Ngày 28 Tết khắc tinh của loài gà ở Hong Kong
Có khoảng 20.000 con gà đã bị nhà chức trách Hong Kong tiêu diệt từ ngày 28 Tết Giáp Ngọ (28-1-2014) sau khi virus cúm gia cầm H7N9 được phát hiện trong gia cầm nhập từ đại lục Trung Quốc. Coi như lại một cái Tết nữa người dân Hong Kong không thể cúng gà cho ông bà tổ tiên.
Nỗi sợ hãi dịch cúm gia cầm ngày càng gia tăng ở đặc khu này, nhất là trước việc từ tháng 12-2013 tới nay đã có 2 người đàn ông ở Hong Kong chết vì cúm gia cầm sau khi từ đại lục trở về.
Ngày 28-1 trên các kênh truyền hình thời sự Hong Kong xuất hiện hình ảnh những nhân viên chuyên môn đeo mặt nạ và mặc trang phục bảo vệ đặc biệt đang thu gom những con gà chết bỏ vào những chiếc túi nilông đen tại chợ đầu mối Cheung Sha Wan – nơi đã phát hiện có virus H7N9 ngày hôm trước.
Người phát ngôn của Sở Nông, Ngư nghiệp và Bảo tồn (AFCD) cho biết: việc tiêu hủy gà ở đây đã bắt đầu từ 10 giờ sáng 28-1. Nhân viên kỹ thuật đã dùng hóa chất để giết các con gà, sau đó đưa đi chôn đúng kỹ thuật phòng dịch. Khu chợ này sẽ phải đóng cửa 21 ngày để thanh trùng. Việc cung cấp gà từ các trang trại ở Hong Kong cho các chợ trong đặc khu cũng bị đình chỉ trong thời gian này.
Cheung Sha Wan là chợ bán sỉ gia cầm duy nhất ở Hong Kong và là trung tâm lưu giữ đàn gà đang chờ được kiểm dịch trước khi đưa ra thị trường.
Hong Kong đã lập tức phát hiện được virus H7N9 ngay sau khi tiến hành các biện pháp xét nghiệm rộng rãi các gia cầm sống, đáp ứng việc dân chúng ngày càng lo ngại về tình trạng an toàn của số gia cầm nhập khẩu, cụ thể là từ đại lục Trung Quốc.
Ngày 28-1, nhà lãnh đạo Hong Kong, Leung Chun-ying, đã kêu gọi dân chúng xem xét lại tập quán mua gia cầm sống về tự giết thịt. Ông khuyến khích mọi người mua gia cầm giết mổ sẵn đã được kiểm dịch từ các siêu thị hay cửa hàng.
Biện pháp tiêu diệt đàn gà sống để phòng dịch cúm gia cầm này đã làm thiệt hại nặng cho những người nuôi gà và những nhà bán sỉ gà, đặc biệt trong mùa Tết vốn là mùa làm ăn phát đạt nhất trong năm. Họ thắc mắc là tại sao nhà chức trách không phát hiện được gà đã bị nhiễm virus ngay từ cửa khẩu biên giới. Ông Cheng Chin-keung, một người bán sỉ gà, nói với báo South China Morning Post ngày 28-1 rằng: “Chính quyền phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Lẽ ra họ phải ngăn chặn số gà này tại biên giới cho tới khi chứng được kiểm dịch để xác định không nhiễm virus.” Ông than rằng khi số gà nhập khẩu này được nhập chung với số gà nuôi tại Hong Kong tại chợ đầu mối, toàn bộ gà đều bị tiêu hủy. Ông Cheng tính toán rằng vụ này làm ông mất tới 5 triệu đôla Hong Kong (khoảng 650.000 USD).
Người phát ngôn của chính quyền Hong Kong giải thích với hãng tin Pháp AFP rằng sở dĩ số gà nhập từ đại lục Trung Quốc này đã được chở thẳng tới chợ đầu mối Cheung Sha Wan để chờ kiểm dịch thay vì giữ tại biên giới vì nhà chức trách không có cơ sở để nuôi giữ chúng.
Virus cúm gia cầm H7N9 đã bột phát ở Trung Quốc từ tháng 2-2013 và gây ra nỗi lo sợ rằng dòng virus mới này có thể đã biến thể để trở nên dễ lây nhiễm hơn.
Một ông lão Hong Kong 65 tuổi đã chết vì virus H7N9 ngày 14-1-2014 sau khi sang thăm Thẩm Quyến ở đại lực trở về. Trước đó hôm 26-12-2013, một ông lão 80 tuổi ở Hong Kong đã chết vì nhiễm virus này.
Nằm 2003, Hong Kong đã bị trận dịch hội chứng hô hấp cấp do virus (SARS) tấn công làm 299 người chết và khoảng 1.800 người bị lây nhiễm. Hồi tháng 12-2011, Hong Kong cũng đã phải tiêu hủy 17.000 con gà và đình chỉ việc nhập khẩu gia cầm sống trong 21 ngày sau khi phát hiện có 3 con chim bị nhiễm virus H5N1.
Sự việc ở Hong Kong cũng là một cảnh báo đối với những nước có chung biên giới với Trung Quốc, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán này, khi mà lượng gà sống nhập từ Trung Quốc gia tăng.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 28-1-2014)
Nhân viên kỹ thuật ở Hong Kong đang xét nghiệm gà tìm virus cúm gia cầm H7N9. (Ảnh: AFP, Philippe Lopez)
Nhân viên chuyên môn ở Hong Kong đang thu gom số gà bị tiêu hủy để phòng ngừa virus H7N9 sáng 28-1-2014 tại chợ đầu mối gia cầm. (Ảnh: AFP, Philippe Lopez)