Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Khai trương bánh trung thu sớm

130823-phphuoc-banhtrungthu-01-2000

 

Bữa nay ngày lành tháng tốt, qua rằm tháng 7 không còn sợ bị nhầm lẫn với “các huynh đệ cô hồn”, lại trúng ngày Tân Dậu – ngày của con gà chọi cầm tinh của mình – có lộc ăn, tôi bèn khai trương mùa bánh trung thu 2013. Ăn sớm như vầy mới ngon, chớ đợi tới ngày “cúng kị” đại trà thì mất ngon.

Trên tay tôi là hộp bánh mang thương hiệu “Trung thu Trăng vàng” có ghi là “bánh trung thu thượng hạng”. Của hãng nào thì tôi chẳng dại gì quảng cáo không công!

130823-phphuoc-banhtrungthu-02-2000

Tất nhiên đầu tiên là tôi cúng mẹ tôi một chiếc bánh trung thu. Sinh thời, bà chỉ thích ăn bánh dẻo nhưn đậu xanh, mỗi mùa trung thu về, tôi thường mua cho bà ăn trước.

130823-phphuoc-banhtrungthu-10-2000

Vốn có tâm chay tịnh (ai hỗng tin thì cứ suy diễn hén), tôi gạt qua một bên mấy chiếc bánh nhưn sò điệp, jambon thịt hun khói, vi cá,… để chỉ thỉnh một cái bánh nhưn đậu xanh hạnh nhân. Ngon dở ư? Thôi xin châm chước cho vì tùy khẩu vị của từng người. Chỉ biết ăn xong một góc tư bánh, làm cho thông cổ bằng một ly nước trà nóng để rồi sau khi chợp mắt ban trưa dậy thấy nó vẫn còn nằm trong cổ họng. Vậy là có vấn đề rồi đây. Bộ máy tiêu hóa của tôi xưa nay cực kỳ nhạy cảm. Nó lập tức phản ứng nhanh với bất cứ món gì không an lành bằng 2 giai đoạn. Đầu tiên bộ máy tiêu hóa đưa cái vật ngoại lai không đạt chuẩn nhập cảnh đó lên cổ họng nằm đó; nếu tôi không dùng “thủ thuật” cho nó “tái xuất” thì bộ máy tiêu hóa chuyển sang giai đoạn hai “trầm trọng và khó chịu” hơn là tống khứ nó ra bằng cái ngõ rất ư là “nhạy cảm”. Lại tốn tiền mua mấy gói Smecta đây!

130823-phphuoc-banhtrungthu-07-2000

Còn nhớ hồi mới 3-4 tuổi, tôi sống tại vùng quê Càng Long, Vĩnh Bình (nay là Trà Vinh), chớ hề biết mặt mũi cái bánh trung thu tròn méo ra sao. Tết trung thu thì cũng nhập bọn hàng xóm rước đèn bằng chiếc lồng đèn giấy loại xếp, sau đó phá cỗ bằng mấy thứ bánh kẹo đơn sơ và trái cây hái trong vườn. Sau trung thu vài tháng, tôi mới được nếm mùi bánh trung thu bằng loại bánh được nhồi lại từ các bánh trung thu ế rồi xắt ra thành từng miếng như bánh in mà mấy người bán quà rong đạp xe đi bán trong xóm.

Sau 1975, phải tới thời mở cửa vào giữa thập niên 1980 rồi thì mới rộ bánh trung thu trở lại. Vào dịp này, cái hẽm nhỏ cụt mà tôi ở gần rạp Lệ Thanh (Chợ Lớn) hừng hực nóng với những chiếc thùng phi được cải biến thành lò nướng bánh trung thu thủ công của mấy nhà người Hoa trong xóm.  

Bây giờ trong chiếc bánh trung thu được đóng bao rút chân không kín mít nào cũng có một gói nhỏ bột hút oxy (oxygen absorber) với dòng ghi chú “không được ăn” để giúp chống ẩm, tăng thời gian bảo quản cho bánh. Còn nhớ một năm nọ, khi người ta mới bày ra cái vụ này, tôi mang một hộp bánh trung thu về quê tặng người quen. Mấy bữa sau, con anh bạn gọi điện lên mét, nói rằng vừa ngăn chặn kịp một “hậu quả khó lường”. Số là anh bạn kia thấy cô giáo con mình lại nhà chơi bèn xí xọn khui bánh trung thu ra mời khách. Thấy gói bột hút oxy kèm trong bao bánh, anh ta tưởng là bột gia vị nên cắt ra rắc vô bánh. Hên mà cô giáo phát hiện nên mới đỡ được! Ai biểu thấy cô giáo của con mà cứ tươm tướp mần chi!

Tháng 9-2010 khi lần đầu tiên sang Mỹ, thấy gần Trung thu, tôi bèn mang theo một hộp bánh trung thu hảo hạng để mừng sinh nhật sớm ông thầy cực kỳ yêu kính của mình sau 40 năm mới tìm được nhau. Tại sân bay San Francisco (SFO), nhân viên hải quan bắt mở valy ra cho họ kiểm tra. Thấy hộp bánh trung thu, họ hỏi có trứng hay thịt gì không? Lẽ ra trước đó nếu có mấy thứ này thì phải khai vào tờ khai, nhưng tôi quên mất cái vụ bánh trung thu. Liếc trên mấy cái label bánh nhưn đậu xanh trứng thấy chỉ đề tiếng Việt và tiếng Hoa, tôi làm mặt tỉnh nói không có, nhưn đậu không hè. Xui xẻo sao một anh chàng nhân viên hải quan gốc Hoa trờ tới, cầm chiếc bánh lên rồi đưa cho tôi kèm con dao kêu tôi khui chiếc bánh và xẻ ra coi. Chạy Trời chỗ nào nữa đây hả Giàng? Tôi bèn phân bua, tại tưởng cấm thịt và trứng sống hay luộc, kho chớ cái này là trứng làm nhưn bánh thôi mà. Anh hải quan kêu tôi đưa hộ chiếu và nói rằng lần đầu nên không phạt đó nghen và biểu tôi xách nguyên hộp bánh trung thu đem quẳng vô thùng rác gần đó. Nghe nói là bị phạt trong vụ này thì mất mấy trăm tờ xanh đó nghen. Tuy tôi không bị phạt, nhưng hải quan đã quét hộ chiếu rồi, nghĩa là mặt đã dính lọ nghẹ. Trở về Việt Nam, sẵn hộ chiếu sắp đầy, tôi bèn đổi hộ chiếu mới (mỗi lần đổi có số hộ chiếu khác). Vậy là được xá tội vong nhân rồi!

Hồi nẳm xa rồi, bánh trung thu thiệt sự là một loại bánh làm cho mùa trăng tròn đẹp nhất trong năm. Vào đêm rằm tháng tám, những người lớn trong gia đình hay bạn bè quây quần lại vừa thưởng thức bánh trung thu với trà sen nóng, vừa ngắm chị Hằng, vừa kể chuyện Đường Minh Hoàng, chuyện chú Cuội. Giàng ơi, cái vị ngọt bùi béo của bánh trung thu quyện với hương vị trà ướp sen, ướp lài tạo ra cái dư vị thiệt đậm đà khó quên.

Còn bây giờ, bánh trung thu được sản xuất chủ yếu không phải cho người ta thưởng thức mùa trung thu nữa mà trở thành một món quà lễ nghĩa biếu sir này, tặng madam kia. Vì thế, họ đua nhau nghĩ ra những món nhưn độc nhứt vô nhị, thiết kế những bao bì cầu kỳ và hào nhoáng có chi phí đắt gấp nhiều lần chiếc bánh bên trong. Vậy là, Trung thu là mùa khiến cho những ai có chức vị chất chồng thêm tội lãng phí “ngọc thực”, và làm cho những người chịu ơn nghĩa ai đó phải mất ngủ nhiều đêm.

Tôi chợt nghĩ tào lao: hay là mình mở một dịch vụ bánh trung thu quà tặng? Nơi đây sẽ cung cấp những chiếc bánh trung thu giả giống y như thiệt – thậm chí còn ngon đẹp hơn thiệt với những bao bì sang trọng để người có nhu cầu mua biếu ai đó. Người nhận quà sau đó có thể đem những chiếc hộp bánh trung thu này tới dịch vụ của tôi để đổi thành tiền. Xong mùa trung thu, dịch vụ cất giữ các hộp bánh trung thu quà biếu này để năm sau mang ra xài tiếp. Không hẩu xực, mà hẩu lớ! Chẳng good food, nhưng good idea!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 23-8-2013)