Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Ngày Cá tháng Tư, tôi đã tỏ tình thành công…

phphuoc-bikinis

 

Cá tháng Tư 1-4 là ngày nói láo có pa-tăng, được cầu chứng tại tòa, được cộng đồng phê chuẩn.

Người nói tiếng Anh gọi ngày Cá tháng Tư là April Fools’ Day hay All Fools Day. Tôi chỉ dám dịch theo nghĩa an lành “ngày của những người bị lừa tháng Tư”, chớ hề dám dùng từ “fool” theo nghĩa “kẻ ngu ngốc” hay “người khờ dại”. Khi có kẻ cố tình bày mưu tính kế để lừa ai đó thì chuyện ngu hay khôn, khờ dại hay lanh lợi nào có ý nghĩa gì nữa đâu. Nhưng đó là chuyện cuộc đời, ấm ức dữ lắm rồi nên sẵn trớn vọt miệng nói thêm thôi. Chớ ngày Cá tháng Tư chỉ vui là chính thôi mà! Kẻ nào lợi dụng ngày Cá tháng Tư cho những ý đồ xấu thì kiếp này quăng cho cá piranha nó rỉa, kiếp sau bị đầu thai làm loài cá vồ… Lại tức quá nói sảng rồi!

Ngày Cá tháng Tư hiện giờ không phải là một ngày lễ (holiday) hay một lễ hội (festival), nhưng được nhiều nước công nhận rộng rãi là ngày dành cho người ta đùa giỡn và đánh lừa nhau với mục đích chọc cười, đùa vui.

Có lẽ do chính cái tên nó vận vào mà ngày Cá tháng Tư chẳng có được một lịch sử rõ ràng. Có nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc của nó.

Xưa thì có nguồn như của Joseph Boskin, một giáo sư sử học của Đại học Boston (Mỹ) nói tập tục này có từ thời Đại đế Constantine của Đế chế Roma hồi thế kỷ thứ 3, thứ 4. Một nhóm những anh hề đã tâu với nhà vua rằng họ có thể cai trị đế chế còn tốt hơn nhà vua nữa. Khoái chí, hoàng đế Constantine cho phép một anh hề tên Kugel được làm hoàng đế trong một ngày. “Hoàng đế” Kugel bèn ra một chỉ dụ bắt mọi thần dân làm những chuyện vô lý trong ngày đó. Và thế là tập tục này trở thành một sự kiện hàng năm.

Gần hơn thì dựa vào tập sách Những câu chuyện kể xứ Canterbury (Canterbury Tales) hồi cuối thế kỷ 14 của nhà thơ Anh Geoffrey Chaucer. Trong chuyện kể của ông, con gà trống tự phụ Chauntecleer đã bị một con cáo nó đánh lừa vào ngày… thứ 32 sau tháng 3 (32 days after March). Rồi sau đó có những câu chuyện kể về những vụ lừa gạt nhau trong ngày 1-4. Từ điển bách khoa online Wikipedia kể: Năm 1508, nhà thơ Pháp Eloy d’Amerval đã nhắc tới cụm từ “poisson d’avril” (trò lừa gạt tháng 4), có lẽ để chỉ ngày này. Năm 1539, nhà thơ xứ Flanders, Eduard de Dene kể chuyện một nhà quý tộc sai những người hầu của mình làm những chuyện vặt vãnh có tính ngu ngơ trong ngày 1-4. Năm 1686, lần đầu tiên người Anh nói tới ngày này khi nhà văn và nhà khoa học tự nhiên John Aubrey gọi ngày 1-4 là “ngày lễ của những trò lừa gạt” (Fooles holy day). Một trong những vụ đánh lừa mang tính tập thể và có tổ chức bài bản nhất xảy ra ngày 1-4-1698 khi hàng trăm người đã bị lừa tới Tháp Tower of London để “xem các sư tử được rửa” (see the Lions washed).

Nguồn gốc của ngày Cá tháng Tư cũng được gắn với lịch sử ngày Tết Năm mới (New Year’s Day) ở châu Âu. Từ thế kỷ 16 đổ về trước, người ta dùng lịch Julian do Hoàng đế La Mã Julius Caesar ban bố hồi năm 46 trước Công nguyên. Mãi tới năm 1582, Đức Giáo hoàng Gregory XIII ban hành loại lịch mới gọi là lịch Gregorian hiện được cả thế giới sử dụng cho tới nay. Trong lịch Julian cũ, mặc dù năm mới được tính từ ngày 1-1 (quy đổi ra là ngày 14-1 theo lịch Gregorian), nhưng người ta chính thức mừng Tết Năm mới vào những ngày khác nhau tùy theo một số nước. Hầu hết mừng Tết vào ngày 25-3 và tổ chức lễ hội tới tận ngày 1-4. Trong khi đó, lịch Gregorian quy định ngày Tết đúng vào ngày 1-1. Ban đầu, do không biết, nhiều người vẫn tiếp tục ăn Tết vào ngày 1-4. Và sự chệch choạc giữa lịch mới, lịch cũ thời gian đầu gây ra những sự cố “bị hố” dở khóc, dở cười. Có những người đã lấy cái tình cảnh này làm trò vui, cố tìm cách để khiến người khác tin vào những điều không có thật. Dần dần, ngày 1-4 không còn là Tết nữa mà biến thành một ngày vui nhộn dành cho những trò đùa, đánh lừa nhau lấy vui.

Ngày Cá tháng Tư ở Việt Nam chính là ngày víìa Bác Ba Phi, một trong những tổ sư nói khoác của người Việt.

Mà thôi, không thèm truy nguyên nữa cho nó thêm nhức đầu. Biết sơ sơ là đủ rồi. Cái điều cần nhất là biết ngày 1-4 là ngày Cá tháng Tư, ngày cả thế giới đùa giỡn nhau. Ta biết để mà nghĩ cách chọc phá nhau cho vui cửa vui nhà, và biết để mà có bị ai đó lừa thì cũng cười khì mà rằng “cá tháng 4 mà”, chẳng để tâm mà quạu quọ chi cho mất lòng họ mà còn tổn thọ.

Xưa nay tôi vẫn coi ngày Cá tháng Tư là cơ hội duy nhất trong năm để mà tỏ tình hay cầu hôn với ai. Giàng ơi, yêu người ta hỗng có dễ mà làm sao thố lộ cho người ta biết tình cảm của mình mới là gian nan. Trong đầu quay mòng mòng biết bao câu hỏi, biết bao sự ngại ngần. Lời nói đã phát ra khỏi miệng là không thể rút lại. Lỡ mình tỏ tình nay cầu hôn mà nhẹ thì bị người ta từ chối, nặng thì nghe chửi, ăn giày cao gót thì sao. Mắc cỡ là một chuyện, cái đáng ân hận hơn là sẽ mất đi một mối quan hệ đang tốt đẹp. Bởi vậy, chỉ có ngày Cá tháng Tư mới giúp giải nguy cho tôi. Vào ngày đó, tôi tỏ tình với ai đó, nếu số đỏ được họ ưng thì phước bốn mươi đời tới luôn bác tài; còn rủi có bị họ từ chối thì mình chỉ việc nén đau thương mà làm mặt tỉnh, cười hề hề phán một câu: “Cá tháng Tư đó”. Ắt có bạn sẽ nghĩ tới sự cố “gậy ông đập lưng ông” nói rằng lỡ người ta cũng chơi trò gật đầu theo kiểu cá tháng Tư thì sao? Cái này thì hên xui và tùy bản lĩnh của người tỏ tình. Bởi mình tỏ tình thiệt trong cái ngày nói láo nên mọi dáng vẻ, cử chỉ, lời nói đều thiệt 100% tự đáy lòng mình, đâu có đóng kịch. Mà phụ nữ vốn nhạy cảm hơn đàn ông, liếc con ruồi bay qua là họ biết con nào đực, con nào cái, con nào pêđê liền, huống chi trong cái chuyện trái tim này, họ cảm nhận được ngay thôi – nếu như họ cũng đồng cảm, “tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Còn nếu như người ta chẳng có gram tình cảm gì với mình hay tình cảm chưa đủ nóng tới “điểm sôi” thì âu cũng đành chịu duyên số mà khuya sang rạng sáng ngày 2-4 nghêu ngao: “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn…” Lại hy vọng vào ngày Cá tháng Tư năm 2015!

Bất luận ra sao, ngày 1-4 vẫn là một ngày trong năm và một ngày trong cuộc sống mỗi người. Mọi sinh hoạt vẫn diễn ra “một ngày như mọi ngày”. Chỉ có điều, do ngày này đã bị “đồng hóa” với “ngày xạo toàn cầu”, nên hễ nhìn thấy cái gì ghi ngày 1-4, ta cũng nghi hoặc. Tôi nghĩ nếu không liên can gì tới ngày Cá tháng Tư, có lẽ ta nên gọi ngày này là… 32-3 (March 32). Thì cũng giống như để kiêng con số 13 bị coi là xui xẻo, người ta gọi nó là 12 bis đó mà. Tất nhiên, làm gì có ngày 32-3 trên lịch (không tính khả năng xài lịch PHP Calendar), mà ta hiểu rằng đó là ngày thứ 32 kể từ đầu tháng 3.

Là người có văn hóa và có tâm, người ta phải biết cẩn thận khi bịa chuyện, không nên để cho cái hứng khởi của mình nó lấn át. Chuyện nói xạo trong ngày Cá tháng 4 chỉ nhằm mục đích làm cho người khác cười vui, không được gây hại cho ai và càng không nên biến ai thành trò cười.

Thiệt tình, trong ngày Cá tháng Tư, tôi chỉ dám tin có một điều duy nhứt là thiệt: bữa nay là ngày 1-4!

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 1-4-2014, tức 32-3-2014)

april-fools-day