Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Mùng 10, ta cúng Thần Tài

140209-phphuoc-mung10giapngo-cungthantai-01_resize

 

Mùng 10 Tết có nghĩa là ngày cuối cùng còn được ở trong “mùng”, ngày mai 11 tháng Giêng, ngày theo lệ thường không còn được gắn thêm cái tiếp vĩ ngữ “Tết” nữa. Ai còn “hoài cổ” nghe lời ca dao xưa “tháng Giêng là tháng ăn chơi” để ăn Tết rán thì từ ngày 11 gọi là “mền” – công cụ được loài người phát minh ra để trùm toàn body mà ngủ hay mần cái gì đó thì tùy sự sáng tạo của mỗi người.

Năm Giáp Ngọ này, mùng 10 Tết nhằm ngày Chủ nhật nên mọi người có thể rảnh rang mà thanh toán “cỗ thừa, mâm cặn” (khác “cơm thừa, canh cặn” của ngày thường), tém dẹp mọi thứ của ngày Tết để từ ngày mai, 11 tháng Giêng cũng nhằm “thứ Hai là ngày đầu tuần, em hứa cô gắng chăm ngoan” bắt đầu một năm làm việc, học hành mới trong tâm thức kỳ vọng “mã đáo thành công”.

Năm Ngọ, ai cũng tràn trề hưng phấn mong mọi thứ đều nhanh, mạnh và sung như ngựa (riêng quý bà, quý cô hy vọng năm nay sẽ không làm gì để bị gọi là “ngựa”).

Nói chuyện ngựa, tôi nhớ lại ở cổng chính của Đường Hoa Nguyễn Huệ (mé Thương xá Tax) dịp Tết năm nay (khai mạc tối 28 Tết và bế mạc tối mùng Bốn Tết), người ta có dựng một tiểu cảnh với mô hình 5 con ngựa mỗi con một màu đang hừng hực phóng mình sải vó kéo chiếc đồng hồ (chiếc xe thời gian). Hình tượng này hàm nghĩa thời gian nhanh như vó câu qua cửa sổ, chớ nên lãng phí thời gian. Rồi có bạn thắc mắc: sao lại 5 con ngựa (liên tưởng tới câu “ngũ mã phân thây”) mà không phải là 4 con ngựa (cho mang ý “tứ mã nan truy” hay cỗ xe tứ mã). Tôi cũng chẳng hiểu ý tưởng của nhà thiết kế ra sao, có thể là do tính thẩm mỹ, bố cục, hay dựa vào thuyết “ngũ hành”, cái gì cũng đi 5 cái cho trọn vẹn. Còn bạn nào yếu bóng vía liên tưởng tới cái hình phạt thời xa xưa dùng ngựa để phân thây tử tội thì xin lưu ý rằng: nếu sợ thì 4 hay 5 con ngựa cũng đều một rứa như nhau thôi. Cái cách hành hình này nguyên thủy chỉ gồm 4 con ngựa, mỗi con được cột vào một chi (tay chân) của tử tội. Sau đó có một biến thể là xài tới 5 con ngựa cho nó thêm phần “kinh dị” với con ngựa thứ 5 cột vào cổ người chịu án tử. Vì thế, tôi tâm đắc nhất là câu trả lời của một bạn rất thông minh, dí dỏm mà hóa giải mọi thứ không hên trong dịp Tết, đó là “5 con ngựa” để chỉ rằng năm nay là “năm con ngựa”.

Nói thiệt lòng mình, trước khi đi thăm Đường Hoa Giáp Ngọ, tôi đinh ninh rằng mô hình ngựa sẽ chỉ có 2 con cho nó đủ đôi đủ cặp vuông tròn. Chớ thực tế cái tiểu đảo nhỏ xíu mà nhét tới 5 con ngựa thì quá chật chội, giống hệt đường sá xứ mình triền miên kẹt xe, ùn tắc giao thông, ngựa có mạnh mấy cũng khó bề mà phóng tới. Còn nếu đúng là “dân chơi thứ thiệt” thì nên mô phỏng theo phong cách của loại tranh “mã đáo thành công” tồn tại từ rất xưa tới nay. Đó là có 8 con ngựa cùng phi nước đại với bố cục và tư thế chỉ nhìn thôi cũng muốn ngứa cẳng mà phi theo. Người ta giải thích: sở dĩ có 8 con ngựa là theo cách đọc của tiếng Hán “bát” nghe tương tự như “phát”. Sẵn dịp cũng xin lưu ý là loại tranh “mã đáo thành công” này thường chỉ dành tặng những người mới bắt đầu làm ăn buôn bán, mới khai trương hoặc những người đang trên đường lập công danh. Và đặc biệt quan trọng là tranh phải treo sao cho đàn ngựa chạy vô trong nhà (đại kị cho ngựa quay đầu ra cửa, coi như tài lộc sẽ ra đi!)

Mùng 10 tháng Giêng theo tập quán là ngày cúng Thần Tài (hay còn gọi là ngày vía Thần Tài). Cũng có kết hợp với cúng Thổ Địa. Đây là ngày vía Thần Tài chính trong năm. Còn ngày mùng 10 âm lịch hàng tháng, người ta cũng cúng Thần Tài, đặc biệt là khi mới gặp vận hên, cần trả lễ.

Nghi thức cúng Thần Tài được chia làm 2 hình thức: cúng mặn (từ tháng 1 tới tháng 6 âm lịch) và cúng chay (từ tháng 7 tới tháng chạp âm lịch). Lễ vật cúng mặn gồm: 1 bình bông, 1 con tôm, 1 con cá lóc nướng, 1 con cua, 1 miếng heo quay, 1 bộ giấy tiền vàng mã, 1 đĩa ngũ quả, chum rượu, gạo, muối hột để cúng lấy vía Thần Tài, cầu xin cho năm mới làm ăn phát đạt. Lễ vật cúng chay gồm: 1 bình bông, 1 đĩa ngũ quả, 1 bộ giấy tiền vàng, chum nước, gạo, muối hột, bánh chay như bánh tét, bánh ngọt…

Cúng mặn hay chay thì người cúng đều phải đọc bài Văn khấn Thần Tài, Thổ Địa như sau:

“- Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

– Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

– Con kính lạy Thần Tài vị tiền.

– Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ Địa cai quản trong xứ này.

Tín chủ con là……………………………..Tuổi…………………………………….

Ngụ tại……………………………………………………………………………………….

Hôm nay là ngày……..tháng……..năm…………..(âm lịch).

Tín chủ con thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quản và các thứ cúng dâng, bày ra trước án kính mời ngài Thần Tài tiền vị và chư vị tôn Thân.

Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì

Phục duy cẩn cáo!”

Nhà tôi chỉ cúng Thần Tài đơn giản với một con cá lóc nướng. (Tôi vẫn thắc mắc hỗng biết hỏi ai: có lẽ vì chỉ cúng Thần Tài đơn giản như vậy nên tôi chớ hề bao giờ trúng số giải đặc biệt).

Cây mai nhà tôi tới hôm nay vẫn rực vàng. Còn một ít nụ sẽ nở tiếp lai rai mấy ngày tới. Nhưng chắc từ ngày mai, 11 tháng Giêng Giáp Ngọ, tôi sẽ phải dời nàng Mai về an dưỡng một nơi khác, chớ nếu ra vô thấy nàng Mai diễm kiều tươi roi rói như vậy, tôi lại tiếp tục ăn Tết nữa thì… mắc cỡ quá chừng!

PHẠM HỒG PHƯỚC

(Saigon 9-2-2014)

CÂY MAI NHÀ TÔI MÙNG 10 TẾT GIÁP NGỌ 2014 (9-2-2014)

140209-phphuoc-mung10giapngo-cungthantai-05_resize

140209-phphuoc-mung10giapngo-cungthantai-03_resize

140209-phphuoc-mung10giapngo-cungthantai-02_resize