Bạo lực thách thức lương tri ở Pakistan
Trong những ngày cuối tuần qua, đất nước Nam Á Pakistan bị nhấn chìm trong bạo lực đẫm máu và ngày càng leo thang do các lực lượng Hồi giáo cực đoan gây ra. Trước nay, tình hình bất ổn hay làn sóng bạo lực ở đất nước Nam Á có tới 97% số dân theo Hồi giáo này luôn khiến cộng đồng thế giới phải lên cơn sốt, vì ngoài vị thế địa chính trị quan trọng ở khu vực, nước này còn sở hữu tên lửa hạt nhân.
Chiếc xe buýt chở các nữ sinh viên Pakistan bị đánh bom ngày 15-6-2013 khiến 14 người chết.
Sự táo tợn của phiến quân Hồi giáo ở Pakistan một lần nữa làm bàng hoàng thế giới với vụ một chiếc xe buýt chở các sinh viên của một trường đại học nữ ở Quetta, thủ phủ của tỉnh Baluchistan (miền tây nam) bị trúng bom hôm thứ Bảy 15-6-2013 khiến 14 người bị chết và ít nhất 19 người bị thương. Sau đó một kẻ đánh bom liều chết đã kích hoạt một vụ nổ bom khác ngay trong hành lang phòng cấp cứu của bệnh viện Bolan mà các nạn nhân được đưa vào, giữa lúc thân nhân và bạn bè của các nạn nhân tụ tập. Trong số 3 người chết tại chỗ có 1 quan chức cao cấp của chính quyền đang tới thăm các nạn nhân. Có thêm 3 nạn nhân gồm 1 bác sĩ và 2 y tá bị thương nặng cũng đã tử vong trong đêm.
Hành lang phòng cấp cứu bệnh viện Bolan ngày 16-6-2013 sau khi bị đánh bom liều chết.
Một nhóm tay súng cũng đã tấn công chiếm một số khu vực của bệnh viện Bolan. Trước nay, phiến quân Hồi giáo vẫn thường truy sát các nạn nhân bị thương và những người tiếp cứu như vậy. Quân đội và cảnh sát biệt động với sự yểm trợ của trực thăng sau đó đã tấn công kết thúc 5 giờ cố thủ trong bệnh viện của các tay súng, giải thoát các con tin. Có 6 phiến quân bị tiêu diệt và 1 tên bị bắt. Hai tên phiến quân đã tự kích hoạt mình nổ tung mình khi lực lượng an ninh tới gần. Có 4 lính biên phòng đã bị chết trong cuộc tấn công này.
Binh lính Pakistan đang tấn công vào bệnh viện Bolan để tiêu diệt nhóm khủng bố.
Khu vực Baluchistan là nơi hoạt động của phong trào dân tộc chủ nghĩa Baluch, các nhóm dân quân giáo phái và phiến quân Taliban. Nhóm Lashkar-e-Jhangvi của những phần tử Sunni cực đoan đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công đẫm máu ngày 15-6. Nhóm này cho biết một phụ nữ đánh bom liều chết đã tấn công chiếc xe buýt vì nó chở những sinh viên thuộc phái Shiite. Cũng chính nhóm này trong thời gian qua đã gây ra hàng loạt vụ tấn công vào cộng đồng Shiite, trong đó có vụ đánh bom hồi tháng1-2013 tại Quetta giết chết 86 người.
Chỉ vài giờ trước đó, một nhóm phiến quân đi xe gắn máy đã ném bom thiêu hủy một ngôi nhà lịch sử có từ thế kỷ 19 ở Ziarat, cách thành phố Quetta khoảng 120km. Đây từng là nơi ở của Muhammad Ali Jinnah, nhà lãnh tụ vĩ đại đã lãnh đạo Pakistan giành độc lập. Có tới 3 quả bom đã phát nổ. Nhà chức trách còn tìm thấy 6 quả bom khác chưa nổ.
Trong ngày Chú nhật 16-6, hai tay súng đã bắn chết 2 nhân viên y tế khi họ đang đi chích ngừa bại liệt cho trẻ em tại làng Kandar ở tây bắc Pakistan. Một số lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Pakistan trước nay vẫn chống lại chiến dịch tiêm chủng ngừa bệnh do Tổ chức Y tế Thế giới WHO tài trợ vì cho rằng các nhân viên y tế đi tới mọi nơi hẻo lánh để làm gián điệp cho Mỹ. Chúng dẫn chứng vụ một bác sĩ Pakistan làm việc cho CIA để thu thập các mẫu máu của gia đình trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden bị tình nghi đang lẫn trốn ở Pakistan để xét nghiệm và phát hiện ra “kẻ thù số 1 của nước Mỹ” này. Tình báo Mỹ cũng dùng chiêu sử dụng nhân viên tiêm chủng để tiếp cận với nơi tình nghi Bin Laden đang ẩn náu. Kết quả là hồi tháng 5-2011, biệt kích Mỹ đã bất ngờ tập kích tiêu diệt được tên trùm khủng bố ngay tại nơi hắn trú ẩn nhiều năm nay nằm ngay giữa khu sỉ quan quân đội nghỉ hưu ở tỉnh Abbottabad của Pakistan.
Trong một năm qua, gần 20 nhân viên y tế tham gia chương trình chủng ngừa đã bị giết chết. Hiện nay, Pakistan, Afghanistan và Nigeria là 3 nước duy nhất còn lại trên hành tinh vẫn còn bệnh bại liệt. Những nỗ lực mở rộng diện tiêm chủng bại liệt rõ ràng đã cứu được nhiều trẻ em Pakistan. Năm 2012, nước này chỉ ghi nhận có 58 trường hợp bị sốt bại liệt (giảm mạnh so với 198 trường hợp trong năm trước). Nhưng tình hình đang xấu đi. Hồi cuối tháng 3-2013, WHO cho biết có khoảng 240.000 trẻ em ở Pakistan bị lỡ mất cơ hội được chủng ngừa bại liệt bởi tình hình an ninh quá xấu ở các khu vực bộ tộc giáp biên giới Afghanistan. Từ tháng 7-2012, các nhân viên y tế đã không thể tiêm chủng cho trẻ em ở các vùng Bắc và Nam Waziristan – hang ổ của phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban.
Các phần tử khủng bố ở Pakistan ngày càng trở nên thách thức hơn. Hôm 18-6, một kẻ đánh bom liều chết đã tự cho nổ tung mình giữa đám đông 700-800 người dự một đám tang ở làng Sher Garh gần thành phố Mardan thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa (tây bắc Pakistan). Vụ đánh bom này làm 29 người chết và ít nhất 57 người bị thương. Trong số những người chết có nghị viên hội đồng tỉnh Imran Khan Mohmand mới đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử đầy bạo lực ngày 11-5 vừa qua. Nhà chức trách nói rằng có lẽ ông này là mục tiêu của vụ khủng bố này. Trước đó, cũng trong tháng 6-2013, một nghị viên tỉnh khác đã bị bắn chết. Cả hai đều là các ứng cử viên độc lập sau đó gia nhập đảng của Imran Khan, một ngôi sao bóng crikê trở thành nhà chính trị.
Nisar Khan, một nhân chứng trong vụ đánh bom đám ma, đã phẫn uất thét lên với những kẻ đứng đằng sau vụ khủng bố đẫm máu này: “Mấy người có phải là người Hồi giáo không? Mấy người là loài vật hả? Mấy người là ác thú hả?”
Quân đội Pakistan vẫn đang tiếp tục chiến đấu để cố gắng đánh trốc gốc các phiến quân Taliban Pakistan và các nhóm phiến quân khác có sào huyệt ở vùng bộ tộc biên giới phía bắc. Các phiến quân Hồi giáo này đã thề sẽ lật đổ chính phủ thế tục, thành lập chế độ Hồi giáo khắc nghiệt. Chúng đã thực hiện vô số những vụ đánh bom và xả súng bừa bãi, hầu hết ở miền tây bắc. Trong những năm qua có hàng vạn dân thường và nhân viên an ninh bị giết chết trong làn sóng bạo lực khủng bố Hồi giáo này.
Trong khi đó, Thủ tướng Nawaz Sharif vẫn tiếp tục ủng hộ giải pháp đàm phán với lực lượng Taliban Pakistan để chấm dứt tình trạng bạo lực đẫm máu này.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 21-6-2013)