Mùa hành hương Hajj của thế giới Hồi giáo
Hàng triệu tín đồ Hồi giáo từ khắp thế giới tụ hội về hôm 13-10-2013 đã đổ vào thành phố lều rộng mênh mông dựng tại Mina giữa sa mạc ở Saudi Arabia trước khi bắt đầu cuộc hành hương hàng năm Hajj – vốn được coi như cột trụ thứ năm và trung tâm của đạo Hồi. Họ trải qua một ngày tại điểm cách xa nơi hành lễ ở thánh địa Mecca khoảng 5km để cầu nguyện và thống hối.
Năm nay có hơn 2 triệu người hành hương – giảm khoảng 1 triệu so với năm ngoái. Một số người giải thích là do Đại thánh đường (Grand Mosque) ở Mecca vẫn còn trong quá trình trùng tu phải hạn chế lượng người viếng. Nhưng các nguồn chính thức cho biết sự lo sợ virus dịch bệnh bùng phát trên Bán đảo Arập mới là nguyên nhân chính làm giảm số lượng người tới Mecca hành hương năm nay. Chính quyền Saudi đã giảm 20% số lượng visa được cấp cho mỗi nước. Đặc biệt là giảm mạnh việc cấp visa cho các nhóm người có nhiều nguy cơ lây bệnh như người già, phụ nữ mang thai, những người bệnh mãn tính,… Một dòng virus mới có liên quan tới hội chứng hô hấp cấp SARS đã giết chết hơn 50 người ở vương quốc Arập Hồi giáo này trong năm qua. Trận bùng phát dịch cúm SARS toàn cầu năm 2003 đã giết chết hàng trăm người và gây hoảng sợ khắp thế giới. Tối 12-10, Bộ trưởng Y tế Abdullah al-Rabiah cho biết nhà chức trách vẫn chưa phát hiện trường hợp nhiễm chủng virus cúm mới coronavirus (MERS-CoV) nào trong số những người hành hương. Saudi đã bố trí 8 bệnh viện và lập 24 trung tâm y tế tại các điểm dọc theo đường hành hương. Một số người hành hương năm nay đã phải mang khẩu trang.
Hành hương Hajj ở Mecca là một bắt buộc đối với mỗi người Hồi giáo khỏe mạnh phải thực hiện ít nhất một lần trong đời mình. Nghi thức thanh tẩy 4 ngày này dựa theo các truyền thống tôn giáo do nhà Tiên tri Muhammad đưa ra.
Hồi giáo trong tiếng Anh được viết là “Muslim” hay “Islam”. Nguyên nghĩa của Muslim trong tiếng Arập là “người quy phục Thượng đế”. Mọi giáo lý và cách hành đạo của người Hồi giáo đều dựa trên cuốn kinh Thánh Qur’an (kinh Koran) mà họ tin là những lời Thượng đế (gọi là Đấng Allah) phán truyền thông qua nhà Tiên tri Mohammed (cách viết khác là Muhammad). Cốt lõi của niềm tin Hồi giáo nằm ở Chương 112 của Kinh Qur’an có tên là “Thanh khiết” (purity). Họ coi Abraham, Moses và ngay cả Chúa Jesus của Thiên chúa giáo là những nhà tiên tri được Thượng đế phái đi trước Mohammed (570-632 sau Công nguyên).
Toàn bộ việc hành đạo của người Hồi giáo dựa trên 5 cột trụ (Five Pillars of Islam):
1. Shahadah: tuyên xưng rằng không có thần thánh nào khác ngoài Đấng Allah, và tuyên xưng rằng Mohammed là nhà tiên tri của Thượng đế.
2. Salat: cầu nguyện theo nghi thức 5 lần mỗi ngày.
3. Sawm: ăn chay và giữ chay tịnh trong tháng Ramadan.
4. Zakat: hiến 2,5% tài sản tiết kiệm được cho người nghèo và người cần thiết.
5. Hajj: hành hương tới Thánh địa Mecca ít nhất 1 lần trong đời, nếu như tín đồ có điều kiện.
Sau khi nhà Tiên tri Mohammed qua đời, Hồi giáo bị phân hóa thành 2 phái. Phái Sunni gồm những tín đồ chấp nhận Giáo sĩ Abu Bakr là Đệ nhất Giáo chủ (First Caliph). Còn phái Shi’a (hay Shiite) lại tôn Giáo sĩ Hazrat Ali làm Đệ nhất Giáo chủ (ông này chỉ được phái Sunni xếp hàng thứ 4). Chỉ có vậy mà chẳng hiểu do những động lực nào xui khiến, hai phái này kình chống nhau tới mức coi nhau như kẻ thù bất cộng đáy thiên cho tới ngày nay. Ở Iraq, từ năm 2003 tới nay, hai phái Sunni và Shiite thường xuyên tấn công bạo lực đẫm máu theo kiểu ăn miếng trả miếng với nhau.
Hiện nay trong thế giới Hồi giáo, phái Sunni chiếm đa số với 75-90% số tín đồ Hồi giáo, còn phái Shiite chỉ chiếm 10-20%.
Với khoảng 1,6 tỷ tín đồ (chiếm gần 1 phần 4 tổng số dân toàn cầu), Hồi giáo là tôn giáo lớn thứ 2 trên thế giới (sau Thiên chúa giáo). Đây cũng là một trong những tôn giáo phát triển nhanh nhất trên thế giới. Có lẽ bởi việc được công nhận là một tín đồ Hồi giáo rất dễ dàng, chỉ cần ai đó trước mặt người khác công khai đức tin rằng: “Tôi tin rằng không có thần thánh nào ngoài Thượng đế, và tôi tin rằng Mohammed là đấng Tiên tri của thượng đế.”
Trong mùa Hajj hàng năm, người Hồi giáo viếng ngôi thánh đường mà nhà tiên tri Mohammed được an táng tại thành phố Medina, và bắt đầu hành hương tại Mecca với một bộ các nghi thức tại Kaaba – một kiến trúc hình khối vuông tại Đại thánh dường của Mecca – nơi các tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới mỗi ngày quay mặt về cầu nguyện 5 lần. Những người hành hương đi vòng quanh Kaaba theo ngược chiều kim đồng hồ với trái tim được nghiêng hướng về khối vuông này. Trong suốt cuộc hành hương, mọi người đọc vang câu “Labayk Allahuma Labayk” (Lạy Thượng đế, con ở đây đáp lại lời gọi của Ngài. Con ở đây.)
Những người hành hương mặc loại áo thụng dài bằng vải bông hữu cơ terrycloth màu trắng không có đường nối và đi giày trắng.
Sau một đêm thống hối và chuẩn bị tại thành phố lều ở Mina, ngày thứ Hai 14-10-2013, những người hành hương đi về khu vực Núi Arafat gần ngọn núi gọi là Jabal al-Rahman (núi khoan dung). Người Hồi giáo tin rằng tại Núi Arafat (nằm cách thành phố Mecca khoảng 20km về hướng đông) ngày xưa, Tiên tri Mohammed đã kêu gọi mọi người rũ bỏ những mối hận thù của mình và gạt ra một bên các bất đồng về chủng tộc, kinh tế và bộ tộc. Họ tin rằng đây là nơi cổng thiên đường sẽ mở ra cho những ai biết nghe theo lời kêu gọi.
Mặc dù Hajj là một nghi thức cổ đại nhưng sau này đã có nhiều cải tiến cho thích ứng với thời đại mới. Những người hành hương giờ đây có xu hướng sử dụng máy tính bảng để đọc kinh Koran thay vì phải mang theo sách in. Đại thánh đường cũng đã được mở rộng. Giai đoạn mở rộng đầu tiên có thể đón tới 450.000 người cầu nguyện cùng một lúc.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 15-10-2013)
VIDEO CLIPS: