Thứ Bảy ngày 21 tháng 12 năm 2024

Máy Mac vào tuổi 30

1984macintosh

 

Trong thời công nghệ di động hiện nay, cái tên Apple làm người ta nghĩ ngay tới iPhone và iPad. Nhưng trước khi làm thay đổi thế giới di động bằng những thiết bị di động “chinh phục toàn cầu” này, hãng “Trái táo mẻ” ở  Cupertino (bang California, Mỹ) đã làm thay đổi cả thế giới vi tính với chiếc máy tính Macintosh (quen gọi tắt là máy Mac). Thời gian vậy mà cũng đã 3 thập kỷ và ngày 24-1-2014 này, Mac mừng sinh nhật thứ 30 của mình.

Tối 23-1-2014, tôi gõ vào hộp tìm kiếm của công cụ Google Search cụm từ khóa “Date 24 Jan 1984”. Và đứng hàng đầu trong tổng số 87,3 triệu kết quả được trả về chỉ trong vòng 0,23 giây là những liên kết thông tin nói về máy Mac. Điều này nói lên cái ấn tượng mà Mac đã ghi được trong lòng loài người sâu rộng tới chừng nào.

Máy tính Macintosh được Apple chính thức trình làng ngày 24-1-1984. Nó là trung tâm của sự đối đầu huyền thoại giữa nhà đồng sáng lập Apple vừa quá cố Steve Jobs và nhà sáng lập Microsoft, Bill Gates.

Randy Wigginton, một nhân viên của Apple thời ban đầu, nói rằng: “Mac là một bước nhảy đột phá về phía trước. Chúng tôi không phát minh ra mọi thứ, nhưng chúng tôi đã  làm mọi thứ trở nên dễ tiếp cận và chạy mượt mà. Mac là chiếc máy tính đầu tiên mà người ta sẽ chơi với nó và thốt lên: ‘That’s cool’ (thật tuyệt vời)”.

Tôi vẫn thường nói với mọi người rằng chính Apple chứ không phải ai khác đã có công lao hàng đầu trong việc phổ cập máy tính và công nghệ tới công chúng. Từ đứa trẻ chập chững biết đi cho tới ông lão lọm khọm, tay chân run rẩy, tất cả đều có thể dễ dàng xài những chiếc iPad. Tôi có nhiều người bạn vốn không tài nào thuyết phục được cha mẹ lớn tuổi của họ dùng máy laptop để lướt web và liên lạc với mọi người hay giải trí, tiêu khiển (chủ yếu vì ngán ngại do quá phức tạp); nhưng với iPad thì khác – chỉ cần “training” chút đỉnh là họ có thể hào hứng chạy phà phà.

Chiếc máy tính để bàn thân thiện là cách mà người ta mô tả về Mac. Và quan trọng hơn cả, đó là người ta có thể điều khiển nó không phải bằng cách gõ những dòng lệnh phức tạp và chỉ bằng cách click chuột lên những cái icon (biểu tượng) trên màn hình với một con chuột. Điều này đã mở ra khung trời điện toán cho những người không phải là dân chuyên nghiệp. Sau này có thêm công nghệ màn hình cảm ứng (touchscreen), người ta càng thoải mái mà sử dụng các thiết bị công nghệ cao như điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Trước khi Mac ra đời với cái giao diện người dùng đồ họa (GUI) mang tính cách mạng của mình, máy tính là một cỗ máy chỉ thích hợp ở nơi làm việc, đòi hỏi người dùng phải ra lệnh cho nó bằng cách gõ những dòng chữ mà giống như “tiếng nước ngoài” đối với những ai không phải là dân lập trình phần mềm. Dag Spicer, trưởng bộ phận nội dung của Viện Bảo tàng Lịch sử Máy tính (CHM) tại Silicon Valley, nhận xét: “Sự ảnh hưởng của Mac là mang giao diện GUI tới “phần còn lại của chùng ta” (the rest of us) như cách Apple thường nói. Sau đó Mac GUI đã được Microsoft sử dụng để làm ra hệ điều hành Windows.”

Máy Mac còn có một tính năng mới là những menu thả xuống (drop-down menu).

Tất nhiên nói tới cái giao diện GUI “thay đổi thế giới” đó, chúng ta phải mang ơn việc phát minh ra con chuột máy tính hồi thập niên 1960 của Doug Engelbart, làm việc tại Viện Nghiên cứu Stanford, người đã qua đời hồi năm ngoài ở tuổi 88. Vào cái thời chưa có công nghệ màn hình cảm ứng, không có con chuột thì việc sử dụng máy tính trở nên một cực hình. Daniel Kottke, một thành viên thuộc đội Mac ban đầu, nói rằng: “Mỗi lần di chuyển con chuột, bạn đang vẽ lại màn hình. Nó giống như video.”

Nói tới máy Mac, dĩ nhiên phải nhắc tới Steve Jobs, một trong những nhân vật huyền thoại của thế giới công nghệ mà người ta gọi là một “phù thủy tiếp thị” (marketing magician). Ngày 24-1-1984 khi xuất hiện trên sân khấu để khai sinh cho Mac, ông mới là một chàng trai ở cuối độ tuổi đôi mươi. John Sculley, giám đốc điều hành Apple hồi đó, nhớ lại rằng lúc đó Jobs rất hồi hộp và trông rất tội nghiệp. “Anh ấy đã luyện tập tới, luyện tập lui mọi cử chỉ, lời nói và nét mặt. Nhưng khi đã xuất hiện trên sân khấu rồi, anh ấy đã làm tất cả trở nên rất tự nhiên, trơn tru.”

Đã có những nỗ lực phi thường của Apple để giữ cho giá máy Mac ở trong tầm tay của người tiêu dùng. Lúc đó giá một chiếc máy tính lên tới 10.000 USD trở lên.

Phiên bản Macintosh gốc với bộ nhớ 64KB (kylobyte) RAM có giá 1.000 USD, còn loại 128KB RAM giá 2.500 USD.

Wigginton kể rằng: “Steve đã thật sự điên lên về những chi tiết của Mac. Ông muốn phải thứ phải chỉn chu. So với máy IBM PC thời đó, Mac trông rất lộng lẫy.”

Sức mạnh vô đối của máy Mac là ở các tác vụ đồ họa và biên tập hình ảnh. Vì thế, đây là loại máy không thể thiếu đối với giới thiết kế đồ họa.

Một kỷ nguyên mới của máy Mac đưa loại thiết bị điện toán này phổ cập hơn tới mọi người dùng rộng rãi đã bắt đầu vào ngày 1-9-1998 khi chính Steve Jobs lại xuất hiện trên sân khấu tại San Francisco để giới thiệu thế hệ máy tính iMac. Khi đó máy Mac đang ở tuổi 14.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 24-1-2014)

Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

orginal-Macintosh_1984

Máy Macintosh đầu tiên được giới thiệu ngày 24-1-1984.

imac-steve-jobs-1998

Steve Jobs và chiếc iMac năm 1998.

steve-jobs-time

Steve Jobs lên bìa tạp chí Mỹ Time từ Mac tới iPad.

ff_mac3_f

Những chặng đường máy Mac khi 25 tuổi.