Tản mạn chuyện giày
Thiệt tình tôi chớ hề hiểu được vì sao cùng một size, một kiểu mà kích thước thực tế mỗi lúc một khác nhau. Đó là chuyện đôi giày Vina Giày mà tôi mới mua.
Xưa nay chân tôi đi giày số 39. Bữa nay, tôi tới cửa hàng của VNG mua giày cùng một kiểu đang đi, nhưng phải mua tới size 40 mới đi vừa. Hỗng lẽ cái chân tôi càng ngày càng phì nhiêu ra? Thường thì theo quy luật tự nhiên, cái gì xài nhiều, cái gì để lâu thì càng bị hao mòn đi chớ. Hơn nữa, mấy đôi giày số 39 hiện có (của những hãng khác nhau) vẫn vừa vặn với cái “bàn chân Việt” của tôi kia mà.
Tất nhiên, giày da làm thủ công nên mỗi chiếc có thể xê xích chút đỉnh về kích thước thật. Chỉ có điều, ở đây tôi đã thử một loạt đôi và cả với những kiểu khác nhau, chúng đều như vậy.
Đành rằng giống như quần áo, size giày của châu Á khác với châu Âu, châu Mỹ. Nhưng trước nay tôi chỉ đi giày Việt với size Việt.
Thiệt là khó hiểu! Tôi đành tự an ủi mình rằng: có lẽ các size (ít nhất là của VNG) giờ đã thay đổi thông số. Giàng ơi, ngay cả Hiến pháp Hoa Kỳ mà vẫn còn có thể thay đổi, bổ sung bằng những Tu chính án (amendment) kia mà, sá chi cái size giày!
Đành rằng chân xấu còn thua cả Hoa hậu Tổ dân phố, nhưng nó vẫn là bàn chưn cha sinh mẹ đẻ của tôi. Nhưng xin chỉ nhìn chiếc giày mới, chớ nhìn cái gì khác.
Tôi xin kể bâng quơ 2 mẩu chuyện, bâng quơ thôi, nếu lỡ có na ná ai thì cũng chỉ là sự trùng hợp ngoài ý muốn.
1. Trước tình cảnh vật giá leo thang, nhưng lại không thể tăng giá bán (do sức mua và sự cạnh tranh), quán bánh xèo bèn chọn giải pháp: đổ những chiếc bánh xèo nhỏ hơn, mỏng hơn một chút. Chất giữ nguyên, chỉ lượng thì có thay đổi.
2. Tại một tiệm bán giày, cô bán hàng nói với ông khách than giày đi hơi bị chật rằng: “Giày ở đây làm bằng da xịn, đi một thời gian nó sẽ giãn ra là vừa.” Lát sau, với một ông khách khác càm ràm giày hơi bị rộng, cô nàng ấy trấn an: “Giày ở đây làm bằng da xịn, đi một thời gian nó sẽ co lại là vừa.”
Bây giờ thì lòi ra cái đuôi mượn cớ để tám chuyện giày dép đây.
Có bạn thắc mắc, tôi đi nước ngoài hà rầm, sao cứ trung thành với giày Việt Nam? Đơn giản, “bàn chân Việt, đi giày Việt” thôi mà. Có một lần trên chuyến bay từ Singapore về Saigon, tôi ngồi cạnh một kỹ sư dầu khí người Anh làm cho hãng dầu BP chi nhánh ở Việt Nam. Ngồi tám một chặp, anh giơ chân lên khoe: “Giày Việt Nam à nghen. Very good!” Thiệt ra, nếu tôi nói mình là người Việt nên ủng hộ hàng Việt (cho dù lắm khi phải nhắm mắt nhắm mũi mà support) thì rõ ràng là tôi nổ như pháo Bình Đà thôi. Cái chính là tôi xưa nay không quá quan tâm tới chuyện ăn mặc, giày dép. Miễn mình cảm thấy ưng ý, thoải mái là được rồi. Có những người bạn tôi phải mang giày từ 1.000 USD trở lên mới tự tin. Tôi thì xưa nay chỉ mang giày từ 1 triệu đồng trở lại. Quan điểm của tôi thiệt là đơn giản: không cách biệt giữa đám đông, không tốn tiền vô bổ, chẳng ai thèm canh me đánh cắp mà có lỡ bị mất cũng chẳng đứt ruột, giày mau hư mòn để mình có cớ chính đáng mà mua đôi mới,…
Tôi rất khoái các mẫu mã của giày cột dây – hình như chỉ ở loại giày cột dây thì các nhà thiết kế mới mặc sức tung hoành, có nhiều mẫu mã nhất. Nhưng tôi chỉ mua toàn giày thuộc loại có quai dán, bởi lẽ tiện lợi, có thể điều chỉnh rộng hẹp mà khỏi mất công cột dây giày. Tôi cũng chưa khoái loại xỏ chân – không dây, không quai dán, có lẽ tại nó trông trụi lụi làm sao đó mà lại không thể điều chỉnh được rộng hẹp.
Tôi cũng không còn mua những mẫu giày có đính nhãn hiệu (mark) bằng kim loại. Tuy đẹp thiệt, nhưng nó có bất tiện: dễ bị sút mất và khi đi qua cổng kiểm tra an ninh ở sân bay dễ bị ré báo động có kim loại. Một lần nọ ngồi trong một quán cà phê bên Hồ Gươm ở Hà Nội, tôi giao giày cho một cậu bé đánh giày làm nhiệm vụ, lát sau tình cờ nhìn lại thấy rớt đâu mất cái mark kim loại trên một chiếc giày. Đang định gỡ bỏ luôn cái mark trên chiếc giày kia cho nó “đồng bộ”, nhác thấy một cậu bé đánh giày khác đứng xớ rớ gần đó, tôi bèn gọi lại hỏi có biết chỗ nào mua giùm cái mark giày. Cậu bé ngó đôi giày của tôi rồi gật đầu, chạy đi, chừng 10 phút sau quay lại với cái mark y chang trên tay. Sau khi thỏa thuận giá cả, cậu bé cúi xuống úm ba la và đôi giày của tôi lại có 2 cái mark như cũ. Thôi thì, miễn là còn kiếm được là mừng rồi!
Một anh bạn của tôi làm ở VTV là dân Hà Nội hẳn hòi, trong một lần đi uống cà phê ngoài quán đã phải đau khổ và mắc cỡ mang đôi dép sứt sẹo (của người đánh giày đưa mang tạm) mà đi về nhà vì đôi giày đã ra đi cùng với gã đánh giày có tật “đánh (cắp) giày”.
Đôi giày giúp bạn coi rất chỉn chu, nghiêm túc, thậm chí phong độ, đẹp trai nữa kìa. Nhưng đi giày cũng vướng víu và khổ lắm, nhất là ở cái xứ nắng nóng. Chắc chắn các bạn đi giày cả ngày đều có được cái cảm giác thiệt là sướng khi buổi tối về nhà, cởi đôi giày ra, giải thoát đôi chân khỏi vòng kềm kẹp, tù túng.
Có mấy bạn nhìn hình rồi thắc mắc: sao tôi sang Mỹ mà thường thấy bỏ áo ngoài quần lại chỉ mang dép có quai hậu? Thiệt tình, cái số tôi trời sanh nó vậy rồi, có mặc hoàng bào cũng hỗng thể sang lên được đâu. Nhỏ tới lớn tôi chớ hề khoái đi giày, chỉ khi nào thiệt cần thiết thôi, còn thì hễ có điều kiện là cứ để cho đôi chân nó thong dong (mà bàn chân trắng ngần có nhiều nút ruồi son thì sao lại giấu nó đi chớ). Lần đầu qua Mỹ, tôi luôn áo quần đóng thùng, giày tươm tất mỗi khi ra khỏi nhà, khỏi khách sạn. Sau này thì biết dân Mỹ sống thong dong, tự do ra sao rồi, chỉ khi nào đi làm việc – mà làm việc ở nơi nghiêm túc – tôi mới đóng lệ bộ chỉn chu. Còn thì Mỹ sao, tôi vậy, thoải mái quá chừng chừng!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 23-6-2013)