Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

12 năm sau vụ tấn công 11-9, người Mỹ mất tự do hơn

fort-meade

 

Cuộc tấn công của khủng bố quốc tế ngay trên lãnh thổ Mỹ ngày 11-9-2001 với 4 chiếc máy bay hàng không bị không tặc chiếm làm bom sống đã giết chết 2.996 người và làm bị thương hơn 6.000 người. Bên cạnh những tổn thất về người và tài sản, nó còn gây ra những hậu họa cho tới tận ngày nay, 12 năm sau đó.

Xuyên suốt lịch sử nước Mỹ, sự cân bằng giữa an ninh và tự do bập bênh tùy theo tình hình cụ thể của từng lúc. Trong thời Chiến tranh thế giới thứ hai, nhà chức trách Mỹ đã giam lỏng hơn 100.000 người Mỹ gốc Nhật Bản trong các trại ở miền tây. Hành động này sau đó đã bị coi như một sự phản ứng quá đáng thật xấu hổ cho Mỹ.

Sau khi xảy ra vụ 11-9, nhất là trong bối cảnh bọn khủng bố quốc tế ngày càng lộng hành và lan rộng, người Mỹ hốt hoảng và muốn chính quyền bảo vệ họ tốt hơn. Hàng loạt tiết lộ mới đây cho thấy nhà chức trách Mỹ đã công khai hay bí mật thực hiện hàng loại chương trình, biện pháp giám sát các công dân Mỹ và một số nước. Và người Mỹ đã phải trả giá cho sự an toàn của mình bằng việc bị mất tự do hơn.

Các tài liệu mật do cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Edward Snowden đánh cắp và công bố đã khẳng định sự tồn tại của một chương trình bí mật của NSA mà báo US Today năm 2006 từng khui ra. Các băng ghi lén các cuộc điện thoại của hàng chục triệu người Mỹ đã được NSA thu thập để bổ sung vào một cơ sở dữ liệu an ninh khổng lồ.

Một chương trình khác cho phép NSA thu thập thông tin cá nhân của những người dùng các mạng xã hội như Facebook và các dịch vụ thư điện tử Google, Yahoo,…

Mới đây nhất, các quan chức tình báo liên bang đã công bố một số tài liệu trước đây bị coi là bí mật, trong đó đề cập tới việc nhà chức trách đã sử dụng sai mục đích một chương trình theo dõi điện thoại của hàng triệu người Mỹ.

Cộng đồng tình báo Mỹ đã phát triển nhanh hơn bao giờ hết với 16 cơ quan gián điệp gồm 107.035 nhân viên và một “ngân sách đen” trị giá 52,6 tỷ USD hồi năm ngoái.

Trước những quan ngại về việc nhà chức trách lạm dụng các biện pháp giám sát công dân, Giám đốc NSA Keith Alexander biện minh rằng các chương trình này cũng đem lại những lợi ích. Chẳng hạn, chương trình giám sát điện thoại đã cung cấp cho nhà chức trách hơn 2.500 kẻ gọi điện thoại đáng nghi khi đang liên lạc với những đối tượng bí mật, trong đó có một số dính dáng tới các tổ chức khủng bố.

Người Mỹ vốn có văn hóa tôn trọng tự do cá nhân và sự riêng tư. Nhưng bây giờ họ phải hy sinh những “đặc quyền” đó cho sự an toàn của mình và cộng đồng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(San Francisco 11-9-2013)

 * Ảnh: Khu trụ sở của nhiều cơ quan an ninh, giám sát của Mỹ tại căn cứ Fort Meade (bang Maryland). (Nguồn ảnh: Intrnet. Thanks.)