Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Đoạn trường đi lại ở Hong Kong

131119-phphuoc-nvidia-siggraph-hongkong-003_resize

 

Mấy ngày trước khi khai mạc, ban tổ chức sự kiện SIGGRAPH Hong Kong 2013 chu dáo gửi mail nhắc các nhà báo rằng họ phải tự túc đi từ sân bay về khách sạn và ngược lại. Nên đi bằng xa taxi đỏ Urban Red Taxi, từ sân bay quốc tế Hong Kong Chek Lap Kok (HKG) trên đảo Lantau về khách sạn trên đường Harbour ở khu Wanchai (Loan Tử) trên đảo Hong Kong tốn chừng 285 HKD (khoảng 770.000 VND).

Chỉ đi Hong Kong thôi mà phải thức khuya dậy sớm y như đi Mỹ vậy đó. Bởi lẽ tôi đi bằng máy bay của hãng hàng không Mỹ United Airlines bay chuyến từ Saigon (SGN) đi San Francisco (SFO), quá cảnh Hong Kong. Do chuyến bay UA 116 khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất lúc 5g55ph sáng 19-11-2013, tôi phải rời nhà ở quận 5 lúc 3g30 sáng, đi taxi tới sân bay lúc 4g sáng, cước taxi 160.000 VND. Các chuyến bay đi Mỹ từ bất cứ nơi nào trên thế giới cũng phải chịu biện pháp kiểm tra an ninh rất nghiêm ngặt. Hành khách sau khi check-in lấy boarding-pass phải đứng đợi chỗ khu hải quan để coi hành lý ký gửi của mình có gì trục trặc không. Sau khi qua cổng kiểm tra hành lý xách tay (carry-on) và làm thủ tục xuất cảnh, hành khách còn phải qua một vòng kiểm tra hành lý xách tay ngay cổng lên máy bay, lần này các nhân viên an ninh trực tiếp mở hành lý khách ra kiểm tra.

Sau 2g5ph bay bằng máy bay Boeing 737-800, tôi tới sân bay Hong Kong lúc 9g13ph, giờ địa phương. Tới 3 giờ chiều khách sạn mới cho nhận phòng. Quỹ thời gian phải “giết” quá… mỏi chân. Tôi quyết định không đi taxi mà dùng tàu điện MTR (dân Hong Kong không gọi xe điện ngầm là MRT – Mass Rapid Transit mà là MTR – Mass Transit Railway) cho nó vừa tiết kiệm, vừa giết được thời gian. Tàu Airport Express chạy chừng 30 phút là tới ga MTR Hong Kong/Central trên đảo Hong Kong, tiền vé 100 HKD (khoảng 270.000 VND). Từ đó có xe Shuttle bus miễn phí đưa khách tới một số khách sạn (có 4 tuyến xe bus như vậy). Thấy có bán loại thẻ trọn gói Airport Express Travel Pass tiện lợi như tôi vẫn thường xài mỗi khi tới San Francisco, tôi mua 1 thẻ giá 220 HKD (595.000 VND) cho phép khách sau khi đi một chuyến từ sân bay về thành phố còn có thể đi miễn phí không hạn chế các chuyến MTR và xe bus ở Hong Kong trong 3 ngày liên tiếp sau đó. Loại thẻ Round trip gồm thêm một chuyến Airport Express từ thành phố ngược ra sân bay giá 300 HKD. Sau khi xài xong, nếu khách không muốn giữ chiếc thẻ nhựa có in hình những danh thắng Hong Kong để làm kỷ niệm, họ có thể trả lại thẻ ở các nhà ga MTR để được hoàn lại 50 HKD (135.000 VND).

Phải nói là mạng lưới xe điện ngầm MTR ở Hong Kong rộng lớn hơn nhiều thành phố ở châu Á tôi từng đi tới. Ngoài tuyến Airport Express và Light Rail, còn có 9 tuyến MTR phủ khắp 4 khu vực hành chính: Hong Kong Island, Lantau Island (Lạn Đầu), New Territories (Tân Giới) và Kowloon (Cửu Long). Tổng chiều dài các tuyến là 218km với 152 ga. Cước cho người lớn từ 3,5 HKD tới 51 HKD. Trẻ em dưới 12 tuổi và người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên chỉ phải trả cước bằng một nửa giá vé người lớn.

Vào thời điểm cuối năm 2012, Hong Kong có 18.131 chiếc xe taxi được cấp phép hoạt động. Cước taxi từ 20 HKD (Urban/Red Taxi) và 16,5 HKD (New Territories/Green Taxi) trở lên. Đây là giá “mở cửa” và cho 2km đầu tiên. Sau đó, cứ mỗi 200 mét, đồng hồ cước nhảy thêm1,5 HKD (xe đỏ) và 1,3 HKD (xe xanh). Nếu xe phải chạy qua đường hầm xuyên biển nối các đảo, khách phải trả thêm 50 HKD.

Hệ thống xe bus công cộng ở Hong Kong cũng rất phong phú – hầu hết là xe bus 2 tầng. Có loại xe minibus hay light-bus chở được 16 hành khách. Cước xe bus tính theo khoảng cách khách đi. Ngoài loại xe bus chạy bằng xăng dầu, Hong Kong còn có hệ thống xe bus chạy bằng điện.

Nếu đi 1 hay 2 người, bạn có thể đi tàu MTR và xe bus cho rẻ, tuy rằng đi MTR phải lội bộ khá xa và phải chui xuống, trồi lên các nhà ga ngầm dưới đất sâu. Còn với 3-4 người, bạn nên đi taxi cho nó tiện hơn và tiền cước chia nhau vẫn dễ chịu hơn.

Điều bất tiện nhất cho khách nước ngoài là tài xế taxi ở Hong Kong hầu hết cũng mắc chung cái “bệnh” như các đồng nghiệp ở Trung Quốc và Taiwan. Đó là họ không biết tiếng Anh (hay chỉ biết lõm bõm) và thậm chí có những người còn không biết đọc cả tiếng Hoa mà nhân viên khách sạn cẩn thận viết rõ nơi khách cần đến. Điều này càng lạ hơn ở Hong Kong khi nơi này có hơn trăm năm là thuộc địa Anh. Theo nhận xét của riêng tôi, khác với Taiwan, tài xế taxi ở Hong Kong cũng hầm hừ, quạu quọ với khách giống y chang ở Trung Quốc.

Tôi từng trải nghiệm những nỗi đau thương từ chuyện đi taxi ở cả Trung Quốc, Taiwan lẫn Hong Kong. Ngày 22-11, khoảng 17g30, tôi rời khách sạn The HarbourView trên đường Harbour Road (Wan Chai) để ra sân bay. Thời gian dư dả dữ lắm vì tới 23g45 mới bay chuyến  UA 117 của hãng United Airlines từ San Francisco về. Vì thế, tôi quyết định đi bằng tàu MTR Airport Express. Để cho chắc ăn, tôi nhờ nhân viên khách sạn gọi taxi giùm. Tất nhiên họ nói bằng tiếng Hoa với tài xế. Thấy từ khách sạn tới ga Wan Chai quá gần, có phần thiệt thòi cho bác tài, tôi nói nhân viên khách sạn kêu taxi chở tới ga chính Hong Kong/Central Station xa hơn một chút. Dè đâu, tôi đã phải trả giá quá đắt cho cái sự “cảm thấy ngại” này.

Lên taxi, tôi cẩn thận hỏi lại tài xế là đi tới ga MTR Hong Kong station để đón tàu ra sân bay, anh ta trả lời là biết rồi, thậm chí còn nhắc lại là “Hong Kong station”. Theo ước tính của tôi, cước chỉ chừng 30-40 HKD là cùng. Mua thêm vé tàu ra sân bay 100 HKD nữa cũng rẻ bằng nửa cước taxi ra thẳng sân bay. Khi thấy xe taxi chạy xa quá, lâu quá, tôi sinh nghi, hỏi lại tài xế và lại được khẳng định là mình biết rồi, để yên cho anh ta chạy. Khi thấy xe chui qua hầm xuyên biển, tôi biết chắc là có chuyện xấu rồi, phen này ắt bị trọng thương thôi. Bởi lẽ, ga Hong Kong/Central cùng nằm trên đảo Hong Kong với khách sạn, cần chi phải chui đường hầm. Ra khỏi đường hầm, taxi tiếp tục chạy mút mùa lệ thủy nữa. Cuối cùng, bác tài taxi thả tôi xuống ga Hong Kong, nhưng là ga xe lửa Hong Kong station trên bán đảo Kowloon. Ở đây cũng có ga tàu MTR, nhưng lại tên là ga Hung Hom. Tiền xe hết 75 HKD cộng với 50 HKD lệ phí qua hầm. Báo hại, tôi phải kéo hành lý đáp tàu MTR tuyến East Rail về ga East Tsim Sha Tsui, lội bộ sang ga Tsm Sha Tsui của tuyến Tsuen Wan để đi thêm 2 ga nữa tới ga Central, tốn thêm 20 HKD. Từ ga Central, tôi mua vé tàu Airport Express ra sân bay, tốn 100 HKD. Tổng cộng, tiền xe tàu từ khách sạn ra sân bay đội lên tới 245 HKD (662.00 VND). Thời gian đi tới 2 tiếng đồng hồ. Hai cẳng mỏi cứng, hai tay tê rần vì phải kéo hành lý cuốc bộ qua các ga MTR.

Tôi tới sân bay lúc 19g30, sớm tới mức check-in được rồi mà vẫn chưa có cổng ra máy bay. Dù sao tôi cũng ra được sân bay mà! Chỉ có điều tôi lăn tăn: mình thuộc loại “đầu trâu, chân ngựa” mà còn bầm dập như vậy ở Hong Kong, thì những người mới xuất ngoại lần đầu ắt còn te tua biết chừng nào!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Hong Kong 22-11-2013)

131119-phphuoc-nvidia-siggraph-hongkong-006_resize

Ga tàu điện MTR Airport Express ở sân bay Hong Kong.

131119-phphuoc-nvidia-siggraph-hongkong-009_resize

Trên tàu điện Airport Express.

131119-phphuoc-nvidia-siggraph-hongkong-017_resize

Trên tàu điện Airport Express có ngăn để hành khách để hành lý của mình với lời khuyến cáo “của ai nấy giữ”.

131119-phphuoc-nvidia-siggraph-hongkong-019_resize

Ga MTR Hong Kong/Central.

131119-phphuoc-nvidia-siggraph-hongkong-020_resize

Ga MTR Wan Chai.

131119-phphuoc-nvidia-siggraph-hongkong-021_resize

131119-phphuoc-nvidia-siggraph-hongkong-031_resize

Trên dường phố ở Wan Chai.

131119-phphuoc-nvidia-siggraph-hongkong-090_resize

Thẻ tàu điện MTR Airport Express Travel Pass.

131121-phphuoc-nvidia-siggragh-hongkong-036_resize

Xe bus và taxi trên đường phố chật hẹp ở Hong Kong.

131122-phphuoc-nvidia-siggragh-hongkong-010_resize

Xe bus, xe điện và taxi trên đường phố Hong Kong.

131122-phphuoc-nvidia-siggragh-hongkong-073_resize

Cổng lên máy bay về Sai Gon. Chuyến bay UA 116 của hãng United Airlines.

131122-phphuoc-nvidia-siggragh-hongkong-076_resize

Vé tàu điện Airport Express..