Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2024

Ăn cơm chay giả mặn

140227-phphuoc-ancomchay-thkt-06_resize

 

Xin lập tức khai thiệt ngay kẻo bị ngộ nhận lại có người xuýt xoa, tiếc rẻ cho tôi, ăn chay ở đây chỉ có nghĩa là không ăn thịt (vegetarian), chớ chẳng phải là có hạnh duyên tu hành. Bởi vậy mới có cái màn giả mặn – các món ăn chay mà được chế biến, tạo hình thịt tôm cá và mang những cái tên như phá lấu, cá kèo kho tiêu, tép rang, đùi gà rôti, cá cơm kho tiêu, sườn ram, chả kho,…

140227-phphuoc-ancomchay-thkt-12_resize

Số là chiều nay, nhóm cựu giáo viên và cựu học sinh trường Trung học Công lập tỉnh Kiến Tường (trước năm 1975) từ thị xã Kiến Tường (Long An) bao xe lên thăm chị Huỳnh Ngọc Phát, cựu học sinh, đang nằm điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy do bị tai nạn giao thông trọng thương hồi cuối tuần trước. Thăm hỏi xong, mọi người kéo nhau đi ăn cơm chay tại quán Thanh Lương trên đường 3-2 gần góc đường Nguyễn Tri Phương.

Quán này khá lớn và cũng đông nghẹt thực khách như phần lớn các quán cơm chay khác. Tôi nhận thấy những năm sau này, nhiều người ở Saigon, nhất là giới trẻ, rất mê các món như fast-food, sushi, buffet và đặc biệt đáng ngạc nhiên là thức ăn chay. Nhiều người bạn của tôi nói rằng mỗi tuần hay vài ba tuần đi ăn chay một bữa cho nó nhẹ người. Vốn là kẻ nhẹ dạ và a dua bẩm sinh, tôi dễ nào chịu không ăn theo họ. Thậm chí, khi có khách, tôi thường “dụ” họ tới mấy tiệm cơm chay ăn cho nó an lành. Xin chớ suy diễn là do tôi muốn tiết kiệm tiền à nghen. Các món ăn chay bao giờ cũng đắt hơn món ăn mặn.

Chỉ có điều, khi tới quán cơm chay, tôi chỉ dám kêu những món thật sự là chay như đậu hũ chiên, đậu hũ kho nấm, rau luộc,… Chớ mấy cái món giả mặn dù coi giống như đồ mặn và ngon lành, nhưng tôi không thích ăn vì cái cảm giác cồm cộm, giống như phải tiếp một cô nàng Thái Lan vốn xuất thân từ một chàng trai thay đổi giới tính.

Như đã nói lúc đầu, ăn chay ở đây chỉ có nghĩa là không ăn mặn, không ăn thịt cá. Vì thế người ta có thể mặc sức mà chế biến, mô phỏng và đặt tên cho các món chay thành món mặn. Cũng nên thông cảm khi họ chỉ là người thế gian, cần phải giả mặn để dễ ăn và ăn ngon. Vấn đề cốt lõi vẫn là nạp được những món làm bằng thực vật ấy vào trong cơ thể. Chớ nếu đây là ăn chay của nguời tu hành thì không hay lắm, giống như lừa nhân thế, gạt Phật thần.

Điều đáng tiếc là không ít chùa chiền cũng chế biến những món ăn giả mặn như vậy mời bá tánh hưởng trong những ngày rằm, ngày lễ Phật. Hồi trước 1975 ở tỉnh Kiến Tường, có mấy dịp ngày rằm dẫn nhóm hướng đạo đi cắm trại tại chùa Tường Vân, tôi thường được mời ăn cơm chay cũng với những món giả mặn như vậy. Một người bạn ở Mỹ cho biết: tại chùa mà bạn thường đi lễ Phật, các sư cô đặt cho những món giả mặn đó những cái tên mang ý nghĩa nhà Phật, tránh không gọi tên chính danh trần tục của chúng.

Tôi thì xưa nay vẫn tâm niệm “tu tự tâm”. Chay tịnh là bởi lòng thành của mỗi tín hữu, không thể gọi là ăn chay tôn giáo khi đầu óc vẫn cứ vương vấn những món mặn tới mức phải làm giả món chay thành món mặn. Tôi nhấn mạnh: đó là nói về ăn chay mang tính tôn giáo.

140227-phphuoc-ancomchay-thkt-10_resize

Tối nay thầy trò tôi vào tiệm cơm chay kêu mỗi người một tô hủ tíu Nam Vang hay hủ tíu thập cẩm rồi chèn thêm món bánh xèo vàng ruộm và những cuốn gỏi cuốn đậm đà nhiều hương vị. Phải công nhận là tiệm nấu ăn ngon (không ngon mà chật khách như vậy) và chế biến rất khéo tay, những con tôm, viên chả cá, miếng mực bằng thực vật mà giống như đồ mặn thật sự với cả thị giác, vị giác và xúc giác. Cái món nước dùng nấu hủ tíu quả là “ngon từ củ, ngọt từ lá” (chớ hỗng phải “ngon từ thịt, ngọt từ xương” như một hãng bột nêm quảng cáo).

Cứ tin tôi đi, ăn chay – dù dưới hình thức nào – cũng đều rất tốt (ăn chay ở đây không có nghĩa là khổ hạnh, ép xác, kham khổ). Nếu có tâm chay tịnh, bạn sẽ cảm nhận được tâm hồn mình nhẹ nhàng, thơi thới, thanh thản. Nếu chỉ để tránh thịt cá, bạn sẽ thấy thân thể mình nhẹ nhõm, phơi phới.

Bạn tôi nói ăn chay mau đói lắm. Thiệt tình, làm một tô hủ tíu thập cẩm chay no căng bụng rồi mà vài tiếng sau đó để đủ sức ngồi gõ những dòng này, tôi đã phải ém thêm vô bao tử hai chén cơm với thịt kho hột vịt xịn!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 27-2-2014)

140227-phphuoc-ancomchay-thkt-01_resize

Từ trái qua: thầy Nguyễn Văn Hòa, thầy Trần Văn Thới, ông Nguyễn Văn Tấn (Chủ tịch Hội Khuyến học Kiến Tường), thầy Võ Xuân Sơn, cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy và anh Trần Ngọc Bách. Giàng ơi, ý ẹ, coi thầy Hòa và cô Ngọc Thủy ăn cơm chay mà vẫn liếc mắt nhìn nhau tình tứ kìa!

140227-phphuoc-ancomchay-thkt-02_resize

Từ trái: chị Quang Trịnh Hảo, anh Trần Ngọc Răng, anh Nguyễn Thanh Liêm, anh Nguyễn Văn Dũng, chị Trần Thị Hên và chị Trần Thị Thanh Nguyên.

140227-phphuoc-ancomchay-thkt-03_resize

Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, chị Trịnh Hảo, anh Ngọc Răng, anh Thanh Liêm.

140227-phphuoc-ancomchay-thkt-04_resize

Thầy Xuân Sơn, cô Ngọc Thủy, anh Ngọc Bách.

140227-phphuoc-ancomchay-thkt-05_resize

Những món ăn chay giả mặn.

140227-phphuoc-ancomchay-thkt-07_resize

Những món ăn chay giả mặn.

140227-phphuoc-ancomchay-thkt-08_resize

140227-phphuoc-ancomchay-thkt-13_resize

Tô hủ tíu thập cẩm chay giả mặn.

140227-phphuoc-ancomchay-thkt-15_resize

Tác giả và tô hủ tíu thập cẩm chay.