Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Cơn địa chấn trong lực lượng Hồi giáo của thế giới Arập

2013-egypt-troops

 

Sự kiện Tổng thống Mohammed Morsi của phong trào Huynh đệ Hồi giáo (MB) ở Ai Cập vừa bị quân đội nước này tiếp tay cho sức mạnh quần chúng chống đối độc tài phế truất đã gây chấn động tất cả các lực lượng Hồi giáo ở Trung Đông và Bắc Phi. Đó như một lời cảnh tỉnh và cảnh báo họ phải xem xét lại mình để có thể giữ được thành quả giành được trong cuộc cách mạng dân chủ Mùa Xuân Arập.

Làn sóng cách mạng Mùa Xuân Arập khởi đầu từ Tunisia hồi tháng 12-2010 đã nhanh chóng càn quét qua hàng loạt nước Arập Hồi giáo chống lại các thế lực độc tài gia đình trị cầm quyền nhiều thập niên; lật đổ các nhà lãnh đạo ở Tunisia, Ai Cập, Libya, và Yemen; làm chao đảo Bahrain và Syria; gây chấn động ở Algeria, Iraq, Jordan, Kuwait, Morocco, và Sudan; làm xao động Mauritania, Oman, Saudi Arabia, Djibouti, và Tây Sahara. Từ đó, các đảng phái chính trị của lực lượng Hồi giáo có thêm thanh thế.

Nhưng bài học Ai Cập – hay còn được gọi là “cuộc cách mạng dân chủ lần thứ hai” – cho các lực lượng chính trị Hồi giáo ở thế giới Arập hiểu rằng sự cực đoan, bảo thủ, cứng rắn và độc tài giờ đây không còn đất sống nữa. Họ phải thu phục nhân tâm, giữ được lòng dân ủng hộ mình bằng những phương cách hợp thời hơn.

Ngay cả ở Ai Cập, phong trào Huynh đệ Hồi giáo vốn là một thế lực mạnh, ra đời từ năm 1928, và hiện chiếm đa số tại Quốc hội cũng không thể bảo vệ được tổng thống của mình. Không bao lâu sau khi giành được chính quyền, Tổng thống Morsi và đảng MB đã bị phe đối lập tố cáo vội vã thâu tóm quyền hành, ngày càng độc tài và áp đặt chế độ Hồi giáo ở đất nước này. Rõ ràng, đa số người dân Ai Cập không muốn bị cai trị bởi từ nhà độc tài này chuyển sang nhà độc tài khác.

Sự thất bại ở Ai Cập đã làm ảnh hưởng tới các chi nhánh Huynh đệ Hồi giáo ở Tunisia và Syria. Các lực lượng thế tục mà họ đang cạnh tranh giờ đây có thêm sức mạnh. Ngay trong đêm 3-7 mà quân đội Ai Cập làm đảo chính lật đổ Tổng thống Hồi giáo Morsi, người dân thủ đô Tunisia đã ăn mừng và kêu gọi giải tán quốc hội do phe Hồi giáo nắm ưu thế được bầu hồi tháng 10-2011. Đảng Hồi giáo Ennaha chiếm 40% ghế quốc hội đang cầm quyền thông qua liên minh với 2 đảng thế tục cánh tả. Thủ lĩnh Rachid Ghannouchi của đảng này sau khi nhanh chóng lên án “cuộc đảo chính trắng trợn” ở Ai Cập đã vội vã thanh minh rằng đảng của ông không đi theo cách làm của Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập. “Chúng tôi đi theo chiến lược dựa trên sự đồng lòng, đặc biệt giữa người Hồi giáo và các phong trào tiên tiến, giúp cứu đất nước khỏi bị chia rẽ.”

Nhưng phe đối lập đang tố cáo đảng Ennahda cầm quyền đã thực hiện nhiều điều tương tự như những thất bại vừa quật ngã đảng Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập.

Trong cuộc xung đột ở Syria hiện nay, các lực lượng Hồi giáo đang chống lại chế độ của Tổng thống Bashar Assad. Phong trào Huynh đệ Hồi giáo ở đây luôn đóng vai trò lớn trong những nỗ lực thành lập một chính phủ lưu vong của Syria. Sự kiện Ai Cập rõ ràng sẽ ảnh hưởng bất lợi tới lực lượng Hồi giáo ở Syria. Trong một cuộc họp mới đây tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), ứng cử viên của Huynh đệ Hồi giáo cho vị trí lãnh đạo mới của tố chức chính trị của phe đối lập đã bị thua trong một khoảng cách hẹp.

Zuhair Salem, người phát ngôn của Huynh độ Hồi giáo Syria, đã cảnh báo rằng việc một nhà lãnh đạo Hồi giáo được bầu một cách dân chủ cuối cùng lại bị quần chúng lật đổ đã gửi một thông điệp tiêu cực sâu sắc tới tất cả các lực lượng Hồi giáo khác trong khắp khu vực này.

Theo giới bình luận quóc tế, có lẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi sự kiện Ai Cập là phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas đang nắm quyền cai quản Dải Gaza ở Palestine. Phong trào này đã mất đi đồng minh khu vực quan trọng nhất của mình.

Nhà phân tích Salman Shaikh, Giám đốc Trung tâm Brookings Doha, nhấn mạnh: sự kiện Ai Cập cho các lực lượng Hồi giáo trong khu vực nhiều bài học về thế giới quan và cách hành xử khi họ lên cầm quyền.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 9-7-2013)

PHOTO: Quân đội Ai Cập đang phải đối đầu với bất ổn mới khi những người Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị phế truất Morsi xuống đường đòi khôi phục lại quyền hành cho ông này. (Nguồn: Internet. Thanks.)