Lang thang hội Hoa Xuân Tao Đàn Tết Giáp Ngọ 2014
Xàng qua xê lại, nhóng tới thụt lui mãi tới hơn 10 giờ sáng 27 Tết (27-1-2014), tôi mới có thể nhong nhong cỡi ngựa sắt từ Chợ Lớn ra Công viên Tao Đàn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q1) để ngao du hội Hoa Xuân Tao Đàn Tết Giáp Ngọ 2014.
Hội Hoa Xuân Tao Đàn truyền thống hàng năm Tết Giáp Ngọ 2014 này khai trương vào tối 25 Tết (25-1) và kéo dài 10 ngày (tới 5-2-2014, tức Mùng 6 Tết). Theo ban tổ chức, hội Hoa Xuân Tao Đàn năm nay có chủ đề “TP HCM – Thành phố tôi yêu” với 3.000 hiện vật được trưng bày trong 11 tiểu khu. Giá vé vào cổng: 20.000 đồng/người và miễn vé cho trẻ em dưới 12 tuổi. Phía mặt trước (trên đường Nguyễn Thị Minh Khai) và ở góc Trương Định có những bãi giữ xe giá chính thức của lực lượng Thanh niên xung phong. Giá giữ xe: 4.000 đồng (xe dưới 175cc) và 5.000 đồng (xe trên 175cc và xe tay ga).
Nhìn chung năm nay hội Xuân Tao Đàn cũng không có gì nổi trội, đặc biệt là không có gì mới đáng chú ý so với năm ngoái. Hầu như cũng bổn cũ xào lại, “người muôn năm cũ” cứ “đến hẹn lại lên”. Nhưng cũng giống như bánh tét, bánh chưng, không có thì ngày Tết mất cả hương vị truyền thống.
Năm nay phong trào làm hoa đất có mòi rộ với nhiều gian bày bán các loài hoa làm bằng đất sét hơn bao giờ hết. Giá một chậu hoa đất cỡ trung từ vài trăm ngàn tới mấy triệu đồng. Tôi thấy một chậu hoa hồng giá tới 2,8 triệu đồng. Phải nói là các nghệ nhân làm hoa đất có tay nghề trên cả tuyệt vời. Hoa làm bằng đất nhưng vẫn tinh tế và thậm chí mỏng manh nhìn từ xa khó phân biệt với hoa thật, ngoại trừ các nàng hoa đất luôn bị “pause” lại ở thế tĩnh, tỉnh bơ mặc cho những chàng gió vô tình hay cố ý xôn xao. Một bà chọn mua một chậu lan bằng đất giá gần 1 triệu đồng giải thích: “hoa đẹp mà không sợ tàn, tha hồ mà chưng.” Tôi thì nghiệm ra rằng so với hoa nhựa, hoa làm bằng đất có hồn hơn và tạo được cảm giác gần gũi, thân quen với con người hơn. Dù sao con người cũng từ “hạt cát vụ trụ” mà nên rời cuối cùng cũng trở về với bụi đất.
Khu hoa mai năm nay trông “buồn buồn làm sao”. Hiếm có mai nở, chỉ có những chậu mai cảnh uốn lượn theo thế và chi chít nụ xanh. Đành rằng mai thì phải nở đúng ngày Tềt mới là mai xịn, nhưng vẫn có thể có những chậu mai được cho nở sớm để kịp bày hội hoa Xuân. Mai mà không rực vàng thì sao gọi là mai. Tôi nhớ tại hội Hoa Xuân năm ngoái, tại khu hoa mai, khách tham quan thích thú với những cánh bướm, những chú ong lượn vờn bên những cành mai vàng rực rỡ.
Ngay phía sau cổng chính trên đường NTMK vẫn là nơi mà mấy năm qua Ngân hàng Đông Á xí chỗ để mời một ban nhạc dân tộc tới trình diễn cho khách tham quan và tặng bong bóng cho trẻ em, phong bao lì xì cho mọi người. Năm nay hầu hết vẫn là những nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc cũ, nhưng có thêm một giàn đàn đá.
Ở bên trái là khu của hai nhà tài trợ bột giặt Omo và nước giải khát Pepsi. Chiếm khu rộng nhất và hoạt động sôi nổi nhất là khu hội chợ Tết của Omo dành cho các em thiếu nhi. Các em vào đây được tham gia nhiều trò chơi lý thú có thưởng. Khi sưu tập được đủ dấu, các em được tặng những con cá khá lớn bằng nilông thổi rất đẹp.
Trải rộng khắp công viên là 11 khu: hoa mai, hoa sứ, hoa lan, xương rồng, hoa ôn đới – hoa kiểng – cây có trái, đá cảnh – cây khô, tiểu cảnh – non bộ, chim cảnh, cá cảnh, kiểng cố – bonsai, và cắm hoa – mâm quả.
Ở một góc có một gian hàng bày bán nấm linh chi và loại dưa lưới Nhật Bản. Tại đây, khách tham quan có thể nhìn thấy tận mắt cách người ta ủ nấm linh chi và trồng dưa lưới ra sao. Giá bán tại đây: 100g nấm linh chi khô giá 100.000 đồng và 1 kg dưa lưới giá 60.000 đồng.
Linh chi là một loại dược liệu thiên nhiên nổi tiếng, quá nhiều người biết rồi. Còn dưa lưới (yubari melon) thì hơi bị lạ mắt, lạ tai. Đây là một loại trái cây vỏ cứng thuộc họ bầu bí, có lá và dây leo tương tự. Lớp vỏ màu xanh lục có lớp gân trắng trong như lớp lưới bao quanh. Dưa không hột, ruột màu vàng, ăn dòn và ngọt vừa phải, nhiều nước và có tính giải nhiệt cao. Mới ngó, người ta dễ tưởng lầm dưa lưới là bưởi xanh vì kích cỡ và hình dáng của nó thường na ná. Một quả dưa lưới nặng từ 1 kg tới 2-3kg. Người ta gọi dưa lưới là dưa Nhật Bản thật ra là bởi nó được trồng nhiều và ăn nhiều ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Chớ dưa lưới có nguồn gốc tù châu Phi và Ấn Độ (người Ai Cập trồng loại dưa này đầu tiên). Một vụ dưa lưới chỉ khoảng 70 ngày. Chỉ có điều khác người là nó phải được trồng trong nhà màn lưới để che mưa gió và ngăn cản côn trùng. Chế độ tưới nước và chăm bó cũng khá đặc biệt. Không có dùng hóa chất à nghen.
Nói chung, hội Hoa Xuân Tao Đàn vẫn là một trong những điểm nhấn văn hóa của Saigon Tết Giáp Ngọ 2014. Tới đây, người ta có thể chụp được những tấm ảnh thật đẹp để lưu dấu mùa Xuân giữa thiên nhiên và hiểu thêm, cảm nhận thêm những nét đặc sắc của thiên nhiên, đặc biệt là sự phối hợp hài hòa giữa tài năng khéo léo và tinh tế của con người với cái đẹp vô song và đa dạng của thiên nhiên. Lang thang đây đó, tôi đã gặp khá nhiều khách nước ngoài tới hội Hoa Xuân Tao Đàn, và qua thái độ của họ, tôi tin rằng họ sẽ có thể biết nhiều hơn và yêu hơn những nét đẹp của thiên nhiên và con người Việt Nam.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 27-1-2014)
Ảnh: Phạm Hồng Phước
Hoa đất.
Hoa đất.
Hoa đất.
Hoa đất.
Hoa đất.
Hoa đất.
Hoa đất.
Hoa đất.
Nhà màn lưới để trồng dưa lưới.
Dưa lưới.
Nấm linh chi thành phẩm.
Ủ nấm linh chi trong những cái chai.