Thị thực Hương Cảng quạu quọ ký
Thiệt lòng mà nói có cái màn hình chứng giám, cầm cái visa Hong Kong trên tay mà tôi hổng thấy có mùi “Cảng Thơm” chút nào. Bởi cái đặc khu kinh tế này hắn “chảnh” tới bắt ghét. Hỗng lẽ do Hong Kong bị trộn lẫn cái style “phớt tỉnh Ăng-lê” của Anh quốc (mà nơi này là thuộc địa suốt từ giữa thế kỷ 19 tới khi được trao trả cho Bắc Kinh tháng 7-1997) với cái kiểu “ta là đệ nhất giang hồ” của Trung Quốc.
Xưa nay visa Hong Kong cho người Việt do nhà chức trách ở tận Hong Kong xét duyệt. Tổng lãnh sự quán TQ tại TP.HCM chỉ là nơi tiếp nhận hồ sơ. Nhân viên ở đây giao hẹn với khách rằng phải đợi 3 tuần tới 1 tháng mới có kết quả, và không có gì bảo đảm 100% sẽ được cấp visa. Tuy nhiên, do phải nộp lệ phí visa trước, nếu không được cấp, người xin phải chịu mất trắng khoản này.
Ở Hong Kong 9-2005.
Mà thủ tục xin visa Hong Kong nhiêu khê lắm. Người xin cấp phải chứng minh năng lực tài chánh của mình (tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm định kỳ, giấy tờ nhà đất,…) và đặc biệt “xốn xang” là phải liệt kê chi tiết cuộc hành trình của mình ở Hong Kong. Có lần tại Tổng lãnh sự quán TQ, tôi nghe thấy một bà xin visa Hong Kong được hướng dẫn là phải kê khai từng ngày một, thiệt là chi tiết, ngày đó đi đâu, gặp ai, làm gì.
Kỳ này tôi được hãng NVIDIA mời tiếp qua dự sự kiện SIGGRAPH Asia lần thứ 6 ở Hong Kong. Đây là cuộc hội nghị và triển lãm thường niên về đồ họa máy tính và các kỹ thuật tương tác khu vực châu Á. Lần trước tôi dự sự kiện này ở Singapore hồi hạ tuần tháng 11-2012. Do cứ tưởng dân Việt xin visa Hong Kong dễ ợt, nên còn khoảng 2 tuần tới sự kiện, NVIDIA mới gởi thư mời. Họ nhờ công ty tổ chức sự kiện Image Media Taiwan lo chuyện hậu cần, rồi pass qua Image Media Vietnam trực tiếp xử. Vậy là tụi tôi phải hè nhau chạy vắt giò lên cổ. Do thời gian quá nghiệt, vụ visa phải cầu viện một dịch vụ với giá trọn gói 85 USD, giao hẹn 5 tới 7 ngày làm việc là có. Giao hộ chiếu và đầy đủ hồ sơ cần thiết cho dịch vụ xong, mọi người chờ. 5 ngày sau bên dịch vụ báo Hong Kong chỉ duyệt cho bạn có hộ khẩu ở tỉnh thôi. Còn người có hộ khẩu TP.HCM thì phải đợi họ xem xét sau coi có cấp hay không. Wow, chuyện lạ y như Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh. Hộ khẩu tỉnh có giá hơn hộ khẩu Saigon à nghen. Trong khi anh em đang có tới 80% giác phải “tiền mất tật mang” thì tới ngày thứ 7, dịch vụ gọi báo đã OK.
Dù sao lần này đã có tiến bộ, visa cấp dạng Multiple (nhưng cũng chỉ giới hạn 2 lần), mỗi lần vào Hong Kong chỉ được lang thang đúng 7 ngày, có thời hạn hiệu lực trong vòng 3 tháng.
Còn nhớ lần đầu tiên tôi đi Hong Kong vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2005 cũng thiệt trầy vi tróc vẩy, đầy hỉ nộ ái ố. Lần đó hãng Epson Nhật Bản mời một số nhà báo Việt Nam qua dự Press Tour khu vực tại Hong Kong. Công ty Đồng Nam, nhà phân phối của Epson ở Việt Nam, đã phải cho các nhà báo mượn mỗi người hơn 2.000 USD để gởi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng cho ngân hàng hòng có giấy tờ chứng minh tài chánh. Cho tới sát ngày đi, tình hình visa vẫn chưa có kết quả. Epson ở Hong Kong tác động với nhà chức trách mà coi mòi vẫn khó khăn. Vào sáng ngày khởi hành, anh Nguyễn Trung Hưng, Giám đốc Đồng Nam, đề nghị mọi người sẵn sàng hành lý, chờ sẵn ở gần sân bay để khi có visa là bay ngay cho kịp hôm sau khai mạc sự kiện. Nhân viên công ty túc trực sẵn ở Tổng lãnh sự quán TQ. Tới xế trưa thì có tin từ Hong Kong báo qua đã có visa. Nhưng cơ quan lãnh sự TQ ở TP.HCM cho biết chỉ khi nào cơ quan hữu trách bên HK fax danh sách qua thì họ mới tiến hành cấp visa. Báo hại phải đổi chuyến bay tới tối. Xế chiều, mọi người nhận được điện thoại của anh Hưng: “Ra sân bay gấp, khi có visa là có người chạy ra sân bay ngay”. Mọi người kéo valy ra sân bay Tân Sơn Nhất, và phải chờ đã đời gần tới giờ bay mới có được visa.
Chưa hết cái nỗi đoạn trường. Trong chương trình có một ngày từ Hong Kong sang Ma Cao tham quan và test vận may trong các casino. Rắc rối là đoàn Việt Nam chỉ được Hong Kong cấp visa dạng Single (một lần). Nhà chức trách Hong Kong hăm he: “Mấy ông mà đi Ma Cao thì cứ từ đó mà về Việt Nam, không được phép quay trở lại Hong Kong.” Vậy thì là mà rằng, trong khi tất cả nhà báo các nước khác kéo nhau qua Ma Cao phiêu lưu, các nhà báo Việt Nam phải ngồi chóc ngóc mình ên ở Hong Kong. Tội nghiệp, nhớ lại mà xúc động tới muốn ôm hun mấy chục cái, các bạn Epson Thái Lan và nhà báo Thái Lan sợ đoàn Việt Nam cu ki mà buồn nên rủ nhau ở lại cho có bầu có bạn. Thấy cũng kỳ (hay cám cảnh chẳng biết), ban tổ chức đành phải chịu tốn kém tổ chức một tour ngao du Hong Kong cho riêng đoàn Việt Nam, trong đó có mục thăm Hong Kong Disneyland chỉ mới khai trương trước đó ít tuần (ngày 12-9-2005). Thôi thì không đi casino Ma Cao được thì ở Hong Kong cũng có thể “thua me, gỡ bài cào” chút đỉnh. Chỉ có điều, sau cái đận đó, mỗi lần gặp lại các đồng nghiệp xứ người từng chứng kiến cái sự cố đó, tôi tự dưng cảm giác mặt mình ê ê sao đó!
Phải chi cái khó xin visa Hong Kong là của một đất nước đẳng cấp, như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc,… để “làm đẹp” và tăng thêm “trọng lượng” cho cái profile chu du bốn phương tám hướng của mình thì cũng gồng mình mà chịu, đằng này dù muốn dù không hắn cũng chỉ là một cái đặc khu kinh tế chẳng có bao nhiêu kilogram trong mắt thiên hạ võ lâm. Cái vấn đề là ở chỗ Hong Kong chỉ dám làm khó dân tình xứ Việt, cho dù có mấy thế hệ người Việt hơi bị quởn vẫn ngày đêm tụng các phim bộ TVB, thuộc tên các tài tử Hong Kong còn hơn nhớ tên anh em bên vợ, bên chồng (hỗng lẽ họ ghét cái xứ cả gan dùng tên họ để chỉ cái sự hàng dỏm qua câu thiệu “Hong Kong bên hông Chợ Lớn” sao ta). Nhưng thôi, qua sông thì phải lụy đò, bất luận thế nào cũng nên mừng vì mình đã được qua sông trong khi còn ối lữ khách vẫn phải dứng ở bên kia bờ!
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 18-11-2013)
+ PHOTO: Chuyến đi Hong Kong đầu tiên năm 2005.
CẬP NHẬT:
Hiện nay, trong số 10 nước Đông Nam Á, chỉ còn 4 nước: Myanmar, Lào, Campuchia và VN là phải cí visa mới được vô Hong Kong. 6 nước kia đã có thỏa thuận với HK cho công dân 2 bên được tự do tới thăm lẫn nhau, mỗi lần ở được 30 ngày, hoặc chỉ cần lấy visa ngay tại sân bay khi tới nơi. Cho tới tháng 8-2013, Hong Kong đã có thỏa thuận tương tự với 147 nước và vùng lãnh thổ. http://www.gov.hk/…/hksarpassport/visafreeaccess.htm