Chủ nhật 27-4-2014, giáo hội Vatican có thêm 2 vị thánh là giáo hoàng
Ngày Chủ nhật 27-4-2014 tại Rome (Ý), Đức Giáo hoàng Francis sẽ làm lễ tuyên thánh 2 vị giáo hoàng John XXIII và John Paul II từ hàng Chân phước (Beatification) lên bậc Hiển thánh (Saint). Đây là 2 vị thánh giáo hoàng mới nhất của Giáo hội Công giáo Vatican hiện có hơn 1,16 tỷ giáo dân trên khắp thế giới. Không thể biết chính xác tổng số các vị thánh của Giáo hội Rome đã được tuyên. Đài truyền hình Fox của Mỹ ngày 25-4-2014 cho biết tác phẩm “Lives of the Saints” có ghi danh sách 2.565 vị thánh.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử có 2 vị cố giáo hoàng cùng được tuyên thánh với nhau. Thêm một chi tiết hi hữu là cố Giáo hoàng John XXIII đã được Giáo hoàng John Paul II tuyên lên hàng Chân phước năm 2000 và giờ đây cả hai Ngài cùng được tuyên thánh một lúc với nhau. Sự kiện này càng có tính lịch sử hơn khi 2 vị cố Giáo hoàng này được tuyên thánh bởi 2 vị Giáo hoàng còn đang sống: Đức Giáo hoàng Francis chủ lễ với sự tham dự của người tiền nhiệm là Đức Giáo hoàng Danh dự Benedict XVI. Việc Giáo hội Rome cùng một lúc có 2 giáo hoàng còn sống là cực kỳ hiếm, lần đầu tiên trong vòng 600 năm nay.
ĐỨC GIÁO HOÀNG JOHN XXIII
Sinh ngày 25-11-1881 tại Ý với tên khai sinh là Angelo Giuseppe Roncalli, Đức Giáo hoàng Joan XXIII (Gioan 23) được tấn phong Giáo hoàng ngày 28-10-1958 và qua đời tại Vatican ngày 3-6-1963.
Khi Giáo hoàng John XXIII trở thành người đứng đầu Giáo hội Công giáo Rome ở tuổi 77, nhiều người đã nghĩ Ngài sẽ là một chủ chăn đơn giản. Tuy nhiên, với tính cách quyết đoán, Ngài đã dẫn đầu một quá trình hiện đại hóa giáo hội xưa nay vốn bị coi là bảo thủ, trì trệ. Ngài đã chủ động hòa giải, thắt chặt mối quan hệ hơn nữa với Do Thái giáo. Ngài đã tích cực làm việc để cải thiện các mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo và các tôn giáo khác cùng thờ Thiên chúa, đặc biệt là Anh giáo, Chính thống giáo phương Đông và Tin lành.
Người ta nói rằng đương kim Giáo hoàng Francis hiện nay chính là một hiện thân của Đức Giáo hoàng John XXIII với cách sống đơn sơ, khó nghèo và có đầu óc cải tổ. Angelo Pansa, một nhà sử học chuyên nghiên cứu về thời đại của Giáo hoàng John XXIII nhận xét: “Có một sự tiếp nối về tâm hồn và tư tưởng giữa Đức John XIII và Đức Francis.”
Chưa đầy 3 tháng sau khi lên ngôi Giáo hoàng, Đức John XIII đã tuyên bố chuẩn bị mở Công đồng Vatican 2 (Second Vatican Council), một cuộc họp toàn cầu của các giám mục Công giáo vào tháng 10-1962 và mở đường cho cuộc cách mạng hóa chưa từng thấy trong toàn giáo hội.
Gây bối rối cho những đầu óc bảo thủ ở Vatican, Đức Giáo hoàng John XXIII đã nói với đám đông giáo dân và không phải giáo dân tụ tập trên Quảng trường St Peter vào ngày khai mạc Công đồng rằng Ngài khao khát làm chiếc cầu nối cái lỗ hổng giữa Giáo hội và giáo dân. Ngài nói rằng: “Cả thế giới có mặt tại đây tối nay, ngay cả mặt trăng cũng gấp gáp lại gần để quan sát quang cảnh này. Khi về nhà mình, các bạn hãy ôm và hôn các con mình, nói với chúng rằng: “Đây là cái ôm và nụ hôn của Giáo hoàng.”
Đức John XXIII là vị giáo hoàng đầu tiên rời khỏi ranh giới Tòa thánh Vatican để tới thăm viếng các xứ đạo và các bệnh viện tại thành phố Rome – một truyền thống mà các giáo hoàng sau này đã noi gương.
Không sống được cho tới khi Công đồng mà mình khởi xướng kịp kết thúc, Ngài đã mất vì chứng ung thư dạ dày chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi viết Tông huấn Giáo hoàng “Pacem in Terris” (Hòa bình trên Trái đất). Tông huấn của ngài viết cho tất cả mọi người có thiện chí, không phải chỉ dành riêng cho người Công giáo. Người ta coi đây là một phản ứng của Đức Giáo hoàng John XXIII đối với tình hình thế giới đang bị chìm giữa cuộc Chiến tranh Lạnh. Nhà sử học Pansa cho biết: Đức John XXIII muốn mở ra một cánh cửa cho Liên Xô, lúc đó bị phương Tây coi như “đế chế ma quỷ”. Như một biểu tượng cho sự giao hòa giữa Nhà Trắng và Điện Kremlin, Đức John XXIII đã tặng những xâu chuỗi tràng hạt cho con của nhà lãnh đạo Xô Viết Nikita Khrushchev và của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Tạp chí Time đã chọn Đức John XXIII là Nhân vật của năm 1962, ca ngợi ngài là một người kiến tạo hòa bình (peacemaker) sau khi những lời của ngài đã giúp tháo ngòi căng thẳng trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba hồi đó.
Chính Công đồng Vatican 2 do Đức John XXIII khởi xướng đã dẫn tới những sự cải tổ hiện đại hóa và mang tính cách mạng trong Giáo hội Công giáo. Một trong những sự thay đổi là cho phép các linh mục trên toàn thế giới được làm lễ bằng tiếng bản địa thay vì chỉ được dùng tiếng Latinh – một tử ngữ. Hãy nghe Đức John XXIII nói về mục đích mình triệu tập Công đồng Vatican: ” Tôi muốn mở cửa sổ của Giáo hội để chúng ta có thể nhìn những gì đang xảy ra bên ngoài và để cho thế giới có thể nhìn thấy những gì đang diễn ra bên trong.”
Đức John XXIII đã được Đức Giáo hoàng John Paul II tuyên lên hàng Chân phước vào tháng 8-2000, dựa trên phép lạ mà ngài làm để chữa bệnh cho nữ tu Ý Caterina Capitani. Nữ tu này đã chịu một cuộc giải phẫu lấy khối u ung thư trong dạ dày và được tiên lượng là không sống được. Nhưng bà đã đột ngột bình phục một cách hoàn hảo sau khi cầu nguyện với Đức John XXIII. Một ủy ban y khoa đã xác nhận không thể giải thích về khoa học đối với sự kiện này.
Và điều hy hữu là ngày 27-4-2014, cả hai vị giáo hoàng này cùng được tuyên thánh một lượt với nhau.
ĐỨC GIÁO HOÀNG JOHN PAUL II
Sinh tại Ba Lan ngày 18-5-1920 với tên khai sinh Jan Paweł II, Đức Giáo hoàng John Paul II (Gioan Phaolô đệ nhị) đã lên ngôi ngày 16-10-1978 và qua đời ngày 2-4-2005.
Đức John Paul II là một giáo hoàng trẻ (lên ngôi năm 58 tuổi) và là vị giáo hoàng tại vị lâu năm thứ hai trong lịch sử giáo hội. Ngài cũng là giáo hoàng đầu tiên không phải người Ý kể từ sau Giáo hoàng Adrian VI người Hà Lan (mất năm 1523).
Đức John Paul II là một trong những nhân vật quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20. Ngài cũng là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đi nhiều nhất, tới thăm 129 nước với tổng đường dài hơn 750.000 dặm trong gần 27 năm tại vị. Tổng số chuyến thăm nước ngoài của Ngài nhiều hơn tổng số chuyến xuất ngoại mà tất cả các vị giáo hoàng khác cộng lại.
Theo gương Đức John XXIII, Đức John Paul II đã tạo được những cải thiện đáng kể về các mối quan hệ giữa Giáo hội Công giáo với các tôn giáo bạn như Do Thái giáo, Hồi giáo, Chính thống giáo phương Đông và Anh giáo. Ngài nói mình khát khao được đặt Giáo hội của mình vào giữa một liên minh tôn giáo mới mà sẽ đem các tín đồ Do Thái giáo, Hồi giáo và Thiên chúa giáo lại với nhau trên một đội tàu tôn giáo vĩ đại. Ngài đã viết nhiều tông huấn nói về vai trò của Giáo hội trong thế giới hiện đại.
Đức John Paul II đã tuyên Chân phước cho 1.340 người và tuyên Hiển thánh cho 483 vị, nhiều hơn số vị thánh mà tất cả các vị tiền nhiệm của ngài đã tuyên trong 5 thế kỷ trước đó.
Đức John Paul II đã được lập thủ tục tuyên thánh cực sớm, ngay trong năm 2005 chỉ một thời gian ngắn sau khi ngài qua đời. Sau thời gian chờ đợi 5 năm theo truyền thống, ngài đã được người kế vị là Đức Giáo hoàng Benedict XVI tuyên lên bậc Đáng kính (Venerable) ngày 19-12-2009. Rồi ngài được tuyên bậc Chân phước ngày 1-5-2011 sau phép lạ chữa lành bệnh Parkinson cho nữ tu người Pháp Marie Simon Pierre, năm nay 47 tuổi. Theo quy định, chỉ cần một phép lạ nữa được xác định là Ngài đủ tiêu chuẩn để được tuyên là Hiển thánh (Saint). Có hàng ngàn báo cáo phép lạ đã được gửi về Vatican từ khắp thế giới. Và ngày 2-7-2013, Tòa thánh đã xác định được phép lạ thứ hai của Đức John Paul II là chữa lành chứng phình mạch não cho chị Floribeth Mora Diaz ở Costa Rica, người hồi năm 2011 được bệnh viện cho biết chỉ còn sống được 1 tháng.
XEM TRỰC TIẾP LỄ TUYÊN THÁNH TRÊN KÊNH YOUTUBE
Lâu nay, người ta thường gọi sự kiện này là “phong thánh”. Tiếng Anh gọi là “canonization”. Thật ra, theo nhiều nhà chuyên môn, phải gọi chính xác là “tuyên thánh”. Bởi đây chỉ là một nghi thức xác định việc Giáo hội chính thức nhìn nhận (recognition) các vị là thánh. Giáo hội không có quyền phong thánh cho bất cứ ai và theo cách hiểu chung thì bất cứ ai đã được Chúa cho lên Thiên đàng sau khi qua đời đều là thánh. Chỉ có Thiên chúa mới là đấng duy nhất phong thánh cho những người đi theo mình. Quy trình tuyên thánh của Giáo hội Rome cực kỳ phức tạp. Các bạn có thể tham khảo ở đây (http://tinyurl.com/tuyenthanh)
Thánh lễ tuyên Hiển thánh cho hai cố Giáo hoàng John XXIII và John Paul II sẽ được Đức Giáo hoàng Francis cử hành tại Quảng trường St Peter lúc 10 giờ sáng Chủ nhật 27-4-2014 (giờ Rome), tức 3 giờ chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam.
Theo truyền thông quốc tế, sẽ có 9 vệ tinh thuộc hệ thống Eutelsat, cộng thêm các vệ tinh đã dùng trong dịp thế vận hội Olympic mùa đông ở Sochi (Nga) truyền hình trực tiếp lễ tuyên thánh trên toàn thế giới. Đài Sky sẽ có 15 máy thu hình theo kỹ thuật Ultra HD 4K.
Để giúp các giáo dân Công giáo Việt Nam ở trong nước và trên khắp thế giới có thể dễ dàng theo dõi và hiệp thông trong sự kiện này, kênh YouTube của Dòng Tên Việt Nam sẽ trực tiếp truyền hình và thông dịch bằng tiếng Việt thánh lễ tuyên thánh từ Rome. Chương trình truyền hình sẽ bắt đầu từ 2g30.
Mời xem truyền hình trực tiếp:
http://www.youtube.com/watch?v=2qTuL5zCxDQ&feature=share
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 26-4-2014)
+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.
Một poster in hình 3 đức Giáo hoàng Francis (giữa), John Paul II (trái) và John XXIII chụp ngày 23-4-2014 tại Quảng trường St. Peter, Rome. (AFP Photo/Alberto Pizzoli)
Du khách chụp ảnh lưu niệm với khung hình 2 Đức Giáo hoàng John Paul II và John XXIII ngày 25-4-2014 tại Quảng trường St. Peter, Rome. (REUTERS/Stefano Rellandini)
Một giáo dân mặc áo T-shirt in hình 2 Đức Giáo hoàng John Paul II và John XXIII ngày 20-4-2014 tại Quảng trường St. Peter, Rome. (REUTERS/Tony Gentile)
Ngày 23-4-2014, anh Plisko Julius, từ Slovakia tới, mặc giả Đức Giáo hoàng John Paul II, ngồi ở Quảng trường St. Peter (Rome) cho du khách chụp ảnh lưu niệm. Trên tấm biển ghi: “Không ban phép lành, không phải là trang phục gốc. Tôi không phải là Giáo hoàng. Tôi chỉ là một bản sao.” (AP Photo/Gregorio Borgia)