Siêu bão Hải Yến với sức mạnh của đại bàng
Khu vực Biển Đông những ngày cuối thượng tuần tháng 11-2013 đang dậy sóng ba đào với một trong những trận bão tố mạnh nhất trên thế giới. Trận bão mang cái tên hiền lành và thi vị Haiyan (Hải Yến, tên quốc tế do Trung Quốc đặt), mà Việt Nam gọi là bão số 14, đã được xếp vào hàng siêu bão (supertyphoon) với sức gió khi đổ bộ vào miền trung Philippines hôm 8-11-2013 lên tới 235km/giờ, giật tới 275km/giờ, nghĩa là ở cấp 4 trong bảng phân loại sức mạnh của bão gồm 5 cấp của Mỹ. Khi rời quần đảo Philippines để tiến về hướng Việt Nam ngày 9-11-2013, bão số 14 có sức gió còn 163km/giờ, nhưng sẽ tăng sức mạnh trở lại khi đổ bộ vào đất liền.
Theo dự báo, cơn bão số 14 sẽ đổ bộ vào khu vực từ Đà Nẵng đổ ra phía bắc vào khoảng 10 giờ sáng Chủ nhật 10-11-2013 và thậm chí có khả năng di chuyển tới tận Hà Nội.
Philippines đặt tên cho trận bão này là Yolanda. Trong tiếng Anh, loại bão như thế này được gọi bằng những cái tên như hurricane, cyclone và typhoon, tùy theo nước. Nó mạnh hơn loại bão gọi là storm. Cơ quan thảm họa quốc gia Philippines cho biết có khoảng 4 triệu người bị ảnh hưởng bởi siêu bão Yolanda, trong đó có 800.000 người phải sơ tán tránh bão. 15.000 binh lính đã được quân đội triển khai ở các vùng bị bão tàn phá để tham gia cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là tìm kiếm thi thể các nạn nhân.
Sáng 9-11, ông John Andrews, Phó tổng giám đốc Cơ quan Hàng không Dân sự Philippines (CAAP), cho biết nhân viên của ông tại thành phố Tacloban trên đảo Leyte bị bão nặng nhất gọi điện báo cáo rằng: có hơn 100 xác chết đang nằm trên các đường phố. Có 5 đảo bị bão Yolanda tàn phá.
Hãng tin Anh Reuters vào lúc 9 giờ tối 9-11 dẫn nguồn của Hội Chữ thập đỏ Philippines ước tính có ít nhất 1.200 người bị chết vì bão Yolanda. Bão quật dữ dội gây lở đất làm nhiều người chết. Riêng một mình thành phố Tacloban chỉ có khoảng 220.000 cư dân đã có hơn 1.000 người chết. Bão còn dựng sóng cao như sóng thần, tại hai đảo Leyte và Samar sóng cao 5-6 mét. Ông Efren Nagrama, giám đốc sân bay thành phố Tacloban cho biết nước dâng lên cao, tại sân bay sâu tới 4 mét, và cuốn trôi mọi thứ.
Sáng mai 10-11, khu vực bắc trung bộ của Việt Nam sẽ phải đương đầu với siêu bão số 14 này. Tùy theo diễn biến cụ thể, đường đi của bão có thể thay đổi so với dự báo. Khi bão không trực tiếp quật vào nơi nào, người sống ở đó hay có người thân quen ở đó có thể thở phào nhẹ người cho sự an lành của mình và người thân quen, nhưng lại không thể rung đùi hả hê vì bão đổ bộ vào bất cứ đâu trên dải đất hình chữ S ven Thái Bình Dương này thì những nạn nhân vẫn là đồng bào mình. Không ai có thể tránh được bão tới, nhưng hoàn toàn có thể tránh được tổn hại nặng nề do bão gây ra nếu như được chuẩn bị tốt. Một khi đã phải chấp nhận sinh sống ở những nơi thường bị thiên tai, người ta phải học cách để chung sống với thiên tai. Nguyện cầu bà con ở các vùng sắp hứng chịu thiên tai này được may mắn tối đa có thể được – tai qua nạn khỏi cho các đồng bào của tôi!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 9-11-2013)
PHOTO: Hình ảnh các địa phương ở Philippines sau khi hứng chịu trận bão Yolanda càn quét ngày 8 và 9-11-2013. (Daily Mail, Anh).
VIDEO CLIPS: