Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

25 triệu người đã bị virus HIV giết chết

 

Các thầy thuốc có thể cứu được thêm 3 triệu mạng sống trên thế giới vào năm 2025 nếu như họ có thể phân phát thuốc điều trị bệnh AIDS cho người bệnh ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus HIV. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30-6-2013 đã nhấn mạnh điều đó.

Có 25 triệu người đã bị chết vì căn bệnh thế kỷ AIDS trong vòng 30 năm qua, kể từ khi virus HIV được phát hiện lần đầu tiên ở Mỹ năm 1981. Theo số liệu mới nhất của WHO, cả thế giới hiện có hơn 34 triệu người đang nhiễm virus HIV/AIDS. Với các nỗ lực phòng chống không ngừng nghỉ và ngày càng có hiệu quả của toàn cầu, tốc độ lây nhiễm HIV đang giảm xuống, nhưng số người nhiễm mới vẫn còn ngày thêm nhiều hơn. Cơ quan AIDS của Liên hiệp quốc UNAIDS cho biết số người chết vì AIDS đã giảm xuống còn 1,7 triệu người trong năm 2011, so với cao điểm 2,3 triệu người hồi năm 2005 và 1,8 triệu người trong năm 2010.

hiv-aids-art-in-africa-01

Thuốc kháng ARV đang cứu được nhiều người nhiễm HIV/AIDS ở châu Phi.

Thế giới vẫn đang tiếp tục song song hai biện pháp phòng chống HIV/AIDS: tăng cường tuyên truyền giáo dục mọi người có ý thức phòng lây nhiễm HIV và điều trị tích cực cho những người đang nhiễm virus HIV. Các kết quả thực tế đã chứng minh được liệu pháp dùng thuốc kháng virus ARV đã giúp kéo dài cuộc sống cho nhiều người nhiễm HIV/AIDS. (ART – antiretroviral therapy là liệu pháp chống virus sao chép ngược sử dụng các loại thuốc kháng virus sao chép ngược ARV có tính năng làm chậm tiến trình phát triển của virus.)

Tuy nhiên, chương trình sử dụng ARV đang gặp nhiều khó khăn và bị hạn chế, chủ yếu là ngân sách. Tuyệt đại đa số người nhiễm HIV/AIDS sống ở các nước đang phát triển và các nước nghèo. Khu vực châu Phi Hạ Sahara nghèo nhất thế giới cũng là nơi bị HIV hoành hành trầm trọng nhất. Vào cuối năm 2012 đã có 9,7 triệu người được sử dụng thuốc ARV (tăng nhiều so với chỉ 300.000 người cách đây một thập niên). Rwanda ở châu Phi là một nước làm rất tốt việc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, trong tổng số 170.900 người nhiễm HIV/AIDS có tới 116.000 người đang đưộc nhận thuốc ARV.

WHO đang tích cực vận động quỹ và đưa ra những hướng dẫn mới cho cuộc chiến cứu những người đang nhiễm HIV/AIDS. Gottfried Hirnschall, Giám đốc cơ quan AIDS của WHO, ngày 30-6 cho biết: Với nỗ lực mới của WHO, khoảng 26 triệu người (chiếm 80% tổng số người nhiễm HIV/AIDS) sẽ được tiếp cận với liệu pháp điều trị ARV.

Hướng dẫn mới của WHO bao gồm việc đặt một tiêu chuẩn toàn cầu về thời điểm mà người nhiễm virus HIV cần phải bắt đầu được sử dụng thuốc kháng ART. Nó được dựa trên vô số các kết quả nghiên cứu xác định sau khi phát hiện nhiễm HIV, người ta càng được điều trị sớm chừng nào càng có thêm nhiều khả năng kéo dài cuộc sống hơn. Các loại thuốc kháng ARV giúp làm chậm quá trình nhân lên của virus HIV, giúp giữ số lượng virus trong máu ở mức thấp, vừa kéo dài thời gian phát bệnh AIDS, vừa giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Các nhà sản xuất thuốc kháng ARV lớn ở phương Tây là Gilead Sciences, Johnson & Johnson và ViiV Healthcare cung cấp thuốc ART cho các nước giàu. Còn các hãng sản xuất thuốc tương tự (generics) với giá rẻ từ Ấn Độ hiện đang là nguồn cung cấp chính các loại thuốc kháng ARV cho châu Phi và nhiều nước nghèo khác.

Bà Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO, tự tin: “Với gần 10 triệu người hiện nay đã được tiếp cận với liệu pháp kháng ARV, chúng ta có thể nhìn thấy triển vọng một ngày nào đó thế giới sẽ đánh bại được căn bệnh AIDS – điều mà cách đây chỉ vài năm không ai có thể nghĩ tới.”

Tuy nhiên, tiền vẫn luôn là điều kiện đầu tiên. Hiện nay thế giới đang cần 22 – 24 tỷ USD một năm cho cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS. Người đứng đầu cơ quan AIDS của WHO nói rằng cần phải có thêm 10% số ngân sách đó để có thể triển khai hướng dẫn mới của WHO hầu cứu thêm được nhiều triệu mạng người.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 2-7-2013)

honduras-hiv-004

Một cuộc gặp với những phụ nữ nhiễm HIV/AIDS ở Honduras.

aids-africa-2008-map

Bản đồ tỷ lệ người dân nhiễm HIV/AIDS ở châu Phi năm 2008.