Cơ quan NASA thiết kế tàu cứu sinh cho… phi hành gia
Trong bộ phim Gravity vừa đoạt tới 7 giải thưởng Oscar 2014, nhà nữ phi hành gia tiến sĩ Ryan Stone (do Sandra Bullock thủ vai) đã trở thành người sống sót duy nhất trên tàu con thoi STS-157 trở về được Trái đất bằng một con tàu cứu nạn. Chỉ có điều là tàu cứu sinh (lifeboat) cho các trạm không gian tới nay chưa hề có trong thực tế.
Mới đây, Cơ quan Hàng không – Không gian Mỹ (NASA) đã bắt tay vào dự án trang bị cho Trạm Không gian Quốc tế (ISS) một loại tàu cứu sinh riêng biệt lần đầu tiên trong 40 năm qua. Loại tàu cứu sinh này sẽ cho đội bay trên quỹ đạo một nơi không chỉ để náu thân khi xảy ra những sự cố trên trạm mà còn là phương tiện để họ quay về Trái đất khi cần thiết.
NASA đã đặt hàng các công ty không gian như Boeing, Sierra Nevada Corporation, và SpaceX để thiết kế các mẫu tàu cứu sinh. Họ sẽ phải giải quyết nhiều thách thức. Căng nhất là sự cân bằng giữa các khả năng và mức tiêu thụ điện năng như Trạm ISS tự cung cấp điện cho mình hoạt động. Trên tàu cứu sinh cũng chỉ có chỗ chứa một lượng nhỏ nước ép trái cây cỡ dung lượng có thể chứa trong một chiếc tủ lạnh gia đình, trong khi nhu cầu là cần phải cung cấp cho toàn bộ đội bay ít nhất là 24 tiếng đồng hồ. Họ cũng phải giải quyết cho được một hệ thống tuần hoàn không khí tích cực, nếu không muốn đội bay khi từ Trạm ISS chạy qua tàu cứu sinh sẽ lâm vào tình trạng thiếu không khí. Vỏ bọc tàu cứu sinh phải có khả năng chịu được sự va chạm của các thiên thể tí hon trong vũ trụ nhưng không được quá nặng nề.
Hiện nay, phương tiên sơ tán của Trạm ISS là 2 tàu không gian Soyuz của Nga luôn đậu thường trực trên trạm. Mỗi con tàu này chở được tối đa 3 phi hành gia, vì thế số lượng các phi hành gia có mặt trên trạm cùng một lúc được giới hạn là 6 người.
Với các thiết kế tàu cứu sinh mới mà NASA đang thực hiện, đội phi hành gia trên Trạm ISS có thể tăng lên gấp đôi hiện nay. Nhờ vậy sẽ có thêm nhiều nhà khoa học có mặt trên trạm giúp thời gian nghiên cứu các công trình nhanh hơn.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 6-5-2014)