Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Intel APAC Big Data and Cloud Summit 2013: Một sự kiện công nghệ lớn của Intel ở Saigon

130820-intel-bigdata-cloud-summit-hcm-015-2000

 

Hôm nay (20-8-2013) tại TP.HCM có một sự kiện lớn trong làng công nghệ cả khu vực. Hội nghị thượng đỉnh về Big data và Cloud khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Intel APAC Big Data and Cloud Summit 2013) của Intel diễn ra trong 2 ngày 20 và 21-8 tại khách sạn InterContinental Asiana Saigon quy tụ đông đảo đối tác, chuyên gia, khách hàng của Intel và giới truyền thông các nước trong khu vực APAC. Việt Nam có 4 nhà báo tham dự (Toàn bên Điện tử Tiêu dùng, Bình ở e-CHÍP, Quân của Thế giới Vi tính và tôi).

Đây là một cuộc họp thường niên của Intel chuyên về các trung tâm dữ liệu (data center) và điện toán đám mây (cloud computing). Hai món này là nền tảng (chứ không còn đơn thuần là công nghệ) cốt lõi của thời đại – kỷ nguyên Internet khi mà mọi thứ đều nối mạng và đều lên mạng (online).

Data center có từ lâu rồi, bây giờ thì nó cặp kè với cloud như môi trường hoạt động và đầu ra của mình. Trước kia các data center chỉ đơn thuần là nơi tập trung và lưu trữ data, phục vụ cho các đối tượng nội bộ hay diện hẹp. Còn bây giờ, nó phục vụ cho mọi đối tượng mang tính toàn cầu và mọi hoạt động trên nền Internet.

Ai cũng biết rằng xu thế thời đại là mọi thứ online. Người ta không chỉ lưu trữ các data của mình trên mạng mà còn làm việc và sinh hoạt, giải trí trên mạng. Các data center vừa lưu trữ data, vừa xử lý chúng phục vụ cho các nhu cầu của người dùng nối mạng.

130820-intel-bigdata-cloud-summit-hcm-002-2000

Quanta, một nhà cung cấp phần cứng cho data center lớn của thế giới.

Ngoài ra, trước nhu cầu thực tế của cuộc sống, các data center bây giờ có quy mô cực lớn để có thể xử lý các data khối lượng lớn (big data). Thí dụ như data center có thể phục vụ cho công việc dự báo thời tiết, phòng ngừa thiên tai với các khối lượng data cực lớn tích tụ từ bao nhiêu thập niên trước và hiện thời.

Rõ ràng bây giờ là thời của “big data” do sự phát triển vượt bực của công nghệ và nhu cầu ngày càng cao của con người. Ngày xưa một tấm ảnh chỉ có dung lượng vài chục hay vài trăm KB, còn bây giờ là 3-4 MB tới hàng chục MB. Một bộ phim hồi đó chỉ vài chục hay vài trăm MB chiếu trên màn hình có độ phân giải vài trăm pixel, nay bự tới trên dưới cả chục GB và chiếu trên màn hình tới 4K pixel.

Các data center thế hệ mới không chỉ có dung lượng cực lớn mà còn có khả năng tính toán cực mạnh để có thể xử lý và phân tích mọi việc theo thời gian thực (real-time). Trong khi đó, chúng lại phải đáp ứng các chuẩn mực của thời đại như ít choán chỗ, ít hao điện, chạy êm và mát, quản lý thân thiện cuối cùng quan trọng nhất là chi phí phải chăng. Giới công nghệ gọi chung đó là “tính hiệu năng” (efficiency). Nói nôm na là ngon, nhiều, dễ ăn. bổ mà phải rẻ.

Theo Intel, hiện nay số thiết bị được kết nối đã tương đương với số dân toàn cầu và dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2015. Sự gia tăng tốc độ cực nhanh này chủ yếu là bởi có hàng tỷ cảm biến và hệ thống thông minh được nối mạng, mà người ta gọi bằng thuật ngữ “tất cả đều Internet” (Internet of Things , IoT).

Với khối lượng người và thiết bị nối mạng khổng lồ như vậy, khối lượng data được tạo ra và cần xử lý cũng thiệt là kinh khủng. Intel ước tính rằng cứ trong mỗi 11 giây, thế giới đang tạo ra 1 petabyte data (1PB bằng 1.000TB), tức tương đương dung lượng của một bộ phim HD dài… 13 năm. Vậy là thuật ngữ “big data” ra đời để mô tả sự bùng nổ data này. Big data ở đây bao hàm dung lượng, tính da dạng và tốc độ sản sinh.

Các data center hoạt động dựa trên 3 yếu tố: hệ thống mạng (networking), khu lưu trữ (storage) và máy chủ (server). Quy mô của nó tỷ lệ thuận với quy mô của 3 yếu tố này theo kiểu nước lên, thuyền phải lên theo nếu không muốn bị chìm!

Intel khẳng định mình có thể cung cấp giải pháp trọn gói cho big data center với toàn bộ 3 yếu tố cốt lõi đó. Với thế mạnh phần cứng “bẩm sinh” của mình, Intel đã liên kết với các đối tác để phát triển các phần mềm ứng dụng cũng như các thành phần cấu thành cho hoạt động của các data center. Khi tiếp nhận một data center do Intel cung cấp, khách hàng đã có thể sẵn sàng đưa nó vào sử dụng cho các nhu cầu của mình. Khách hàng chỉ việc chạy trên đó các ứng dụng chuyên biệt của mình và mở cổng cho mọi người kết nối để cùng IoT.

130820-intel-bigdata-cloud-summit-hcm-031-2000

Từ trái: ông Mai Sean Cang, Tổng giám đốc Intel VN; PHP; cô Hồ Thị Vui, nhân viên PR của Intel VN: và bạn Đông Quân của tạp chí Thế giới Vi tính.

Ông Mai Sean Cang, Tổng giám đốc Intel Việt Nam, chia sẻ trong cuộc phỏng vấn của nhóm nhà báo Việt Nam rằng: Với đặc thù của Việt Nam, Intel còn phải phối hợp và hỗ trợ các đối tác để làm sao khai thác tối đa khả năng của các data center, đặc biệt là đại chúng hóa chúng. Chỉ khi nào mọi người dùng bình thường đều có thể kết nối và sử dụng các dịch vụ, tiện ích do các data center cung cấp thì ý nghĩa xã hội của các data center và cloud mới thể hiện được.

Ngay buổi chiều 20-8, ông Cang đã bay ra Đà Nẵng để sáng mai dự lễ khánh thành dự án Data center xanh (Green Data center) phục vụ cho tham vọng của Đà Nẵng trở thành một “thành phố thông minh hơn” (smarter city) ở Việt Nam.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 20-8-2013)