Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Chuyến bay MH370 bí ẩn: ngày thứ 37 lại trở lại với con số 0

140406-mh370-pings

 

Suốt gần một tuần qua, khi Trung Quốc rồi Úc thông báo nhận được tín hiệu ping lạ từ dưới đại dương trong khu vực Ấn Độ Dương ngoài khơi thành phố Perth (Úc) mà lực lượng tìm kiếm quốc tế hùng hậu quần đảo nhiều ngày qua, người ta lại có thêm niềm hy vọng sẽ tìm được manh mối chuyến bay MH370 của hãng Hàng không Malaysia bị mất tích bí ẩn từ sáng sớm 8-3-2014 khi vừa cất cánh khỏi sân bay quốc tế Kuala Lumpur để bay đi Bắc Kinh. Thủ tướng Úc Tony Abbott đã nhiều lần đăng đàn bày tỏ sự lạc quan.

Trong khoảng thời gian từ ngày 5-4 tới 8-4, tàu tìm kiếm Ocean Shield của Úc có gắn thiết bị dò tìm tín hiệu hộp đen, đã nhận được 4 tín hiệu âm thanh từ dưới đáy đại dương phát ra. Các chuyên gia khẳng định những âm thanh này phù hợp với loại tín hiệu do 2 chiếc hộp đen của máy bay phát ra. Tất nhiên, đó là máy bay nói chung chứ không thể xác định được có phải là của MH370 không. Nhưng khi trong thời gian qua không có một tai nạn máy bay nào khác ở khu vực này, người ta đặt niềm hy vọng đó chỉ có thể là của MH370.

Nhưng rồi, kể từ ngày 8-4 tới nay, không hề nhận được một tín hiệu ping nào nữa. Điều này đã được lường trước, vì bình thường thì pin nuôi máy phát tín hiệu của các hộp đen chỉ đủ để chạy trong vòng 30 ngày. Đến ngày 8-4 là đúng y chang 30 ngày chẳng thể trả giá thêm bớt.

Ngày 12-4-2014, trong ngày cuối cùng của chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Úc Abbott nói tại Bắc Kinh rằng: “Không ai có thể đánh giá được các khó khăn của nhiệm vụ đang ở phía trước chúng ta.” Cuộc tìm kiếm chiếc máy bay Boeing B777-200ER với 239 người trên đó sẽ phải kéo dài chưa biết tới khi nào.

Cuộc tìm kiếm chuyến bay MH370 bắt đầu ngày 8-3 ở khu vực Biển Đông của Việt Nam, nằm giữa duyên hải phía đông của Malaysia và Mũi Cà Mau. Ngày 15-3, Thủ tướng Najib Razak của Malaysia trong lần xuất hiện đầu tiên tại một cuộc họp báo quốc tế về cuộc tìm kiếm chuyến bay MH370 đã đọc một bài phát biểu viết sẵn, trong đó tuyên bố chính thức ngừng tìm kiếm ở khu vực Biển Đông. Trước đó, những nỗ lực tìm kiếm đã chuyển sang duyên hải phía Tây của Malaysia, ở vùng Biển Andaman và Vịnh Bengal thuộc phía bắc Ấn Độ Dương ngoài khơi Ấn Độ. Cùng lúc đó, những phân tích từ các tín hiệu mà vệ tinh nhận được từ thiết bị liên lạc tự động trên máy bay dẫn cuộc tìm kiếm xoay về hướng phía nam Ấn Độ Dương ngoài khơi Úc. Từ đó tới nay, tất cả mọi nỗ lực tìm kiếm chính đều diễn ra ở vùng biển rộng lớn và xa xôi hẻo lánh có điều kiện thời tiết khắc nghiệt này. Các vệ tinh và máy bay tìm kiếm đã phát hiện hàng trăm vật thể nổi trên vùng biển này, nhưng rút cuộc chẳng tìm được một thứ gì có liên quan tới MH370.

Ngày 5-4, trong khi mọi người nản lòng, tàu tuần tra Hải Tuần (Haixun) 01 của Trung Quốc loan báo dò tìm được một tín hiệu âm thanh có tần số 37.6KHz trong khi đang tìm kiếm ở khu vực phía nam Ấn Độ Dương, ngoài khơi Perth. Nhưng theo các chuyên gia, tín hiệu âm thanh truyền dưới nước với tần số đó thì không thể là của MH370. Sau đó, tàu này dò tìm được một tín hiệu thứ hai dài hơn.

Giống như con bệnh phải vái tứ phương, ngày 6-4, có tới 12 chiếc máy bay và 13 chiếc tàu được các nước đang tham gia tìm kiếm phái tới khu vực mà tàu Trung Quốc báo có tín hiệu âm thanh. Ngày hôm sau, Úc thông báo tàu Ocean Shield của mình đã dò được tín hiệu âm thanh đầu tiên trong suốt 2g20ph. Rồi tín hiệu thứ hai dài 13 phút. Chỉ có điều, các tín hiệu này ở cách nơi tàu Trung Quốc phát hiện tín hiệu khoảng 600km về hướng đông bắc. Và tới ngày 8-4 thì đại dương chìm trong im lặng.

Với việc phát hiện ra những tín hiệu ping này, người ta đã thu gọn khu vực tìm kiếm được khoảng 2 phần 3. Người ta đã dùng tàu ngầm và thợ lặn để cố gắng dò tìm nguồn phát các tín hiệu đó. Khu vực tìm kiếm dưới nước giờ đây rộng 1.300km vuông (500 dặm vuông), tức bằng diện tích thành phố Los Angeles của Mỹ. Thiết bị lặn tự động Bluefin 21 đã lặn lâu hết mức có thể được ở khu vực dò được tín hiệu ping. Tuy nhiên, nó sẽ phải mất từ 6 tuần tới 2 tháng mới có thể kiểm tra hết khu vực dưới biển này. Tín hiệu được tính là phát từ độ sâu 4.500m (15.000ft) dưới đáy biển, và đây là độ sâu nhất mà thiết bị Bluefin 21 có thể lặn tới.

Trong khi đó, việc tìm kiếm các vật nổi trên mặt biển vẫn đang được tiến hành. Khu vực này hôm 13-4 đã lên tới 57.506km vuông (22.203 dặm vuông), mở rộng thêm khoảng 2.200km (1.367 dặm) về hướng tây bắc của duyên hải Perth. Có tới 12 chiếc máy bay và 14 chiếc tàu tham gia cuộc tìm kiếm trong ngày Chủ nhật 13-4-2014 này.

Trong tuần qua, cùng với chuyện dò tìm được tín hiệu ping được cho là từ hộp đen máy bay ở vùng biển ngoài khơi Úc, người ta còn bị chấn động với tin do báo Nga Moskovsky Komsomolets ngày 7-4 đưa viện dẫn nguồn tin tình báo tuyệt mật của Nga là chuyến bay MH370 đã bị một kẻ tên là Hitch bắt cóc, uy hiếp phi công lái về đáp xuống Afghanistan gần biên giới với Pakistan. Tất cả mọi người trên máy bay đều còn sống và đang bị phân thành từng nhóm giữ làm con tin ở Afghanistan. (http://www.mk.ru/incident/article/2014/04/07/1010283-razvedka-malayziyskiy-boing-ugnal-chelovek-po-klichke-hich-zahvachennyie-spetsialistyi-v-pakistane.html)

Thú thiệt, tôi đã bị sốc khi đọc được tin này từ bà con bên Mỹ báo cho hay. Và để kiểm chứng, tôi đã vào trang điện tử của báo Nga này để tìm bài báo đó rồi nhờ cậy ông thầy Google Translate dịch giùm từ tiếng Nga sang tiếng Anh. Đây không phải là một tờ báo vô danh tiểu tốt phải tạo scandal để nổi tiếng. Tờ báo này ra đời từ năm 1919 và ngày trước là cơ quan của Đoàn TNCS Liên Xô.

Tôi chẳng hiểu họ có những tư liệu riêng gì để thông tin như vậy. Đây là một thông tin cực kỳ nhạy cảm và mang tính nhân đạo cao khi đụng chạm tới nỗi đau của thân nhân 239 người thuộc 14 quốc tịch. Trong những trường hợp như thế này, mọi tuyên bố, thông tin đều phải hết sức thận trọng.

Tôi tin rằng những người đọc bình tĩnh sẽ thấy bài viết này có những vấn đề thuộc level “bó tay”. Làm cách nào chiếc Boeing B777-200ER to đùng này lại có thể bay một mạch qua lãnh thổ hàng loạt nước trên đường từ Malaysia tới Nam Á mà không bị ai phát hiện? Afghanistan là nước mà Mỹ đang tham chiến suốt từ năm 2001 tới nay, có thể nói rằng không có một gốc cây, ngọn cỏ nào thoát ra khỏi được con mắt của các vệ tinh dọ thám, thiết bị bay không người lái của Mỹ, lẽ nào nguyên con B777-200ER lại có thể nằm tỉnh bơ ở đó.

Nhưng nói vậy chớ trong bụng tôi (không phải trong đầu tôi nghen) trước nay luôn cầu mong cho chuyến bay MH370 đó thật sự bị bắt cóc. Ít ra như thế vẫn còn có người sống sót.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 13-4-2014)

 

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

140330-mh370-underwater-device-perth

Thiết bị lặn tự động để tìm kiếm hộp đen. (AP Photo/Rob Griffith)

140406-mh370-pings

140406-mh370-pray-kualalumpur-02

Tại Kuala Lumpur ngày 6-4-2014.

140407-mh370-russia-mk-01

Bài viết trên tờ báo Nga MK ngày 7-4-2014 về chuyến bay MH370 mà tác giả cho là bị bắt cóc đang ở Afghanistan.

140411-mh370-us-perth-01

Nhân viên phi hành Mỹ đang tìm kiếm MH370 trên Ấn Độ Dương từ một chiếc  P-8 Poseidon ngày 10-4-2014. Họ có cả phù hiệu củs đội tìm cứu MH370. (AFP Photo/Keith Devinney)

140412-mh370-china-il76-landing-perth-01

Hai chiếc máy bay Ilyushin IL-76 của Trung Quốc tại sân bay Perth ngày 12-4-2014 sau một phi vụ tìm kiếm MH370. (AP Photo/Rob Griffith)

140412-mh370-cmap-perth-01

140412-mh370-us-p8-perth-01

Máy bay U.S. Navy P-8 Poseidon hạ cánh từ sân bay Perth (U1c) ngày 12-4-2014 sau một phi vụ tìm kiếm MH370. (AP Photo/Rob Griffith, Pool)

140413-mh370-china-il76-landing-perth-01

Máy bay Ilyushin IL-76 của Trung Quốc (bên phải) hạ cánh tại sân bay Perth ngày 13-4-2014 sau một phi vụ tìm kiếm MH370. (AP Photo/Rob Griffith, Pool)

140413-mh370-china-il76-landing-perth-02

Máy bay Ilyushin IL-76 của Trung Quốc hạ cánh tại sân bay Perth ngày 13-4-2014 sau một phi vụ tìm kiếm MH370. (AP Photo/Rob Griffith)

140413-mh370-pray-kualalumpur-01

Cúng cầu cho người thân tại Kuala Lumpur ngày 13-4-2014.

140413-mh370-us-p8-takeoff-perth-01

Máy bay U.S. Navy P-8 Poseidon cất cánh từ sân bay Perth (U1c) ngày 12-4-2014 để bắt đầu một phi vụ tìm kiếm MH370. (AP Photo/Rob Griffith, Pool)