Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Châu Á vẫn tiếp tục hăm hở với điện hạt nhân

Japan Nuclear

 

Trong cuộc họp thường niên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hồi trung tuần tháng 9-2013 tại Vienna (Áo), hai nước đông dân nhất nhì thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ cùng một số nước châu Á khác đã thể hiện rõ khát vọng phát triển điện hạt nhân của mình. Thực tế này bất chấp xu hướng của nhiều nước châu Âu đang giảm dần sự phụ thuộc vào điện hạt nhân và những lời cảnh báo của những nhà nghiên cứu, nhà bảo vệ môi trường về mặt tác hại khủng khiếp của điện hạt nhân khi xảy ra sự cố.

Trung Quốc đã nhấn mạnh tới những dự án xây dựng thêm nguồn điện hạt nhân. Ma Xingrui, Chủ tịch Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc, nói rằng: “Chính quyền Trung Quốc chưa bao giờ dao động trong việc thể hiện quyết tâm ủng hộ phát triển năng lượng hạt nhân.” Hiện nay, nước này có 17 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động. Bắc Kinh đang xây dựng thêm 28 nhà máy khác – số lượng dự án điện hạt nhân của một nước lớn nhất thế giới.

Sau khi xảy ra sự cố tan chảy một số thanh nguyên liệu hạt nhân gây rò rỉ nưóc thải chứa phóng xạ tại tổ hợp nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima (Nhật Bản) năm 2011 do hậu quả của động đất và sóng thần, cả thế giới đã sốt nóng lên với những quan ngại về tính an toàn của các nhà máy điện hạt nhân. Nỗi khiếp sợ trầm trọng tới mức Đức, Thụy Sĩ và Bỉ đã quyết định từ bỏ điện hạt nhân.

IAEA gồm 159 nước thành viên đã cắt bỏ phần tầm nhìn dài hạn của mình về sự tăng trưởng năng lượng hạt nhân suốt 3 năm qua. Một phần vì chịu ảnh hưởng của thảm họa ở Nhật Bản. Nhưng phần chính là do ngành công nghiệp điện hạt nhân vẫn còn có thể tăng gấp đôi công suất của mình vào năm 2030 nhờ làn sóng phát triển những nhà máy điện hạt nhân mới ở châu Á. Agneta Rising, Tổng giám đốc Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA), giải thích: “Điện hạt nhân đang đương đầu với những thách thức, nhưng triển vọng vẫn còn rất mạnh. Việc một vài nước có quan điểm tiêu cực về điện hạt nhân vẫn không đủ sức ảnh hưởng tới sự tăng trưởng dài hạn của nó.”

Hàn Quốc, nước láng giềng của Nhật Bản, cũng tiếp tục các nỗ lực mở rộng chương trình điện hạt nhân của mình. Sank-Mok Lee, trưởng đoàn Hàn Quốc tại hội nghị IAEA, cho biết nước này có kế hoạch xây thêm 11 lò phản ứng mới vào năm 2024, bổ sung vào số 23 nhà máy điện hạt nhân đang có.

Ratan Kumar Sinha, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Hạt nhân Ấn Độ, báo cáo rằng: tiến độ xây dựng 4 lò phản ứng nước nặng mới do Ấn Độ tự thiết kế vẫn đang diễn tiến theo kế hoạch. Mục tiêu của nước này là xây thêm 16 nhà máy điện hạt nhân như vậy. Hiện nay, Ấn Độ có 19 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động.

Pakistan cũng bộc lộ ý định xây dựng thêm nhà máy điện hạt nhân.

Indonesia và Việt Nam vẫn tiếp tục công việc khảo sát các dự án điện hạt nhân của mình.

Ai cũng hiểu những nguy cơ tiềm ẩn của các nhà máy điện hạt nhân nếu như không có được các giải pháp an toàn đáng tin cậy, đặc biệt là khi xảy ra thiên tai. Bên cạnh đó, các nhà máy điện hạt nhân càng nhiều và càng mở rộng thì càng gây thêm những mối đe dọa trước sự lộng hành của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Nhưng thực tế cho tới nay, điện hạt nhân vẫn chứng tỏ là một loại năng lượng đáng tin cậy để thay thế cho điện phát bằng các nguồn nhiên liệu hóa thạch (xăng dầu, than đá, khí đốt…) mà trong quá trình hoạt động gây nhiều tác hại cho môi trường.

Khi số dân ngày càng tăng cao, nhu cầu phát triển kinh tế và nhiều lĩnh vực cuộc sống khác càng gay gắt hơn, nhu cầu về năng lượng càng lớn hơn. Bên cạnh đó còn có những mối lo ngại về tỉnh trạng biến đổi khí hậu toàn cầu càng nghiêm trọng hơn, chi phí cho dầu khí ngày càng nặng nề hơn,… IAEA nhận định rằng: với tình hình đó, nguồn năng lượng hạt nhân vẫn đang đóng một vai trò quan trọng trong năng lượng toàn cầu.

Vấn đề mà cả thế giới cần quan tâm nhất lúc này không phải là nên phát triển điện hạt nhân hay không, mà cần hơn cả vẫn là làm thế nào để sử dụng điện hạt nhân một cách an toàn nhất và hiệu quả nhất. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước nhỏ tham gia chương trình điện hạt nhân, vai trò quản lý của IAEA lại càng quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

 (Washington DC 23-9-2013)

 

 – ẢNH: Bài học nhãn tiền từ thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (Nhật Bản) năm 2011 không bao giờ được phép quên. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)