Giữa Saigon gặp lại những món ăn dân dã vùng Đồng Tháp Mười quê tôi
Bữa tối thứ Tư 28-8-2013 lợi dụng ăn ké ngày sinh nhựt của tôi, mấy ông anh bà chị đồng môn Trung học Kiến Tường lặn lội 140km đường từ thị xã Kiến Tường (Long An) lên Saigon chiêu đãi thầy trò tụi tôi một bữa đặc sản quê nhà. Xin nói rõ ngay kẻo sinh chuyện, tôi bị đẻ rớt đúng ngày 28 của một tháng nào đó trong năm, không phải tháng 8. Nhưng vốn là người cực kỳ nghiêm túc và luôn giữ tập quán tiền nhân, do thấy người ta gọi là sinh nhựt, nên tháng nào cũng tới ngày 28 là tôi lại kiếm chuyện mừng ngày sinh của mình (sinh nhựt chớ có phải là sinh nguyệt đâu mà).
Kiến Tường (mới được nâng cấp lên thị xã từ thị trấn Mộc Hóa trước đây) vào tháng này đang trong mùa nước nổi. Hai trong số những đặc sản của mùa này là cá linh và cá rô con (còn gọi là cá rô bí hay cá rô non hoặc cá rô tam tích, nhỏ bằng đầu ngón tay). Các anh chị cộ lên cá linh, cá rô đồng, cá rô non, chả cá thác lác,… cùng những món rau vùng quê, trong đó có bông súng và bông điên điển.
Cá rô non thì có hai cách chế biến cơ bản là chiên giòn hay kho lạt.
Còn cá linh thì mới đa dạng hóa cách chế biến hơn. Đây là loại cá trắng có vảy nhỏ cỡ ngón ta. Hàng năm cứ vào mùa nước là cá linh từ nguồn bên Campuchia theo sông Vàm Cỏ Tây đổ về. Bây giờ vì hàng tỷ lý do nên số lượng cá linh không nhiều, chứ trước năm 1975, người dân xứ Đồng Tháp Mười chết ngợp vì các binh đoàn cá linh. Có những lần tôi đi tắc-ráng từ Mộc Hóa lên Tuyên Bình (nay là Vĩnh Hưng, Tân Hưng), hễ nhìn thấy một màu trắng lấp lóa trên đoạn sông phía trước thì đó chính là cá linh đang đổ về đặc kịt và trắng cả sông. Người ta chỉ cần dùng vợt múc xuống sông là bắt được nặng trĩu cá linh. Hồi đó cá linh không cân bằng ký mà xúc bằng thùng đong lúa (tính bằng giạ). Người ta chủ yếu mua cá linh về làm nước mắm. Tôi còn nhớ vào những đêm trăng gió nhẹ sóng êm giữa mùa nước, mấy ông anh hàng xóm đặt chiếc bếp dầu lên chiếc xuồng ba lá lớn, chèo ra ven sông, dùng vợt vớt cá linh dưới nước lên còn nhảy xoi xói rồi thả vô chảo dầu ăn (hồi đó là dầu live hay mỡ cừu) sôi sùng sục, chiên gìòn mà đưa cay bằng rượu đế Bắc Chan. Có khi hứng chí, mà thường thì rượu vô khó lòng kềm hãm được cái hứng thú, họ lôi cây đàn guitar phím lõm ra từng tưng mấy câu vọng cổ vang xa theo sóng nước.
Cái này gọi là “bắt cá hai tay”. Tay cá linh chiên bột, tay cá rô đồng chiên giòn.
Bữa nay, các chị ở Kiến Tường trổ tài nấu lủ khủ món, toàn những món đặc sản Đồng Tháp ngon tới mức dân nhậu đang ăn lỡ thấy tía của “người dưng khác họ” đi ngang qua cũng đành “ngoảnh mặt làm ngơ”.
Cá rô đồng cỡ 2 ngón tay chiên giòn chấm nước mắm me. Cá rô non kho lạt quấn bánh tráng với rau sống. Cá linh lăn bột chiên. Cá linh nấu canh chua bông súng và bông điên điển. Chả cá thác lác chiên. Rau sống thì ngoài mấy món trồng ở Kiến Tường, có khế xanh và chuối chát, còn có thêm những thứ rau rừng (rau tập tàng) thường thấy ở mấy quán bánh tráng Trảng Bàng (Tây Ninh). Còn cái món trái cóc gọt vỏ, bỏ hột, xắt miếng nhỏ dầm với nước muối đường thêm những trái ớt hiểm đỏ chót, hễ cắn một miếng là trong miệng ngợp đầy các vị chua, ngọt, mặn, cay trộn với mớ… dịch vị tại chỗ.
Ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Ăn ngon nhớ người nấu nướng. Trước mỗi bữa ăn, người theo đạo Thiên chúa (Công giáo, Tin lành, Anh giáo, Chính thống giáo,…) có tập tục dâng lời cảm ơn Thiên chúa đã ban cho mình lương thực và xin Ngài nhớ trả công cho những người đã làm nên lương thực và bữa ăn này nuôi sống con cái của Ngài. Bởi vậy, tôi xin quỳ gối, khom lưng, cúi đầu mà cám ơn các ông anh bà chị Kiến Tường về bữa “cá linh nhớ nhau” này. Cái việc làm gì tốt đẹp thì nên phát huy để thành tập quán rồi nâng lên thành truyền thống. Hãy nghĩ tới bữa sinh nhựt của thằng em này trong tháng 9 sắp tới các anh chị hén…
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 1-9-2013)
(Ảnh: Nguyễn Văn Dũng – THKT. Thanks.).
Cá linh. (Ảnh: Phạm Văn Định – THKT. Thanks)
Cá rô non. (Ảnh: Internet. Thanks)