từ các nhà hoạt động chống hút thuốc.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 20-6-2013)

 130620-india-anti-smoking-01 

Các học sinh Ấn Độ bên cạnh một tác phẩm điêu khắc cát chống thuốc lá trên bãi biển ở Puri (bang Orissa) hồi cuối tháng 5-2013. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.).