Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

TRỞ LẠI SAN FRANCISCO: Chào San Francisco, tôi trở lại nè…

130909-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-002_resize

 

Vậy là tôi đã trở lại San Francisco.

Rời sân bay Narita Tokyo (Nhật Bản) lúc 16g chiều 9-9-2013, tôi cỡi con chim sắt Boeing 747-400 chuyến bay UA 0838 của hãng hàng không Mỹ United Airlines code share với hãng Nhật ANA vượt Thái Bình Dương qua bờ Tây Hoa Kỳ. Sau 8 giờ 47 phút bay, tôi thả hai cẳng xuống sân bay quốc tế San Francisco (bang California) lúc 8g47 sáng 9-9-2013.

Tôi vốn rất sợ đi máy bay của United vì tiếp viên thì già mà phục vụ ăn uống không bằng một góc các hãng châu Á (như Asiana Airlines – Korea, China Airlines – Tawan, EVA – Taiwan, ANA – Japan,…) Đã vậy, anh chàng nhân viên check-in của ANA ở Tân Sơn Nhất lại chọn lộn chỗ ngồi. Rút kinh nghiệm máu xương, mỗi khi bay xa, tôi chọn chỗ ngồi cạnh lối đi (aisle seat) cho nó thoải mái, chủ động và đỡ chồn chưn. Anh chàng chọn cho tôi ghế E và khẳng định đó là ghế cạnh lối đi. Dè đâu, trên máy bay B747-400 của United, ghế D mới là cạnh lối đi, báo hại tôi bị một ông cụ người Mỹ gốc Nhật trấn ngay cửa mà trong khoảng 10 giờ bay khó lòng mà không có 1-2 lần phải đi “thư giãn karaoke môt mình”. Khi ngồi ngoài, tôi luôn ý thức sẵn sàng đứng lên nhường đường cho những người bên trong đi ra, đi vào. Còn ngồi trong, tôi lại rất ngại làm phiền người khác – nhất là khi họ đang ngủ mà mình thì cứ trằn trọc, day qua trở lại với cái nỗi niềm “chất chứa” chỉ hăm he òa vỡ!

Về khoản ăn uống, dạo này United có cải thiện hơn lần đầu tôi bay với hãng này năm 2010. Ngoài bữa snack nhẹ sau khi cất cánh 50 phút, bữa tối (theo giờ Mỹ) lúc 1g34 sáng (giờ San Francisco) và bữa sáng lúc 7g36 sáng – hơn 1 tiếng trước khi hạ cánh. Tôi chọn món cơm gà cà ri và salad cho bữa chính buổi tối và món trứng gà tráng omelet kèm xúc xích cho bữa sáng. Ông cụ ngồi bên bữa nào cũng gọi 2 chai rượu vang Pháp (loại chai nhỏ) để uống, trong khi tôi chỉ dám xài nước cam. Trong bữa snack, trong khi tôi uống coca, ông làm một lon bia.

Cũng nên fair-play mà nhìn nhận rằng: các tiếp viên hàng không Mỹ tuy lớn tuổi, không minhon, nhưng họ là những người dày dạn kinh nghiệm và phục vụ cực tốt, chu đáo miễn là hành khách lên tiếng yêu cầu họ. Người Mỹ không có cái tính xởi lởi, xăn xái, thậm chí tài lanh, làm sẵn cho người khác như dân châu Á đâu.

Kể từ cuối tháng 4-2013, khách nước ngoài tới Mỹ không phải khai báo tờ khai xuất nhập cảnh (gọi là I-94 form) nữa. Nhân viên Cục Hải quan và Biên phòng (Customs and Border Protection, CBP) sẽ đóng dấu thời hạn được phép lưu trú ở Mỹ lên thẳng passport của khách. Hồi giữa tháng 5-2013, khi qua Mỹ, tôi đã được hưởng cái lạc thú tiện nghi thời công nghệ cao này mà chớ hề biết, cứ tưởng mình quên khai tờ I-94, báo hại về Việt Nam phải làm thủ tục rắc rối mà trình báo cho CBP ở Mỹ là mình đã ra khỏi lãnh thổ nước Mỹ. Từ nay, khách và công dân Mỹ, thường trú nhân Mỹ bình đẳng như nhau, chỉ phải khai tờ khai báo hải quan (Customs Declaration form). Ông nhân viên CBP người Mỹ gốc Hoa (họ Chang) sau khi hỏi tôi sẽ ở lại bao lâu và được thiệt thà khai báo chừng 3 tuần, đã đóng dấu cho tôi ở lại 6 tháng tới 8-3-2014 mới phải go home.

Có lẽ ngó cái mặt tôi không có dáng của một “bố già” hay “đại ca” nên nhân viên hải quan chẳng cần khám xét hành lý. Chỉ có lần đầu tiên sang Mỹ lỡ mang thao hộp bánh trung thu có trứng gà mà tôi bị xét te tua. (Mỹ cấm mang trứng, thịt,.. vào nước này).

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(San Francisco 9-9-2013)

130909-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-034_resize

 

Bữa snack trên máy bay United Airlines từ Narita Tokyo sang San Francisco.

130909-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-036_resize

Bữa tối (bữa chính) trên máy bay United Airlines từ Narita Tokyo sang San Francisco.

130909-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-038_resize

Bữa sáng trên máy bay United Airlines từ Narita Tokyo sang San Francisco.

130909-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-039_resize

 

Tới Mỹ nhưng chưa được vào Mỹ, phải chờ làm thủ tục nhập cảnh. Có visa rồi vẫn chưa sure 100% sẽ được vào Mỹ. Visa do Bộ Ngoại giao cấp, trong khi quyền cho phép ai vào Mỹ là của Bộ An ninh Nội địa. Nhân viên CBP ở cửa khẩu sân bay sẽ quyết định số phận khách nước ngoài. Vậy thì hãy ráng làm cho họ thương vì thấy mình dễ thương, không có ý đồ làm tổn hại Mỹ.

130909-phphuoc-sanfrancisco-idf-intel-004_resize

Bây giờ mới thiệt sự được Welcome to San Francisco. Đây là cửa từ khu kiểm tra hải quan ra bên ngoài sân bay SFO. Tới đây là khách đã pass được hai lớp cửa nhập cảnh và hải quan.