Thứ Năm ngày 23 tháng 1 năm 2025

Tản mạn về “Made in China”

madeinchina-2

 

Mấy người bạn hỏi tôi nghĩ sao về chuyện tẩy chay hàng hóa Trung Quốc? Câu hỏi quả là không dễ dàng để trả lời ngay và thỏa đáng cho tất cả.

Xưa nay, vốn là một người hiểu và xác định rõ rằng người Việt chẳng có quan hệ tổ tiên họ hàng – cho dù xa tới huốt tầm tên lửa liên lục địa – với người Trung Hoa, tôi vẫn quan niệm cần sòng phẳng và fairplay phân biệt giữa nhà cầm quyền Bắc Kinh và người dân Trung Quốc. Chẳng ai ngây thơ tin vào cái kiểu lập luận rằng nhà cầm quyền Bắc Kinh cũng là đại diện cho người dân Trung Quốc. Họ chỉ là nhóm cai quản người dân nước họ mà thôi, cho dù cũng xuất thân từ công dân Trung Quốc nhưng họ đâu có thật sự là do người dân trực tiếp chọn lựa và tín nhiệm bầu ra đâu. Trong số hơn 1,3 tỷ người Trung Quốc cũng có chẳng ít những người biết điều, hiểu chân lý và lẽ phải. Bằng chứng nhãn tiền nhất là vẫn có những tiếng nói từ những học giả Trung Quốc phản đối mưu đồ bành trướng bá quyền của Bắc Kinh. Trong số hàng triệu nhà sản xuất của Trung Quốc cũng có đâu ít những doanh nhân làm ăn nghiêm chỉnh, cho ra những sản phẩm đàng hoàng.

Nói thì nói vậy và chủ yếu là về mặt lý lẽ thôi à há. Chứ ai mà chẳng vậy, nhiều khi cái cảm xúc nó dâng trào che mất tiêu cái lý trí rồi. Nhất là khi những điều tệ, những cái xấu cứ chường mặt ra lồ lộ như thế kia khiến cho những cái đàng hoàng, tốt đẹp bị mang tai mang tiếng và tệ nhất là bị “nhồi chung một chõ”!

Thực tế, khi hứ cái cóc ngoảnh mặt làm ngơ với những gì có kèm theo cái chữ “China”, người ta cũng phải phân biệt đâu là “Made in China” (làm tại Trung Quốc), đâu là “Product of China” (hàng của Trung Quốc). Khi mà với lợi thế dân đông nghịt, thị trường khổng lồ, nhân công rẻ rề, nguyên liệu dồi dào, Trung Quốc đã trở thành đại công xưởng của toàn cầu thì hầu hết các thương hiệu lớn trên thế giới đều gia công hay có nhà máy tại Trung Quốc. Trong những lần sang Mỹ hay Nhật Bản, tôi vẫn lâm vào tình cảnh khó xử khi muốn mua thứ gì đó của xứ người về làm quà lại thấy trên cái label có in dòng chữ “Made in China”. Vì thế nếu bạn kiên quyết một lòng không xài bất cứ cái gì có chữ “China”, tôi e rằng bạn sẽ có rất ít thứ từ “hàng hiệu” tới hàng “no-name” để mà xài.

Xài thì phải xài mà lòng thì trĩu nặng tâm tư “lòng này biết tỏ cùng ai”…

Chắc có bạn nói rằng thôi thì về xài đồ “Made in Vietnam” cho nó an lành. Huhu hichic bạn ơi, liệu có bao nhiêu món hàng do Việt Nam sản xuất lại không sử dụng nguồn nguyên vật liệu từ China vốn có lợi thế hấp dẫn ghê hồn với đầu óc tính toán của dân mần ăn về giá rẻ, dồi dào và thuận tiện?

Ở Mỹ, dân Mỹ vô tư xài các sản phẩm “Made in China” với quan niệm rất chi là thực dụng “no care xuất xứ”, hàng nào lọt qua được các hàng rào kiểm soát gắt gao của Mỹ tất nhiên phải đạt các tiêu chuẩn của Mỹ. Trong khi đó, bà con người Việt ở Mỹ chẳng hề “khoan nhượng”, món nào có chữ China chớ có mơ được nằm trên những chiếc xe trolley đẩy hàng trong siêu thị. Sẵn dịp nói luôn: một số – ngày càng ít đi nhưng vẫn còn – bà con mình cũng dị ứng luôn với những món “Made in Vietnam” nên chấp nhận mua gạo, mắm muối, thực phẩm “Việt Nam mà làm ở Thái Lan” trên bao bì in đầy những chữ Việt be bét lỗi chính tả. Suy cho cùng, người Việt mình dù ở đâu cũng đều “máu” như nhau. Chẳng trách ca dao tục ngữ mình có câu: “Yêu nhau yêu cả đường đi. Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng.”

Mấy lần tôi đi mua đồ ở chợ điện tử Nhật Tảo, khi đưa ra những sản phẩm có ghi “Made in China”, những người bán hàng nói rằng họ mạnh tay bán những món có ghi như vậy, vì phần lớn chúng là hàng chính hãng ở bển. Còn những món không ghi xuất xứ hay chỉ ghi được sản xuất tại huyện này, tỉnh nọ ở bển thì chớ dại mà mua về. Ở một số nước, nhà chức trách có quy định cụ thể chỉ có những sản phẩm đạt những tiêu chí nào đó mới được dùng xuất xứ quốc gia. Tôi thì tin rằng những người sản xuất ở bển có thể thoải mái ghi dòng “Made in China” đó lên sản phẩm của mình. Sau này có lẽ do bị cả thế giới lên án vì nạn hàng dỏm, hàng độc hại, một số hãng ở bển bèn ghi tắt ỡm ờ là “Made in PRC” (PRC viết tắt của People’s Republic of China, CHND Trung Hoa). Ghi xuất xứ kiểu này còn dễ bị lẫn lộn cố tình với hàng “Made in ROC” (ROC là Republic of China, CH Trung Hoa, tên chính thức của Đài Loan).

Có thể hiên ngang ưỡn bộ ngực slim ra mà nói rằng: tôi là một người yêu nước Việt gấp ba lần những đồng bào khác. Này nhé, có cha mẹ gốc Bắc, tôi đẻ rớt ở miền Trung và lớn lên ở miền Nam (tôi từ cõi ta bà chun vô bụng mẹ ở xã Thường Phước, quận Hồng Ngự, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp), có nghĩa tôi là “Triple Việt”. Cái nhau của tôi lại được chôn cách cái nhau của vua Quang Trung có mấy “dem” (bởi vậy mà Ngài mần vua, còn tôi thân thằng mõ giữ cổng làng). Nhưng tôi hiểu mình phải làm gì khi chung quanh tôi hầu hết là những sản phẩm thương hiệu quốc tế mang dòng chữ “Made in China”. Giàng ơi trêu ngươi tôi sao mà ngoài đầu hẽm có tiếng loa điện tử rao lên: “Ai có tivi, tủ lạnh, đầu đĩa, máy tính… cũ bán hôn?”

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 10-5-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.