Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Lan man về “đạo học ngày nay…”

130214-thkt-hopmat-tetquyti-mochoa-132_resize

 

Tôi vốn không thích bàn tán chi về những chuyện như vầy. Không phải là do mắc bệnh “mackeno” (mặc kệ nó) hay bàng quan trước trách nhiệm với đời, mà đơn giản là tôi không đủ can đảm để khoét thêm những nhát cắt sâu tận tâm can mình. Liệu khả năng của mình, tôi hiểu mình sẽ không thể sống được nếu như xã hội mà mình đang sống cứ trượt dài xuống dốc như thế này. Các chân giá trị đang bị các ngụy giá trị bao vây lấn áp và nhiều giá trị bị đảo lộn tùng phèo.

Tôi chỉ không thể kềm hãm cái sự bức xúc của mình khi nhìn thấy cái địa danh xảy ra vụ việc đau lòng này. Đó là một lớp 11 của trường Trung học Phổ thông Nguyễn Huệ, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định). Khai sanh của tôi ghi mình chun ra cõi đời tại “xã Bình Phú, tổng Phú Phong, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định” vào một ngày cuối tháng khác thường của một năm hồi đó. Sau 1975, quận Bình Khê đổi thành huyện Tây Sơn và xã Bình Phú chia thành 2 xã Tây Phú và Tây Xuân.

Có nghĩa là cái vụ việc này đã chạm tới – không phải là long mạch, mà là cái cọng rún của tôi.

Mà cái vụ gì trầm trọng tới mức cóc phải mở miệng vậy?

Vụ ông thầy và hai học sinh đánh nhau ngay trên bục giảng trước mặt cả lớp. Và clip này (chắc do một học sinh quay bằng điện thoại) đã được phát tán trên Internet trong vài ngày qua gây ồn ào cả cộng đồng mạng vốn đâu có thiếu những chuyện giật gân, thậm chí cả những chuyện “bị giật cho nổi gân”. Cô hiệu trưởng trường đã xác nhận vụ này xảy ra chỉ một vài ngày trước khi trường nghỉ Tết Giáp Ngọ. Theo cô thì cả ba thầy trò đều đã nhận lỗi và xin lỗi. Ngành giáo dục tỉnh cũng đã thụ lý vụ này và sẽ “xử lý nghiêm minh”.

Xin tóm tắt như vầy để cho những ai không dám coi cái video clip đó được biết diễn biến. Một thanh niên 24 tuổi dạy môn Hóa vừa được trường ký hợp đồng một năm cách đây 6-7 tháng gọi một nam sinh lên bục giảng rồi thẳng tay tát liên tiếp (liên hoàn tát) vào mặt học sinh của mình cho dù cậu bé biết lỗi đứng im cho người dạy mình thỏa sức giáng cơn thịnh nộ lên đầu mình. Rồi người đứng lớp đó gọi một nam sinh thứ hai lên bục. Sau vài câu la mắng, người đó lại thẳng tay tát cho cậu bé một cái. Cậu bé này không nhẫn nhịn như bạn mình đã “trả miếng” xông lên đánh trả người vừa tát mình. Cả lớp nãy giờ im phăng phắt chỉ biết trố mắt ngó, giờ rộ lên, một vài nam sinh muốn chạy lên (chẳng biết để tiếp tay bạn học hay can ngăn hai bên), nhưng đã được bạn bè giữ lại.

Phải nói rằng tôi càng thêm buồn nữa cho những đồng nghiệp làm báo của mình khi đưa tin về vụ việc này. Cả hai tờ báo điện tử lớn nhất nước đều khiến tôi lăn tăn. Một tờ tường thuật: “Khi thầy giáo này gọi học sinh thứ 2 lên để răn đe thì bị em này đánh lại, dồn vào góc tường”, trong khi trên clip rõ ràng là người đứng lớp đó đã không chỉ răn đe mà thẳng tay tát vào mặt em thứ hai này dẫn tới việc em này đánh lại. Còn tờ kia thì đặt tựa cho cái clip là “Thầy giáo bất ngờ bị đánh hội đồng sau khi tát học trò tới tấp”. Thầy trò đánh nhau ngoài đời đã tệ, huống chi lại đánh nhau ngay trên bục giảng thì còn trầm trọng hơn bội lần; nhưng gọi là “đánh hội đồng” thì than ôi… Viết như vậy dễ bị suy diễn là muốn đổ lỗi nặng nhất cho các em học trò. Ai xem clip cũng đều thấy rõ điều gì đã xảy ra mà.

Suy cho cùng, cho dù học trò có phạm lỗi nặng tới mức nào, thậm chí hỗn hào với mình ra sao, nếu là một người thầy giỏi, có bản lĩnh, và thật sự là một người thầy, người ta cũng không cho phép mình hành xử với học trò như vậy. Tôi tin rằng nhà trường sư phạm chắc chắn đã dạy cho các sinh viên đủ mọi phương pháp sư phạm, kể cả những bài học kinh nghiệm thực tế khi làm nghề.

Tôi không muốn tranh luận với bất cứ ai về vụ việc quá đau lòng này. Ở đây tôi chỉ dám dàn trải lòng mình ra với những suy nghĩ của riêng minh.

Người châu Á vốn có “truyền thống” thể hiện đủ thứ mặt mang tính lịch sử là “Thương cho roi, cho vọt. Ghét cho ngọt, cho bùi.” Tôi còn nhớ hồi Việt Nam lần đầu tiên tổ chức giải Taekwondo quốc tế tại TP.HCM, phe chủ nhà đã xanh máu mặt khi thấy các huấn luyện viên đội Hàn Quốc dạy học trò mình bằng những cú đấm đá té lên té xuống. Thời trước đi học, chuyện thầy cô đánh học trò chẳng có gì là ầm ĩ. Hồi tôi học tiểu học ở tỉnh Kiến Tường, đang học lớp Tư (tức lớp 2 bây giờ) thì tôi được đặc cách cho lên lớp Ba (tức lớp 3), nhưng do ông thầy Bá dạy lớp Ba nổi danh là hay đánh học trò, tôi rét quá, kiên định lập trường không chịu lên lớp. Rốt cuộc, năm sau tôi vẫn phải học thầy. Và oái oăm thay, mỗi khi có việc đi vắng, thầy đều giao lớp cho tôi quản lý và cho phép tôi được đánh các bạn học nếu như ai quậy phá hay không làm được toán. Con nít mà, nên hễ ngó thấy bạn nào coi bộ “đáng ghét”, tôi lại mời lên bảng rồi ra cho cái đề toán thiệt khó để rồi có thể bắt bạn đó nằm dài trên bục giảng mà lấy cây roi mây của thầy quất lên mông mấy cái, bất kể là nam hay nữ. Một số bạn thường dùng chiêu lót tập vào dưới mông. Thầy có lẽ biết nhưng bỏ qua, còn tôi thì cùng đắp chung chăn với các bạn, biết đâu có rận, làm sao ai qua mặt nổi, nên cứ kêu các bạn lôi “miếng mông-pad” ra mà chịu đòn. Xin nói rõ là các thầy cô hồi đó có phải đánh học trò chỉ là để răn đe và cũng chỉ làm vậy khi quá cỡ thợ mộc rồi. Chẳng ai có thể chấp nhận kiểu đánh học trò như quân thù, quân hằn, đánh cho hả giận. Thầy cô chỉ dùng thước khẻ tay hay đánh vào mông những học trò đáng bị trừng phạt. Tuyệt đối không có vụ đụng chạm tới phần đầu của học sinh. Về mặt tâm linh, đầu là nơi thiêng liêng nhất trong cơ thể để thờ phượng thượng đế và tổ tiên. Về mặt khoa học, đụng chạm mạnh vào đầu có thể gây ảnh hưởng tới bộ não.

Phương pháp sư phạm tiến bộ không cho phép thầy cô xâm phạm tới thân thể và cả tâm hồn học trò. Chửi mắng (không phải là quở trách, la rầy) là xúc phạm tâm hồn người khác. Đánh đập là xâm phạm tới thể xác người khác. Còn vừa chửi mắng, vừa đánh đập thì…

Thầy đánh trò là ác và phản giáo dục. Trò đánh lại thầy là hỗn và vô giáo dục. Không thể có cái lý lẽ gì có thể biện minh cho hai hành vi này. Lẽ ra trong trường hợp này, nếu không phải cả lớp thì lớp trưởng phải dũng cảm đứng ra can ngăn thầy mình trước. Có thể báo phụ huynh để báo với ban giám hiệu, thậm chí nếu ban giám hiệu bao che thì còn những cơ quan hữu trách. Có lẽ em học trò thứ hai cũng nóng tính một chín, một mười với người đứng lớp đó. Nhưng chắc chắn trước đó em đã bị chấn động trước cảnh người đứng lớp tát bạn học mình quá dữ dằn nên cái tát của người đứng lớp đó như cái mồi lửa châm vào bình ga! Nói thì nói vậy thôi, chớ cho dù học lớp 11, các em vẫn là những đứa trẻ tuổi vị thành niên (ở Việt Nam phải từ 19 tuổi trở lên mới là trưởng thành) và chắc chắn chẳng ai dạy cho biết cách ứng xử trong những tình huống ít ai dám nghĩ tới như vầy. Cũng chính vì lẽ này mà các em còn phải học phổ thông và cần được có thầy cô kiểm soát.

Mà chuyện này quá sá tệ hại. Hai người xa lạ đánh nhau đã là không hay ho gì, huống chi đây lại là thầy trò đánh nhau. Phải chăng đây là một dấu hiệu nữa của thực trạng môi trường giáo dục? Người đứng lớp kia đã được dạy ra sao từ khi mới cắp sách đến trường cho tới trong trường sư phạm? Các học trò kia đã được dạy như thế nào? Phải chăng tất cả họ đều có điểm chung là cùng được học trong một môi trường giáo dục như nhau? Chẳng lẽ phải nhại theo cụ Trần Tế Xương mà than rằng: “Cái học ngày nay đã hỏng rồi…” Liệu tôi có phải là một kẻ quá bi quan?

Vốn là một hướng đạo sinh với truyền thống một ngày đi hướng đạo, cả đời là hướng đạo, tôi cũng có quan niệm: một ngày làm thầy, suốt đời là thầy. Tôi vẫn thường lưu ý các bạn trẻ cần phân biệt rạch ròi: người viết báo chưa hẳn là nhà báo, và người dạy học chưa hẳn là nhà giáo. Để được “vác” thêm cái tiền tố “nhà”, người ta phải có tầm và có tâm, nghĩa là phải có tay nghề, có đạo đức, và có tấm lòng. Suy ra, nếu muốn xứng đáng với cái danh hiệu “nhà”, người đó phải biết tự giữ mình. Mà dạy học không chỉ là một nghề, nó còn là một thiên chức mà xã hội trân trọng đặt vào người thầy.

Cũng nên sòng phẳng mà không đổ hết mọi lỗi lên ngành giáo dục về thực trạng sa sút về đạo đức và chệch hướng về nhân cách con người. Nhưng đành rằng một mình ngành giáo dục thì cũng chẳng thể làm nên cơm cháo gì, ngành giáo dục vốn là cỗ máy cái vẫn phải là cái đầu tàu. Đầu tàu có nổ máy thì mọi người mới có thể ghé vai cùng đẩy được chứ! Còn nếu có ai đó nói rằng đầu tàu vẫn luôn nổ máy đó chứ, tôi sẽ ghé tai nhắc họ rằng cần phải bẻ lại cái ghi!

Cần sòng phẳng mà không vơ đũa cả nắm. Bất luận ra sao, vụ việc đáng đau buồn này chỉ là một con sâu làm rầu nồi canh, trong đội ngũ sư phạm luôn có biết bao thầy cô thật là đáng kính, hết lòng vì sứ mạng, dạy học trò như dạy chính con em mình. Nhưng chúng ta cũng phải báo động tìm nguyên nhân và có ngay cách phòng tránh nếu như có nhiều con sâu.

Cuối cùng, điều thiệt lòng tôi mong mỏi, cả ba nhân vật trong vụ việc này đều còn quá trẻ, phải chấp nhận thực tế là họ có thể nông nỗi, nên mở cho họ những cánh cửa thoát ra khỏi gánh nặng này để họ còn có tương lai. Và cũng mong rằng đây là một bài học đáng giá để tránh xảy ra lần nữa ở bất cứ đâu.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 18-2-2014)

 

+ ẢNH: Thầy trò trường Trung học Kiến Tường chúng tôi nay trẻ nhất cũng đã trên 50, sau gần nửa thế kỷ mà lần nào gặp nhau cũng vẫn xúc động và vui như tết. Thầy trò tóc bạc như nhau, có những cựu học sinh đã có cháu cố hay quyền cao chức trọng mà khi nói chuyện với thầy cô cũ vẫn đứng khoanh tay. Có lẽ bởi thầy trò chúng tôi thấm nhuần đạo lý “tôn sư trọng đạo”, thầy luôn là thầy và trò luôn là trò. Tôi cũng thường trải lòng với các thầy cô của mình: “Chính nhờ ngày xưa được thầy cô dạy dỗ đàng hoàng mà tụi em mới có thể nên người. Và cũng vì ngày xưa thầy cô dạy đàng hòang mà tui em cả đời không bao giờ quên được nghĩa tình thầy cô.”

 

VIDEO CLIP:

Thiệt lòng tôi không muốn các bạn coi video clip này đâu. Nhưng vì cần có tư liệu, tôi phải đưa vào đây.
http://www.youtube.com/watch?v=Crb7yP8PBeQ