Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Video tư liệu gây sốc về tsunami ở Nhật Bản năm 2011

110311-japan-tsunami

 

Đây là một video do người dân ghi lại trận sóng thần tsunami kèm sóng thần ở Nhật Bản năm 2011 vừa được công bố trên YouTube.

Thảm họa kép xảy ra lúc 14g46ph (giờ Nhật Bản) ngày thứ Sáu 11-3-2011 với trận động đất mạnh tới 8,9 độ Richter trên phay đứt gãy (fault) dài 500km ở duyên hải đông bắc Nhật Bản. Tâm động đất dưới đáy biển sâu khoảng 30km (19 mile) ở ngoài khơi Thái Bình Dương cách thành phố Sandi (tỉnh Miyagi) khoảng 130km. Đây là trận động đất mạnh nhất trong lịch sử Nhật Bản và mạnh nhất thứ 5 trên thế giới kể từ khi bắt đầu ghi nhận dữ liệu động đất vào năm 1900 tới nay. Trận động đất đã làm dịch chuyển đảo Honshu (đảo chính của Nhật Bản) 2,4 mét (8ft) về hướng đông tiến gần với Bắc Mỹ hơn và làm lệch trục Trái đất khoảng 10cm (4 inch) tới 16cm (6,5 inch).

Trận động đất gây ra sóng thần cực mạnh, lao đi với tốc độ tương đương một máy bay phản lực (khoảng 700km/g) cao tới 40,5 mét (133ft) tại Miyako (tỉnh Iwate) và đi sâu vào trong nội địa tới 10km (6 mile) tại thành phố Sandi.

Báo cáo của Cục Cảnh sát Nhật Bản ngày 12-9-2012 ghi nhận thảm họa thiên tai kép này đã làm 15.883 người chết, 6.145 người bị thương và 2.667 người mất tích ở 20 quận. Có 254.204 ngôi nhà bị sụp đổ và 691.766 ngôi nhà khác bị hư hại. Khoảng 4,4 triệu gia đình ở vùng đông bắc Nhật Bản bị mất điện và 1,5 triệu gia đình không có nước máy.

Nhưng để lại hậu quả lâu dài và nguy khốc nhất là 3 lò phản ứng hạt nhân của tổ hợp nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã bị động đất và sóng thần phá hại, gây rò rỉ phóng xạ. Nhà máy này nằm cách thủ đô Tokyo 150 mile (241km) về hướng đông bắc. Tai nạn cháy nổ làm tan chảy các thanh nhiên liệu hạt nhân. Khoảng 134.000 cư dân sống trong vòng bán kính 20km (12 mile) chung quanh nhà máy Fukushima Daiichi và hàng vạn cư dân sống trong vòng bán kính 10km (6,2 mile) quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daini đã phải sơ tán. Có khoảng 80.000 cư dân ở vùng bị nhiễm phóng xạ này đã phải đi lánh nạn trên khắp cả nước. Đây là tai nạn nhà máy điện hạt nhân tệ hại nhất thế giới trong vòng 25 năm qua kể từ sau vụ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Ukraina) năm 1986. Phải mất nhiều thập niên họa may môi trường mới có thể được phục hồi ở mức con người có thể sinh sống. Nhưng có một số nơi bị nhiễm xạ nặng tới mức thành vùng đất chết vĩnh viễn. Theo dữ liệu của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao và Khoa học – Kỹ thuật Nhật Bản, một số nơi quanh nhà máy Fukushima Daiichi sẽ tồn đọng mức độ phóng xạ hàng năm tới hơn 500 millisievert. Trong khi đó, Ủy ban Quốc tế Phòng chống Nhiễm xạ (ICRP) đã đưa ra mức độ phóng xạ an toàn là không hơn 1 millisievert/năm cho người bình thường và không hơn 20 millisievert/năm cho công nhân làm việc trong các nhà máy điện hạt nhân.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan nói rằng: “Trong 65 năm sau khi chấm dứt chiến tranh thế giới thứ 2, đây là cuộc khủng hoảng khốc liệt nhất và khó khăn nhất đối với Nhật Bản.” Ước tính ngành bảo hiểm phải trả từ 14,5 tới 34,6 tỷ USD, đó là chỉ cho những thiệt hại do động đất gây ra. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính thiệt hại kinh tế của trận thiên tai kép này lên tới 235 tỷ USD, đây là thiên tai đắt giá nhất trong lịch sử thế giới.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 15-8-2013)

Cảnh sóng thần tại thành phố Kamaishi.