Đáng sợ hơn cả vẫn là những cái chết sau… bão!
Quang cảnh thành phố Tacloban trên đảo Leyte, nơi bị trận siêu bão Haiyan đổ bộ vào miền trung Philippines ngày 8-11-2013 tàn phá và hủy diệt nặng nề nhất, giống như trong những bộ phim Hollywood nói về ngày tận thế.
Không thể gọi đây là một “thành phố chết” vì cho dù hoang tàn, đổ nát, chỉ còn bình địa, vẫn còn có những nạn nhân may mắn sống sót hầu hết đang chui rúc trong những túp lều tạm bợ, thường là ghép tạm từ những tấm tôn, mảnh ván nhặt nhạnh được. Nhưng hoàn toàn có thể gọi đây là “thành phố của những người chết”. Chính quyền thành phố 220.000 dân này cho tới nay vẫn giữ con số ước tính người chết ở đây là từ 10.000 tới 15.000 người.
Hôm nay đã sang ngày thứ 5 kể từ sau trận bão có sức gió mạnh nhất trong lịch sử Philippines – quần đảo Thái Bình Dương nằm trên vành đai bão mỗi năm hứng chịu vài ba chục trận bão. Khi đổ bộ vào đây, siêu bão Haiyan có sức gió tới 235 km/giờ và giật tới 275 km/giờ, nghĩa là ở cấp 4 trong thang bão 5 cấp của Mỹ. Với sức quật hung hãn đó, trận bão hầu như chẳng để lại gì trên con đường nó càn quét qua. Gió giật, sóng cao 4-5 mét quật vào bờ, nước dâng cao nhận chìm cả thành phố.
Hàng ngàn xác chết trôi giạt theo sóng nước tới khi nước rút thì nằm vương vãi khắp thành phố.
Báo Anh Daily Mail tối 12-11-2013 tường thuật từ Tacloban: hàng ngàn xác chết chất chồng trên các đường phố. Các cơ quan cứu trợ cảnh báo rằng số xác chết thu hồi được đang tăng vọt. Cảnh sát và binh lính đang tìm kiếm khắp các đống đổ nát sau khi toàn bộ những ngôi làng và nhiều khu vực thành phố bị san thành bình địa. Các nhà xác dã chiến đã quá tải. Các túi chứa xác không còn đủ để dùng.
Trên nhiều tấm ảnh, ta có thể thấy cảnh người ta phải bịt kín miệng mũi vì không chịu nổi mùi tử khí nồng nặc khắp thành phố.
Công việc tìm cho bằng hết các thi thể nạn nhân không chỉ mang ý nghĩa đạo lý, nhân đạo mà còn để bảo vệ vệ sinh môi trường. Nhưng chắc chắn không thể nào tìm được hết. Ngoài ra còn có xác của gia súc, gia cầm và các động vật khác. Các nguồn nước tự nhiên đều bị ô nhiễm nặng. Với thực tế cuộc sống ở Philippines – quần đảo có tới hơn 7.000 hòn đảo, nguy cơ phát sinh dịch bệnh từ vệ sinh môi trường là rất cao, nếu không muốn nói là không thể tránh khỏi.
Người chết dù sao cũng đã chết. Điều đáng sợ nhất bây giờ là làm sao để không có thêm những người chết sau bão. Các cơ quan cứu trợ cho biết có tới 10 triệu người ở đất nước 98 triệu dân này đang cần được cứu trợ các nhu cầu và vật dụng cơ bản như nơi tạm cư, thức ăn và nước uống. Cũng do đặc điểm địa lý chia cắt, việc cung cấp hàng cứu trợ cho mọi người chẳng dễ dàng chút nào. Tình trạng đám đông quá bức xúc gây ra những vụ cướp bóc thực phẩm, nước uống trầm trọng tới mức nhà chức trách phải triển khai đông đảo binh lính và cảnh sát mới giữ được an ninh trật tự.
Trong khi đó, mùa bão tố vẫn chưa dứt. Philippines sẽ còn phải căng mình ra tiếp tục đón những trận bão mới trong mùa bão 2013 này. Thiên tai chồng thiên tai trong bối cảnh sức lực con người đã yếu đi rồi! Cả thế giới còn lại đang hướng về Philippines với những tấm lòng nhân ái và những bàn tay tiếp sức. Điều nghiệt ngã ở chỗ đây đâu phải là thảm họa thiên tai cuối cùng. Cả người Philippines lẫn cộng đồng quốc tế đều hiểu rõ điều đó. Trong khi không thể làm gì để ngăn chặn được thiên tai, con người chỉ còn có thể đành phải tìm mọi cách để giảm nhẹ nhất thiệt hại do thiên tai gây ra và khắc phục tốt nhất những hậu quả của thiên tai.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 13-11-2013)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
Đài không lưu của sân bay Tacloban.